Tại Việt Nam, VĐT đã có mặt khá lâu nhưng vẫn chưa được sử dụng phổ biến. Để thúc đẩy công cụ này, các VĐT đang nỗ lực chuyển mình với nhiều dịch vụ, tính năng mới để tiếp cận gần hơn với người dùng.
Thêm tính năng mới
Trong nửa đầu tháng 1-2018, VĐT và cổng thanh toán trực tuyến Ngân Lượng đã phối hợp với các đối tác uy tín triển khai chương trình “Đón tết rộn ràng - Vô vàn ưu đãi”, ưu đãi lớn trả góp lãi suất 0% cho khách hàng khi mua hàng thanh toán qua Alepay, nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng sôi động thời điểm cận Tết Nguyên đán 2018. Thanh toán trả góp trực tuyến lãi suất 0% qua Alepay là kênh thanh toán mới của Ngân Lượng trên thị trường thanh toán điện tử với nhiều ưu điểm, như hỗ trợ trả góp không tính lãi suất, không cần đặt cọc, không chứng minh tài chính, chi phí chuyển đổi trả góp thấp.
Hiện Ngân Lượng đã hợp tác với 14 NH trong và ngoài nước phát triển dịch vụ này. Ngày 20-1 vừa qua, ví Vimo cũng đã hợp tác với Techcombank để cung cấp dịch vụ trả góp 0%, áp dụng cho các giao dịch chi tiêu mua sắm hàng hóa (tại cửa hàng và mua hàng trực tuyến) có giá trị từ 3 triệu đồng trở lên.
Những sản phẩm mới như kết hợp với đối tác triển khai cho vay trả góp lãi suất 0% hay mở rộng thêm dịch vụ gửi tiết kiệm và vay cầm cố sổ tiết kiệm online, cho thấy VĐT đang có những bước tiến mới mạnh mẽ hơn để giành thị phần trên thị trường thương mại điện tử. |
Sản phẩm mới này áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân có tài khoản tại Ví Việt và LienVietPostBank. Theo LienVietPostBank, với 2 chức năng gửi tiết kiệm và vay cầm cố tiền gửi tiết kiệm, số tiền nhàn rỗi của khách hàng sẽ tự động sinh lời và khi cần tiêu dùng có thể dễ dàng vay lại với lãi suất ưu đãi.
Cụ thể, khi có nhu cầu gửi tiết kiệm, khách hang mở ứng dụng Ví Việt trên điện thoại, chủ động lựa chọn kỳ hạn phù hợp, số tiền cần gửi, hình thức tái tục... để gửi tiền mọi lúc, mọi nơi với kỳ hạn gửi đa dạng từ 1-60 tháng, và sẽ được nhận lãi suất ưu đãi hơn gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch của LienVietPostBank.
Nếu khách hàng cần khoản tiền để chi tiêu trong khi chưa đến ngày đáo hạn, có thể sử dụng chức năng vay cầm cố tiền gửi tiết kiệm. LienVietPostBank sẽ cấp một hạn mức vay lên đến 98% số tiền gửi tiết kiệm bất cứ khi nào có nhu cầu, với thời hạn vay bằng thời hạn đáo hạn của khoản tiết kiệm cầm cố, lãi suất vay ưu đãi chỉ cao hơn 1% lãi suất kỳ hạn khách đã gửi tiết kiệm.
Không ngừng cải tiến
Không ngừng cải tiến
VĐT ban đầu ra đời với mục đích là một tài khoản online, cho phép người dùng thanh toán phí một số dịch vụ như tiền điện nước, cước viễn thông, nạp thẻ điện thoại, mua hàng online ở các trang thương mại điện tử. Sau đó, nó được tăng cường các tính năng như chuyển tiền giữa các tài khoản NH hay rút tiền từ tài khoản điện tử.
Các VĐT được nhắc nhiều nhất là Momo, Ví Việt, Payoo, Zalo Pay, Ngân Lượng. Ngoài ra, thị trường VĐT còn có Bankplus, Moca, VnMart, We Pay, VTC Pay 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, ví FPT, eMonkey, Pay365, TopPay… Các VĐT cũng liên tục được các đơn vị chủ quản nâng cấp cả về công nghệ, tài chính lẫn quy mô hoạt động.
Ví Việt - VĐT đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chức năng như một NH số.
Chẳng hạn, sau 5 năm hoạt động, VĐT WebMoney đã ra mắt phiên bản toàn cầu tại Việt Nam vào năm 2017, VietUnion (đơn vị thực hiện việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua hệ thống ví Payoo) đã bán 40% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là NTT Data để tăng vốn thêm 150 tỷ đồng.
Hay ví MoMo được chú trọng mở rộng hệ thống phân phối trải rộng và đã đạt 3.000 điểm giao dịch, 100.000 điểm bán lẻ. Hoặc Ví Việt cũng được đẩy mạnh hoạt động trong các năm qua và đến cuối năm 2017 đã đạt hơn 2 triệu người dùng, hơn 16.000 điểm chấp nhận thanh toán cả nước, tiếp cận cả người dân tại vùng sâu, vùng xa.
Theo các thống kê về thị trường thẻ, tổng doanh số thanh toán thẻ chỉ chiếm khoảng 6% chi tiêu của người dân. Có tới 6/7 giao dịch với thẻ NH là ở máy ATM, chủ yếu để rút tiền mặt. Số máy POS vẫn còn ít, với khoảng 300.000 máy trên tổng 65 triệu người 15-64 tuổi. Đồng thời thương mại điện tử Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ (chỉ khoảng trên dưới 1% chi tiêu của người dân) và phần lớn các giao dịch được thanh toán bằng hình thức giao hàng thu tiền.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) nhận định tình hình này đang thay đổi rất nhanh vì rất nhiều NH, đặc biệt là các nhà băng lớn, đã bắt đầu triển khai các hình thức thanh toán điện tử mới với điện thoại di động. Hơn 20 công ty Fintech làm thanh toán điện tử cũng được NHNN cấp phép, đồng thời NHNN cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Fintech nhằm hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy lĩnh vực này. Đây là cơ hội cho thanh toán điện tử cũng như dịch vụ VĐT.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT MoMo, thanh toán di động mà cụ thể là VĐT đang ngày càng trở thành phương thức thanh toán phổ biến, không chỉ tại Hoa Kỳ, châu Âu mà cả những nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya. Bên cạnh vai trò là một công cụ thanh toán, VĐT còn được sử dụng như một phương tiện để đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ tài chính toàn diện trên tầm quốc gia, và Momo đang đẩy mạnh việc phát triển tài chính toàn diện để phục vụ thị trường.
Đáng chú ý, nhờ những nỗ lực không ngừng của các công ty Fintech, gần đây NH và các tổ chức tài chính tại Việt Nam đã có cái nhìn tích cực hơn, coi thanh toán di động là một đối tác trong việc mang dịch vụ tài chính đến cho người dân với chi phí thấp nhờ công nghệ. Đây là điểm tích cực cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam.