“Nắn” lại dòng vốn vay nước ngoài vào TTCK

(ĐTTCO) - Vài năm gần đây, xu hướng vay vốn tín chấp nước ngoài để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư của các công ty chứng khoán (CTCK) diễn ra khá phổ biến, do tận dụng được nguồn vốn rẻ. Đây là một trong những nguồn vốn quan trọng góp phần tạo nên sự sôi động về thanh khoản đối với thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước. 

SSI là một trong những CTCK vay vốn từ nước ngoài nhiều nhất.
SSI là một trong những CTCK vay vốn từ nước ngoài nhiều nhất.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN, về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được bảo lãnh Chính phủ, đã tạo ra sự lo lắng cho nhà đầu tư (NĐT), vì nó có thể tác động đến dòng tiền vào TTCK và khiến thị trường sụt giảm.

CTCK vay vốn khủng từ nước ngoài
Chỉ số VN Index vừa có cú sụt giảm mạnh hơn 24% trong tháng 4, đã khiến Việt Nam trở thành TTCK giảm mạnh nhất thế giới. Lý do của đợt sụt giảm này ngoài ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tài chính thế giới, còn đến từ các hành động mạnh tay của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chỉnh đốn lại thị trường trái phiếu và xử lý các hành vi thao túng TTCK.
Song nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, là do hiện tượng “call margin” từ các CTCK diễn ra trên diện rộng, khi tổng dư nợ cho vay margin (giao dịch ký quỹ) đạt mức kỷ lục 201.176 tỷ đồng tại thời điểm quý I. 
Trước đó, sự bùng nổ của TTCK trong giai đoạn dịch Covid 19 đã giúp các CTCK đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ cho vay margin. Đồng thời, bên cạnh việc tận dụng vốn chủ sở hữu, các CTCK còn vay vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.
Đáng chú ý, nhiều CTCK đã tận dụng lợi thế của mình và huy động được nguồn vốn rất lớn từ việc vay tín chấp các TCTD nước ngoài để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh. 
Gần đây nhất ngày 12-5, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ra thông cáo báo chí về việc vừa ký kết thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) với Megabank.
Trước đó, VCSC cũng từng thu xếp thành công 2 khoản vay hợp vốn tín chấp khác vào tháng 11-2021 (100 triệu USD) và tháng 5-2020 (40 triệu USD). Cuối tháng 3 vừa qua, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng công bố đã hoàn thành giải ngân hợp đồng vay vốn tín chấp hạn mức 148 triệu USD với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tham chiếu là lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm theo thông lệ thị trường tiền tệ quốc tế (SOFR). Đây là hợp đồng vay tín chấp nước ngoài lớn nhất một CTCK Việt Nam tiếp cận được đến thời điểm này. 
Trong năm 2021, SSI cũng tiếp cận được nguồn vốn tín chấp nước ngoài lớn nhất trong khối các CTCK, lên tới 267,5 triệu USD. Tương tự VCSC và SSI, CTCP Chứng khoán HCM cũng đã ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD (tương đương 2.374 tỷ đồng) vào tháng 12-2021. Trước đó HSC đã có 2 lần ký kết khoản vay lần lượt 50 triệu USD và 44 triệu USD. 

NHNN định hướng dòng vốn vay
NHNN muốn nắn kỳ hạn của dòng tiền vay nước ngoài từ ngắn hạn sang trung và dài hạn; đặc biệt không để vốn vay ngắn hạn chảy vào các kênh có tính đầu cơ cao như chứng khoán và bất động sản.
Những thương vụ vay tín chấp nước ngoài điển hình của các CTCK Việt Nam kể trên đã thực hiện trong khoảng 2 năm gần đây, và theo khảo sát đa số khoản vay này đều xuất phát từ các NH của Đài Loan. Mặc dù các hoạt động vay vốn nước ngoài hầu hết đều diễn ra đúng quy định của pháp luật, nhưng việc dòng vốn rẻ được bơm vào quá mức cũng rất dễ tạo ra “bong bóng” với TTCK và bất động sản trong nước, bên cạnh đó rủi ro biến động tỷ giá cũng là áp lực đối với điều hành của NHNN.
Vì vậy, việc NHNN sửa đổi và bổ sung các điều kiện về vay vốn nước ngoài là cần thiết, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đi vay có thể tự quản trị rủi ro, tự chịu trách nhiệm về các rủi ro phát sinh, đồng thời cũng giúp NHNN nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành thị trường. 
Đối với chứng khoán là lĩnh vực thuộc nhóm đi vay không phải là TCTD, nên bên cạnh các chỉ tiêu chung để vay nợ nước ngoài, NHNN còn bổ sung thêm một số điều kiện để định hướng dòng vốn vay.
Trong Điều 15 dự thảo Thông tư sửa đổi, yêu cầu bên đi vay không được phép sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài (kỳ hạn dưới 1 năm) để chi trả cho các khoản vay phát sinh với người cư trú, hoặc thanh toán các khoản nợ phát sinh từ giao dịch mua bán chứng khoán kinh doanh, mua phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp khác.
Theo quy định này, CTCK sẽ không được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để cơ cấu nợ ngắn hạn trong nước, hay tham gia mua bán đầu tư chứng khoán. Điều này sẽ hạn chế được tính đầu cơ ngắn hạn trong lĩnh vực chứng khoán. 
Trong khi đó, Điều 15 Thông tư sửa đổi lại cho phép bên đi vay sử dụng vốn vay nước ngoài trung và dài hạn (kỳ hạn trên 1 năm) để cơ cấu nợ vay nước ngoài và tăng quy mô vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp theo phạm vi ngành nghề kinh doanh được cấp phép.
Như vậy, nếu CTCK sử dụng vốn vay trung và dài hạn nước ngoài sẽ không bị giới hạn về việc sử dụng vốn trong mục đích kinh doanh. Điều này có nghĩa là họ hoàn toàn được quyền sử dụng vốn để cho khách hàng vay lại thông qua dịch vụ margin, ứng trước tiền bán hoặc mua chứng khoán tự doanh theo đúng quy định của pháp luật. 
Qua quy định bổ sung này, có thể nhận thấy mục đích của NHNN là muốn nắn kỳ hạn của dòng tiền vay nước ngoài từ ngắn hạn chuyển sang trung và dài hạn; đặc biệt không để cho vốn vay ngắn hạn nước ngoài chảy vào các kênh có tính đầu cơ cao như chứng khoán và bất động sản.
Các CTCK vẫn có thể tích cực tìm kiếm dòng vốn vay rẻ từ nước ngoài với kỳ hạn trên 1 năm để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình không bị hạn chế bởi Thông tư 12 sửa đổi. Thêm vào đó, quy định giới hạn vay nước ngoài không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu hoặc vốn điều lệ, cũng là điểm tích cực để kiểm soát dòng vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp. 
Nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2014/TT-NHNN được thông qua, dòng vốn vay nước ngoài đổ vào nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng sẽ ổn định hơn; tránh được các biến động cục bộ tiêu cực đối với thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Chính phủ trong công tác điều hành vĩ mô nhằm đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Các tin khác