Tăng lương tối thiểu vùng có tăng áp lực cho doanh nghiệp?

(ĐTTCO) - Khó khăn là cụm từ các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu nhắc đến nhiều nhất kể từ đầu năm đến nay, khi đơn hàng thiếu hụt trầm trọng.
Lúc này nếu tăng lương tối thiểu vùng, đồng nghĩa với tăng thêm gánh nặng cho DN, còn thực tế người lao động chưa chắc lợi.
Lúc này nếu tăng lương tối thiểu vùng, đồng nghĩa với tăng thêm gánh nặng cho DN, còn thực tế người lao động chưa chắc lợi.

Chính vì thế, nếu tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm sau, cũng đồng nghĩa tăng thêm gánh nặng cho DN, còn người lao động chưa chắc đã được hưởng lợi.

Cắt giảm lao động hàng loạt

Thời điểm tháng 2, khi Công ty TNHH PouYen Việt Nam, DN sử dụng nhiều lao động nhất của TPHCM thông báo cắt giảm hàng ngàn lao động do thiếu đơn hàng, cũng là lúc bức tranh ảm đạm của nhiều ngành hàng xuất khẩu bắt đầu rõ nét hơn. Thiếu đơn hàng khiến các nhà máy trong ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và cả thủy sản… không còn sáng đèn liên tục, người lao động bị cắt giảm giờ làm, thậm chí không ít DN buộc phải cho lao động nghỉ việc.

Theo số liệu thống kê, trong nửa đầu năm đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc lên tới 279.409 người, 195.039 người bị giảm giờ làm, hơn 17.003 người nghỉ không lương...

Lao động mất việc nhiều nhất tập trung ngành dệt may (68.782 người), sau đó đến sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (45.000 người), da giày (31.600 người). Nơi có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Các lĩnh vực công nhân bị giảm giờ làm nhiều nhất, là da giày (66.000 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (24.800 người), chế biến thủy, hải sản (gần 6.000 người), chế biến gỗ (5.400 người).

Để tình trạng cắt giảm lao động được hạ xuống mức thấp nhất, nhiều DN phải chấp nhận việc nhận đơn hàng nhỏ lẻ, đơn hàng không đúng chuyên môn, thậm chí càng làm càng lỗ do giá gia công hiện đang giảm mạnh.

Tất cả vẫn chưa dừng lại, khách hàng còn có nhiều yêu cầu hơn nhưng lại thường hoãn thời gian nhận hàng, càng thêm khó cho DN về dòng tiền, kho bãi… Khó khăn hiện nay của nhiều nhóm ngành được đánh giá là “kinh khủng” hơn thời điểm đỉnh dịch. Những dự báo hồi đầu năm về việc đơn hàng có thể hồi phục vào cuối quý II đầu quý III đã không còn chính xác, khi tình hình vẫn hết sức khó khăn. Rất có thể phải đến quý IV, thậm chí qua đầu năm sau, mới có thể nhìn thấy “ánh sáng phía cuối đường hầm”.

Giám đốc một DN trong ngành dệt may đã từng chia sẻ, người lao động chính là tài sản quý nhất phải nỗ lực giữ. Nếu cho nghỉ việc quá nhiều, khi có đơn hàng trở lại DN sẽ trở tay không kịp, tuyển lao động mới sẽ phải bắt đầu hành trình đào tạo mới, tốn kém chi phí, thời gian và hiệu quả nhiều khi không được như mong đợi.

Nhiều tiếng nói của DN, hiệp hội đã được gửi đến các cơ quan chức năng, với hy vọng có thể được hỗ trợ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Chỉ khi DN sống được, người lao động mới có việc làm, ổn định đời sống. Phía ngành dệt may còn từng đưa ra kiến nghị được vay gói hỗ trợ lãi suất để trả lương nhằm giữ chân người lao động, song trợ lực chưa thấy nhiều mà áp lực lại liên tiếp bủa vây.

Lo thêm gánh nặng chi phí

Thông tin sắp tới đây Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp bàn việc có tăng lương tối thiểu vùng hay không, đang thu hút được nhiều sự quan tâm của cả người lao động và DN. Tăng lương là nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhưng DN cũng có những lý lẽ của mình về việc tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều DN cho rằng, lúc này nếu tăng lương tối thiểu vùng, đồng nghĩa với tăng thêm gánh nặng cho DN, còn thực tế người lao động chưa chắc lợi. Bởi thực tế hầu hết DN đều trả lương cho lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Nếu tăng lúc này sẽ chỉ làm DN tăng thêm chi phí đóng bảo hiểm, phí công đoàn, trong khi thu nhập thực tế của người lao động không tăng.

Hơn nữa, khi khó khăn bất cứ chi phí nào tăng thêm cũng khiến DN phải cân nhắc, điều tiết. Vì vậy, nếu khó quá DN phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, thậm chí một bộ phận lao động có thể tiếp tục bị mất việc. Hệ lụy này là điều không ai mong muốn. Từ đó, nhiều DN kiến nghị chưa tăng lương tối thiểu vùng đợt này.

Về phía người lao động, tăng lương là tin vui. Trước hết khi tăng đóng bảo hiểm, mức hưởng các chế độ bảo hiểm của người lao động cũng tăng theo. Ngoài ra, với những người lao động đang nhận lương theo mức lương tối thiểu, khi tăng lương tối thiểu vùng mức thu nhập cũng cao hơn, giảm bớt gánh nặng khi các chi phí sinh hoạt đều tăng.

Nhưng như đã nói ở trên, trong bối cảnh DN quá khó khăn hiện nay nếu chi phí tăng quá có thể đẩy DN vào thế phải cho lao động nghỉ việc. Lúc này có việc làm dù thu nhập ở mức tối thiểu cũng còn hơn không có gì. Chính vì thế hài hòa cùng chia sẻ khó khăn là điều DN hết sức mong mỏi.

Theo các DN, từ năm 2008 đến năm 2019, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng đều hàng năm. Giai đoạn từ 1-1-2019 đến 30-6-2022, mức lương tối thiểu vùng được giữ nguyên do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện tình hình được đánh giá còn khó hơn thời điểm Covid-19, vậy việc tăng lương tối thiểu vùng cũng phải được cân nhắc rất kỹ.

Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ phải trải qua 2-3 phiên họp mới đi đến kết luận có tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm sau hay không, và nếu tăng thì mức tăng là bao nhiêu. Còn lúc này khi tình hình chưa biết đến khi nào mới tốt trở lại, điều DN có thể làm là nỗ lực hết sức để giữ chân lao động, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Phân biệt lương tối thiểu vùng và lương cơ sở

Mức lương cơ sở là mức lương được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương; mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác nhau theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định. Từ ngày 1-7-2023 vừa qua, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường; bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng; và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng từ 1-7-2022, tùy theo vùng, cao nhất là vùng 1: 4,68 triệu đồng/tháng và thấp nhất là vùng 4: 3,25 triệu đồng/ tháng.

Các tin khác