Hấp thụ vốn của DN suy giảm
Tại sự kiện “Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”, do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam tổ chức mới đây, khi phân tích về những khó khăn của các DN trong thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận xét: Các DN đang ở giai đoạn rất khó khăn, thậm chí khó hơn giai đoạn đầu năm 2020 (gián đoạn kinh doanh do Covid-19) vì doanh thu giảm và chi phí gia tăng.
Theo dữ liệu khảo sát từ 980/1.433 DN niêm yết, doanh thu bình quân của các DN sụt giảm 5,2%, lợi nhuận giảm đến 44,7% trong quý I. Những con số này cho thấy nhiều DN đang phải nhận đơn hàng dù lỗ nhưng với mục tiêu giữ chân người lao động, giữ dây chuyền sản xuất hoạt động để chờ cơ hội phục hồi trong thời gian tới.
Sang quý II, khó khăn của các DN cũng chưa được cải thiện đáng kể, khi lợi nhuận nhiều DN thuộc nhiều nhóm ngành tiếp tục suy giảm. Ngoại trừ các DN thuộc nhóm ngành ngân hàng và tài chính vẫn duy trì được mức tăng trưởng và có lợi nhuận (nhóm ngành ngân hàng có lợi nhuận tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nhóm ngành tài chính vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế), các DN thuộc các nhóm ngành khác đều ghi nhận suy giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ.
Cụ thể, các DN thuộc nhóm phi ngân hàng lợi nhuận giảm tới -41,7% so với cùng kỳ năm trước (số liệu từ 580 DN niêm yết, chiếm 49% tổng vốn hóa khối này), nhóm DN phi tài chính suy giảm lợi nhuận thu hẹp còn khoảng 16,5% cho cả năm 2023, nhóm ngành bất động sản và xây dựng, vật liệu suy giảm mạnh cả năm 2022 và nửa đầu năm 2023, dự kiến cả năm tốc độ suy giảm mạnh.
Đáng chú ý, DN thuộc nhóm ngành xuất khẩu, lợi nhuận có xu hướng suy giảm mạnh trong cả năm 2023. Trong khi đó, DN thuộc các nhóm ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa cũng giảm nhẹ hoặc đi ngang.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, vấn đề khó khăn hiện nay của các DN Việt Nam không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao, mà là năng lực hấp thụ vốn xuống thấp. Đó là sự sụt giảm đơn hàng dẫn đến doanh thu giảm và biên lợi nhuận thu hẹp, làm cho nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp. Thêm vào đó, hiệu quả sử dụng vốn (bao gồm vốn tự có và vốn vay) trong điều kiện bình thường ở khoảng 9-11%/năm (hiện nay đang có xu hướng giảm) là quá cao.
Điều này cho thấy, mặt bằng lãi suất nói chung cần tiếp tục giảm tương thích với thực tế hiệu quả đầu tư của DN. Đồng thời, các giải pháp chính sách nên tập trung vào hỗ trợ lãi suất, hoãn hoặc giãn nợ nhằm hỗ trợ DN qua giai đoạn khó khăn, thay vì chỉ tập trung vào giải ngân vốn mới để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Cứu DN có “chọn lọc” và đa dạng hóa nguồn vốn
2 nhóm ngành được đề xuất hỗ trợ tích cực hơn là dệt may và thủy sản, bởi đây sẽ là động lực chính của xuất khẩu. Cụ thể, ngành thủy sản chịu tác động tiêu cực bởi cầu ở các thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu và Trung Quốc) giảm mạnh. Triển vọng nửa cuối năm 2023 dự kiến sẽ “sáng” hơn nhờ kỳ vọng cầu hồi phục ở Mỹ, Trung Quốc và chi phí vận chuyển giảm.
Ngành thủy sản hiện chiếm 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và có sự tham gia của hơn 4 triệu lao động. Đây là ngành cần được hỗ trợ để “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Tương tự, ngành dệt may cũng gặp khó khăn về đơn hàng nên doanh thu giảm và biên lợi nhuận giảm. Chính vì vậy, trọng tâm của chính sách hỗ trợ nên là giảm lãi suất, thuế... nhằm hỗ trợ DN vượt khó và chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục cầu trở lại.
Về giải pháp hỗ trợ DN, theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay NHNN đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực như 4 lần giảm lãi suất điều hành, thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ. Trong đó, Thông tư 02 thực chất là một hình thức giảm chuẩn tín dụng để nhiều DN gặp khó khăn trong trả nợ vẫn có thể tiếp tục vay vốn.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chất lượng DN suy giảm nên cung cầu tín dụng khó gặp nhau. Một trong những yếu tố quan trọng để cung cầu tín dụng gặp nhau là bên đi vay phải có sức khỏe tài chính cũng như khả năng trả nợ tốt. Do vậy, một biện pháp rất quan trọng cần được xem xét là sửa các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh DN để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay. Điều này cũng phát huy vai trò của thị trường vốn thay vì chỉ dựa vào vốn tín dụng.
Hiện nay, chúng ta đang kỳ vọng vào việc sắp tới thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ được các tổ chức tín nhiệm thế giới xem xét đánh giá và có thể được nâng hạng. Khi được nâng hạng, điều này sẽ giúp thu hút một lượng vốn lớn vào Việt Nam.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK. Do đó, nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại ròng khoảng 7,2 tỷ USD/năm.
Cùng với đó, việc nâng hạng sẽ giúp khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, từ đó ảnh hưởng tích cực đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Đồng thời, khi dòng vốn lớn chảy vào TTCK Việt Nam, các DN sẽ có cơ hội huy động vốn chủ động từ việc phát hành chứng khoán, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng.
Khó khăn hiện nay của các DN Việt Nam là năng lực hấp thụ vốn xuống thấp. Từ ngoại lai do sự sụt giảm đơn hàng dẫn đến doanh thu giảm và biên lợi nhuận thu hẹp, làm cho nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp. Đến nội tại do vốn vay có lãi suất quá cao, trong điều kiện bình thường ở khoảng 9-11%/năm.