Để đối phó, tháng 6-2018, Trung Quốc đã phá giá mạnh đồng nhân dân tệ (NDT) và dự báo sắp tới đây, đồng NDT sẽ còn được điều chỉnh giảm sâu hơn nữa để giữ lợi thế khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH về những tác động có thể xảy ra khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, cũng như cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với Việt Nam.
Việt Nam đang ở thế bất lợi
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong tháng 6 vừa qua đồng NDT đã giảm giá 3,3% so với USD, đánh dấu tháng giảm nhiều nhất kể từ khi Trung Quốc thiết lập thị trường ngoại hối của nước này vào năm 1994. Ông nhận định như thế nào về diễn biến này?
VNĐ và NDT đều tính trên cơ sở đồng USD, nên NDT giảm giá với USD nhiều hơn so với VNĐ giảm giá với USD, cho thấy rằng NDT đang mất giá so với VNĐ. Diễn biến này sẽ hỗ trợ cho hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, do hàng Việt Nam sẽ đắt đỏ hơn khi VNĐ có giá hơn so với NDT. |
Ngoài ra, mức thuế bổ sung 16 tỷ USD dự kiến sẽ có hiệu lực sau 2 tuần nữa. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã đưa ra đề xuất xác định thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để đánh thuế. Khi đi vào chiến tranh thương mại, Hoa Kỳ đánh thuế trên những hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào nước này và Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều.
Do đó, để bù trừ cho thiệt hại đó, có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục để đồng NDT mất giá sâu hơn nữa nhằm tạo lợi thế khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
- Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung?
- Đối với Việt Nam, đây là điều không thuận lợi. NDT đối với USD trong tháng 6 giảm giá sâu đến 3,3%, còn VNĐ đối với USD giảm khoảng 1% từ đầu năm đến giờ. Bởi vì VNĐ và NDT đều tính trên cơ sở đồng USD, nên NDT giảm giá với USD nhiều hơn so với VNĐ giảm giá với USD, cho thấy rằng NDT đang mất giá so với VNĐ.
Diễn biến này sẽ hỗ trợ cho hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, giá cả hàng hóa chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn do hàng Việt Nam sẽ đắt đỏ hơn khi VNĐ có giá hơn so với NDT. Điều này sẽ tác động lên cán cân thương mại Việt Nam và Trung Quốc, làm gia tăng nhập siêu của nước ta.
Cẩn trọng khi là trạm trung chuyển
- Nhìn rộng hơn, theo ông chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ có tác động như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
- Trong chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, Việt Nam có thể là thị trường trung chuyển hàng hóa của 2 quốc gia này. Cụ thể, khi Hoa Kỳ áp đặt thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc, hàng hóa của Trung Quốc có thể tuồn vào Việt Nam và dán nhãn xuất xứ từ Việt Nam, sau đó mới xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ngược lại, nếu Trung Quốc cũng áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng có thể sử dụng Việt Nam làm trạm trung chuyển hàng hóa sang Trung Quốc. Theo đó, 2 nước này sẽ tránh được thuế nhập khẩu trong chiến tranh thương mại. Trong trường hợp trở thành trạm trung chuyển nhưng không bị Hoa Kỳ hay Trung Quốc phát hiện và trừng phạt kinh tế, Việt Nam sẽ có lợi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng khi chiến tranh thương mại trở nên căng thẳng hơn, Hoa Kỳ biết Việt Nam là trạm trung chuyển hàng của Trung Quốc để xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ, sẽ áp dụng trừng phạt về thuế nhập khẩu đối với Việt Nam như với Trung Quốc. Đồng thời, cũng không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không trừng phạt Việt Nam bằng cách tăng thuế nhập khẩu hàng hóa khi phát hiện Việt Nam là trạm trung chuyển hàng của Hoa Kỳ.
Nếu Việt Nam bị 2 bên trừng phạt kinh tế sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, mặc dù khi chiến tranh thương mại nổ ra, Việt Nam có lợi thế có thể trở thành trạm trung chuyển hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng thách thức cũng rất lớn. Đây là rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Giữ ổn định hay phá giá VNĐ?
Giữ ổn định hay phá giá VNĐ?
- Hiện nay, USD đang trên đà tăng giá nhưng đồng NDT giảm giá, vậy VNĐ nên ứng xử như thế nào trong bối cảnh này?
- Năm 2015, khi NDT rục rịch giảm giá, VNĐ cũng phải điều chỉnh theo, vì nếu không điều chỉnh Việt Nam sẽ chịu lỗ. Thời điểm này, nếu tỷ giá VNĐ/USD tăng lên sẽ cân bằng giữa VNĐ và NDT cũng như giữa VNĐ và USD, tạo thuận lợi cho cung cầu của thị trường, hỗ trợ cho xuất khẩu.
Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, VNĐ nên phá giá và NHNN nên có lộ trình thực hiện trong thời gian từ nay đến cuối năm. Trong cả năm 2018, mức phá giá 3% là phù hợp với điều kiện thị trường. Nếu tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, nhập siêu từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ cao còn hàng hóa Việt Nam lại khó xuất đi Trung Quốc. Càng giữ ổn định VNĐ trong khi USD tăng giá, NDT xuống giá càng tạo ra bất lợi cho Việt Nam.
Hiện nay, cơ quan quản lý muốn ổn định tỷ giá để kiểm soát lạm phát, kiềm chế nhập siêu. Nhưng nếu kiềm chế nhập siêu cũng kiềm chế xuất khẩu. Nền kinh tế Việt Nam lại dựa nhiều vào xuất khẩu.
Do đó, Việt Nam đứng giữa 2 lựa chọn là giữ ổn định kinh tế hay tăng trưởng kinh tế. Tôi đề xuất, lúc này vấn đề tăng trưởng kinh tế rất quan trọng hơn, mục tiêu ổn định kinh tế chỉ ở mức tương đối. Do đó, cần xem xét phá giá VNĐ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
- Xin cảm ơn ông.