Như năm 2016, có hoạt động rà soát hàng loạt quy định về ĐKKD và ban hành hơn 50 nghị định về ĐKKD vào thời điểm ngày 1-7-2016, nhằm tránh việc các thông tư ban hành ĐKKD bị mất hiệu lực theo quy định tại Luật Đầu tư 2014. Hay năm 2018, có Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD trong lĩnh vực mình quản lý.
Gần đây nhất, trong năm 2020, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Có thể thấy, những nỗ lực trên của Chính phủ đã đem lại những kết quả nhất định. Đầu tiên là số ĐKKD giảm đáng kể. Theo thống kê của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, đã cắt giảm, đơn giản hóa được 2.234 quy định kinh doanh, 1.072 thủ tục hành chính, 159 yêu cầu đăng ký, 66 chế độ báo cáo, 933 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành…
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính đã thuận lợi hơn, rất nhiều thủ tục đã thực hiện theo phương thức điện tử, hoặc trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Mặc dù Nhà nước đã có những hoạt động cải cách mạnh mẽ về ĐKKD, các quy định kinh doanh, nhưng tình trạng thông tư ban hành ĐKKD vẫn còn, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Phổ biến nhất là có một số dạng thông tư ban hành những ĐKKD mang tính “ẩn danh”. Việc cài cắm ĐKKD trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vẫn còn tồn tại. Điều này khiến việc ban hành ĐKKD không được kiểm soát chặt chẽ và dễ dàng bị lạm dụng; mặt khác cũng cho thấy việc kiểm soát về thẩm quyền ban hành ĐKKD hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Thực trạng này khiến cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn. Những đề xuất cắt giảm trong các phương án nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa có tính đột phá, cải cách. Nhiều quy định về ĐKKD bất hợp lý vẫn còn. Thí dụ, việc thiết kế hệ thống phân phối phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực xăng dầu đã tác động đến thị trường bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua. Kiểm soát, cắt giảm cái cũ, cái hiện có nhưng không kiểm soát cái mới ban hành, cái đang soạn thảo.
Một điều dễ nhận ra, là mỗi khi có chính sách về rà soát, cắt giảm đơn giản hóa ĐKKD, quy định kinh doanh, các cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào những ĐKKD hiện có, việc kiểm soát các ĐKKD mới, ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới rất hạn chế. Đơn cử, trong Dự thảo Luật Lưu trữ, bổ sung thêm hàng loạt ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như dịch vụ chỉnh lý tài liệu; dịch vụ số hóa tài liệu lưu trữ; dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ; dịch vụ tư vấn… Trong khi đó, đây là những ngành nghề không cần thiết phải kiểm soát bằng ĐKKD.
Thêm vào đó, thủ tục hành chính vẫn phiền hà. Báo cáo PCI 2022 cho biết, trở ngại trong thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện cũng gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng tình với nhận định “doanh nghiệp không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục” ở mức thấp 27,4%, giảm sâu so với năm 2021 (41,38%).
Tỷ lệ doanh nghiệp đồng tình với các nhận định “thời gian thực hiện thủ tục không kéo dài hơn so với văn bản quy định” (27,12%); “Quy trình giải quyết thủ tục đúng như văn bản quy định” (28,92%) đều ở mức thấp.
Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là chưa có cách hiểu thống nhất về ĐKKD. Trong quá trình góp ý xây dựng chính sách, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy, cách tiếp cận và cách hiểu về ĐKKD của một số cán bộ soạn chính sách còn khác nhau, từ đó việc xác định một ĐKKD và cơ chế quản lý đôi khi chưa chính xác. Hoạt động kiểm soát việc ban hành ĐKKD, ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa hiệu quả, công tác kỷ luật, kỷ cương trong thực thi pháp luật còn thấp.
Trong khi đó, doanh nghiệp không có nhiều thời gian cũng như mức độ hiểu biết sâu khi đọc dự thảo văn bản pháp luật, việc cơ quan soạn thảo đưa cả dự thảo lên, không diễn giải về chính sách, doanh nghiệp có ý kiến góp ý sẽ rất khó tiếp cận lẫn cách hiểu.
Để những nỗ lực cải cách đạt kết quả tốt, cần chấm dứt tình trạng biến ĐKKD trở thành những “rào cản” đối với doanh nghiệp.