Một nghiên cứu về vấn đề này của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương vừa được hoàn thành đã chỉ ra rằng, tình trạng giám sát của Nhà nước còn thụ động hoặc chỉ thực thi quyền sở hữu từ xa có thể làm suy yếu động cơ của các DNNN và cán bộ trong DN trong việc hành động vì lợi ích tốt nhất của DN và người dân - cổ đông thực sự của DN và làm tăng khả năng hành động vì lợi ích cá nhân của cán bộ trong DN. Vấn đề cũng có thể phát sinh khi DNNN phải thực hiện mục tiêu kép, bao gồm thực hiện các hoạt động kinh tế và đáp ứng vai trò mục tiêu chính sách công.
Nhận thức về việc “đối xử bình đẳng” với DNNN như một yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường, cộng với tiến trình triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong 35 năm đổi mới, pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung để DNNN ngày càng được trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Có thể kể đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước và hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước còn tham gia quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN. Không ít trường hợp, nhiều DNNN thuộc diện bị giải thể, phá sản vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại “lay lắt”.
Để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong thời gian tới, yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của DNNN. DNNN cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Báo cáo tài chính năm của DNNN phải được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự minh bạch liên quan đến kết quả tài chính và phi tài chính của DNNN chính là chìa khóa cho việc tăng cường trách nhiệm của HĐQT và ban điều hành của DNNN.
Tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với DNNN là một trong những khuyến nghị quan trọng khác. Theo đó, giảm ưu tiên, ưu đãi và lợi thế thực tế của DNNN trong tiếp cận tài chính; xác định rõ và phân tách chi phí thực hiện nhiệm vụ công ích với hoạt động kinh doanh; giám sát và kiểm soát rủi ro tài chính cũng như gánh nặng ngân sách tiềm năng của DNNN đối với nền kinh tế; thiết lập cơ chế ràng buộc giữa nhiệm vụ với ngân sách thực hiện, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước… Ở chiều ngược lại, cần tách bạch rõ ràng nhiệm vụ chính trị, xã hội của DNNN, tránh can thiệp hoặc áp đặt DNNN phải thực hiện quá nhiều mục tiêu và nhiệm vụ phi thị trường, phi kinh tế.
Sau hết, cần nói thêm rằng, mặc dù tư nhân hóa là xu hướng mạnh mẽ, nhưng không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước, bất kể khu vực địa lý hay mức độ phát triển kinh tế ra sao, Nhà nước đang và sẽ tiếp tục là chủ sở hữu của khá nhiều DN và DNNN vẫn là một chủ thể kinh tế quan trọng. DNNN vẫn chiếm đến 20% tổng vốn đầu tư, 5% lao động toàn cầu và đến 40% sản lượng nội địa ở các nước trên thế giới.
Ở nhiều quốc gia, DNNN được sử dụng như một công cụ để phát triển các ngành chiến lược với mục tiêu cạnh tranh toàn cầu; cũng như đóng vai trò cung ứng dịch vụ trong các ngành kinh tế quan trọng như các dịch vụ thiết yếu, tài chính, tài nguyên thiên nhiên… Vì thế, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là một yêu cầu hết sức quan trọng đảm bảo kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.