Nền kinh tế đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2023 với rất nhiều nỗ lực, vượt qua thách thức để có tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Nông nghiệp thể hiện rõ vai trò trụ đỡ. Các ngành công nghiệp chủ lực đã dần lấy lại vị thế động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Tuy vậy, trước những biến động của nền kinh tế thế giới, cụ thể là kết quả xuất nhập khẩu trong 9 tháng vừa qua cũng cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức để các ngành hàng của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao như nhiều năm trước đây (ở mức 2 con số), nhất là việc vượt qua được các tiêu chuẩn cao của thị trường nhập khẩu.
Nỗ lực duy trì tăng trưởng
Điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế-xã hội 9 tháng vừa qua là Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tiếp tục đạt được mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Theo đó, GDP quý 3/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%, quý 3 tăng 5,33%). Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Đóng góp vào kết quả trên phải kể đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, dù bị tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, song đã đưa các sản phẩm của Việt Nam chen chân vào nhiều thị trường khó tính.
Đơn cử, nông sản tiếp tục là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - với mức tăng trưởng tính chung 9 tháng làn 19,54 tỷ USD, tăng 16,7%. Nổi bật là giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đem về 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3% và càphê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%...
Có được các kết quả đó, bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, phải kể đến nỗ lực gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường. Trái sầu riêng Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD trong 8 tháng qua, chiếm tới 30% trong tổng kim ngạch rau quả là một ví dụ điển hình cho việc coi trọng mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU…
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước (Tây Nguyên) vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, sầu riêng các nước khác đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh. Chính vì vậy, sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể vượt 1,5 tỷ USD.
Ngoài ra, nhiều ngành hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ… các tháng gần đây đã có sự hồi phục, song, hầu hết các báo cáo đều cho thấy tăng trưởng vẫn chưa cao, đơn hàng gia tăng chủ yếu vẫn nhờ vào nhu cầu mua sắp dịp cuối năm của một số thị trường.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam duy trì mức cao trong nhóm nông sản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đáp ứng tiêu chuẩn cao để xuất khẩu bền vững
Trên thực tế, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nhìn chung còn yếu, nhất là khi nhiều nước áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo hơn để bảo vệ môi trường cũng như nền sản xuất trong nước.
Ông Ywert Visser, Thành viên tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Eurocham, cho hay, nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực năm 2020.
Mặc dù vậy, ông Ywert Visser cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU đang tập trung phần lớn vào một số ngành hàng tiêu biểu như càphê, hạt điều. Điều này sẽ là rủi ro nếu người tiêu dùng EU thay đổi thói quen tiêu dùng, ví dụ như giảm uống càphê sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tính chất quy quy mô nhỏ, manh mún của nông nghiệp Việt Nam gây khó khăn cho đầu tư vào kiểm soát chất lượng, tiếp cận thị trường và các lĩnh vực quan trọng khác. Chưa kể năng suất, chất lượng của một số nông sản còn thấp; công nghiệp chế biến nông sản tương đối kém phát triển đã giới hạn phạm vi sản phẩm có thể được xuất khẩu sang EU…
Vì vậy, để khắc phục những thách thức trên, gia tăng thị phần nông sản Việt Nam tại EU, theo ông Ywert Visser, doanh nghiệp cần có chứng chỉ đảm bảo như GLOBAL GAP để vào các siêu thị EU, cùng đó là đạt được các tiêu chuẩn xã hội như GRASP, SMETA.
“Cần hình thành các cụm liên kết và hợp tác xã cho phép các nhóm nông dân hợp tác sản xuất và đạt được một chứng chỉ hữu cơ chung. Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ chính sách rất quan trọng để giúp Việt Nam chuyển đổi suôn sẻ sang nông nghiệp sinh học bền vững. Giám sát việc tuân thủ các quy định về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh (đối với sản phẩm thú y) của các doanh nghiệp, trang trại để đánh giá tác động chi tiết,” ông Ywert Visser khuyến nghị.
Theo quy định của EU, từ ngày 1/10/2023, 6 loại hàng hóa thải ra nhiều carbon nhất trong quá trình sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) xác định là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM).
Từ năm 2026, nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn đặt ra, nhà sản xuất sẽ phải chịu đánh “thuế carbon” - theo mức giá carbon hiện nay tại EU nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhận định, với CBAM, nông sản có lợi thế rất lớn, bởi được đánh giá là ngành xuất khẩu xanh. Tuy vậy, ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tập trung vào cách thức sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật; không ngừng kiểm soát quy trình sản xuất; khai thác cơ hội từ Hiệp định EVFTA, nhất là về nguồn gốc xuất xứ…
“Sự trỗi dậy của bảo hộ mậu dịch ngày một mạnh mẽ tại thị trường nhập khẩu, vấn đề không chỉ là thuế mà còn là các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày một khắt khe,” tiến sỹ Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương nhằm được hưởng các chính sách ưu đãi thuế quan. Đây là một trong các lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa xuất khẩu nhờ giảm được chi phí.
Song, nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn thị trường, trong ngắn hạn, hàng hóa Việt Nam sẽ phải chịu đánh “thuế carbon” tại thị trường EU. Nhưng, về dài hạn, sẽ không thể gia nhập thị trường, với các tiêu chuẩn chung, hướng tới một nền kinh tế Xanh, phát triển bền vững của cả thế giới.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi toàn diện ở cả quy trình sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường của doanh nghiệp công nghiệp, vùng trồng nông nghiệp, đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ phía Chính phủ trong chuyển đổi Xanh. Chỉ có vậy, mới cho tăng trưởng xuất khẩu bền vững.