Theo tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cơ quan này vừa có cuộc làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam để thảo luận các vấn đề về hiện trạng ngành logistics (dịch vụ hậu cần), những khó khăn vướng mắc hiện này về chi phí, về quy hoạch phát triển và triển vọng trong ngắn hạn cùng tầm nhìn dài hạn.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong lĩnh vực logistics như quy hoạch trung tâm logistics hiện chưa được triển khai quyết liệt.
Các nhà máy, container rỗng, cảng nằm rải rác ở những nơi khác nhau khiến cho chi phí vận chuyển bị đội giá. Không những thế, bến bãi đỗ container ở gần các cảng lớn cũng không được quy hoạch.
Cụ thể như trường hợp cảng Cát Lái là ví dụ điển hình. Theo Báo cáo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trung bình mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải tới cảng Cát Lái, nhưng tại đây lại không có chỗ đậu, khiến các tuyến đường gần dẫn vào cảng luôn trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Giải quyết bài toán liên kết vùng và quy hoạch đất đai rất cần sự vào cuộc của Chính phủ. Bởi theo ghi nhận, các doanh nghiệp ngành logistics đang rất cần các quỹ đất riêng để phát triển kho bãi với giá cả hợp lý. Thậm chí trong một vài trường hợp, việc thuê đất vẫn luôn gặp trở ngại vì môi giới bất động sản luôn đẩy giá đất lên quá cao.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB, cho hay năm 2023 tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chỉ bằng một phần tư so với dự báo hồi tháng 6 năm 2022 và tình hình tăng trưởng năm 2024 cũng được dự báo là không mấy lạc quan.
Nhìn chung, tình hình kinh tế sẽ ảm đạm trong thời gian tới khi các chỉ số như thu nhập cố định, bán lẻ vẫn đang có xu hướng đi xuống, đồng thời tỉ lệ thất nghiệp tăng cho thấy một tương lai bất ổn và không chắc chắn của nền kinh tế.
Dựa trên báo cáo về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 cho thấy sự sụt giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu giảm mạnh hơn khoảng gần 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu trên toàn cầu đang yếu hơn so với dự kiến, điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt và chênh lệch vị thế tiền tệ giữa Việt Nam và các nước phát triển cũng ngày càng tăng.
Thêm vào đó, chất lượng hạ tầng của Việt Nam hiện vẫn đứng sau so với các quốc gia trong khu vực. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn.
Theo một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tuy chất lượng hạ tầng được nhận định là đã có cải thiện qua quá trình tăng đầu tư, nhưng Việt Nam vẫn đứng sau các quốc gia trong khu vực.
Khảo sát này xếp hạng Việt Nam đứng thứ 77 trên tổng số 141 nền kinh tế trên thế giới, thấp hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan - là các quốc gia mà Việt Nam đang cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chỉ số chất lượng hạ tầng toàn cầu năm 2021 xếp Việt Nam đứng thứ 51 trên 184 nền kinh tế, thấp hơn so với Indonesia ở thứ 28, Malaysia thứ 29 và Thái Lan thứ 33. Mật độ đường cao tốc là một ví dụ về chất lượng hạ tầng, hiện thuộc dạng thấp nhất trong khu vực, trong khi chi phí vận tải đường bộ lại thuộc dạng cao nhất trong khu vực.
Thiếu hụt đầu tư cho hạ tầng sẽ hạn chế khả năng để Việt Nam thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI. Tất cả những yếu tố này, đương nhiên sẽ là rào cản và thách thức lớn đối với ngành logistics trong tương lai gần.
Trước thực trạng này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA), bày tỏ sự kỳ vọng về mối quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm từ WB trong thời gian tới; đặc biệt là sự phối hợp triển khai dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam (LCI).
Chỉ số LCI tại các tỉnh, thành phố sẽ giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành logistics tại các địa phương, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bộ chỉ số LCI cấp tỉnh thể hiện mức độ cạnh tranh của logistics Việt Nam so với các quốc gia khác thế giới, đánh giá các chỉ số về hạ tầng, công nghệ vào quản lý chuỗi cung ứng và logistics, những điều kiện về kinh tế vĩ mô, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, kích cỡ thị trường, sự năng động trong môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo.
Dự án hiện đang được thực hiện và sẽ công bố kết quả vào cuối năm nay 2023 với sự tham gia của rất nhiều các tổ chức, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp quan tâm.
Dự án đưa ra các chỉ số đo lường giúp đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Đặc biệt, dự án sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam; chỉ số LCI sẽ là công cụ phản biện chính sách hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương hoạch định chính sách phát triển, quy hoạch logistics phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế của từng địa phương.