PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dù NH Nhà nước (NHNN) đã cảnh báo những rủi ro mà các NHTM có thể gặp phải khi cho vay tín dụng theo hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, song thời gian qua hình thức này vẫn khá phổ biến. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Để giải thích tại sao hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm vẫn tồn tại, nếu không muốn nói là khá phổ biến thì chúng ta cần nhìn từ 2 phía là khách hàng và NH.
Đối với khách hàng, hiện nay rất nhiều người có tiền gửi tiết kiệm, nhưng sau đó họ cần tiền mặt vì lý do như đầu tư kinh doanh, xử lý gấp công việc…, nhưng nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp.
Do đó nhiều người chọn vay cầm cố sổ tiết kiệm, chấp nhận lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm nhưng kỳ hạn vay ngắn hơn. Với cách làm này, khách hàng được hưởng lợi.
Đối với NH, việc mở một sổ tiết kiệm cho khách hàng là lẽ đương nhiên, còn khách hàng dùng sổ tiết kiệm ấy như một thứ tài sản thế chấp để vay lại một số vốn nhất định khác. Thường số tiền vay lại sẽ thấp hơn tổng số tiền đã gửi tiết kiệm, tức chỉ khoảng 80-90% so với số tiền gửi tiết kiệm, cùng với đó là mức lãi suất vay thế chấp cũng sẽ cao hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm từ 2-3%.
Như vậy, về lý thuyết, điều này đối với NH giữ sổ tiết kiệm và cho vay lại thì NH hưởng lợi: thứ nhất nắm được sổ tiết kiệm để thế chấp, nên trường hợp xấu nhất khách hàng không trả được tiền vay NH sẽ gạt nợ qua tài khoản tiết kiệm; thứ hai, lãi suất cho vay luôn cao hơn lãi suất phải trả cho người gửi tiết kiệm; thứ ba, đây cũng là một cách để NH có thể góp vào tăng trưởng tín dụng.
Song đó là về lý thuyết, còn trên thực tế khi vay cầm cố sổ tiết kiệm NH sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi. Bất lợi có thể thấy ngay là hình thức cho vay này sẽ làm tăng tổng tài sản của NH lên nhưng là tăng ảo, tăng về mặt kỹ thuật, chứ không phải tăng trưởng thực của NH.
Giả sử khách hàng A gửi tiết kiệm 100 tỷ đồng vào NH, khi đó NH sẽ sử dụng nguồn vốn này để cho vay và phục vụ các hoạt động khác. Trong trường hợp NH cho khách hàng B vay 80 tỷ đồng, sau đó khách hàng A đến để vay lại trên chính sổ tiết kiệm 80 tỷ đồng, NH sẽ ghi trên tài sản có là 160 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn chỉ 100 tỷ đồng.
Điều này tạo rủi ro về thanh khoản. Hình thức cho vay này có nguy cơ tạo ra một loại tài sản ảo trên sổ sách NH tại thời điểm cho vay, và có thể sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng.
- Như ông vừa phân tích ở trên đó là đối với hợp đồng vay cầm cố chỉ có 2 bên, nhưng thực tế từng xuất hiện yếu tố hình thức vay này có bên thứ ba và xảy ra tranh chấp, đó là khi một khách hàng gửi tiền tiết kiệm ở một NH, nhưng lại cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền ở một NH khác. Trong trường hợp này sẽ giải quyết ra sao?
- Hiện nay rất nhiều nước đã cấm hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm. Họ gọi hình thức cho vay bằng cầm cố sổ tiết kiệm là “tín dụng ma”, nghĩa là tín dụng ảo, nhiều rủi ro, thậm chí ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống NH nói chung.
Thực tế cũng từng xảy ra một khách hàng A mở một tài khoản tiết kiệm ở NH B, rồi dùng sổ tiết kiệm đó để đi cầm cố và vay vốn ở NH C. Trên nguyên tắc, khi đó cần phải có hợp đồng thỏa thuận của cả 3 bên là khách hàng, NH giữ sổ tiết kiệm và NH cho vay. Khách hàng vay NH C nhưng phải có hợp đồng thỏa thuận, được sự đồng ý của NH B là dùng sổ tiết kiệm đó để thế chấp cho NH C.
Như vậy trong trường hợp xấu nhất khách hàng A không có khả năng chi trả cho NH C, lúc này NH C mới có quyền đến NH B để yêu cầu trả tiền thông qua sổ tiết kiệm.
Khi 2 NH không có hợp đồng cam kết với nhau thì NH đang giữ tài khoản tiết kiệm không có trách nhiệm phải trả tiền cho NH mà khách hàng đã vay cầm cố, vì họ không liên quan nhau.
Trong trường hợp này, thiếu sót là do NH cho vay đã không xác minh làm rõ thông tin về khách hàng, nên sổ tiết kiệm đó là tài vật thế chấp không hợp lệ. Điều này cũng trái với Luật Tổ chức tín dụng.
- Thực tế, đã từng có những trường hợp lách luật qua hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm. Đơn cử như một doanh nghiệp nếu không đủ điều kiện để vay tín dụng từ NH, họ sẽ nhờ người khác làm tư cách pháp nhân mở tài khoản tiết kiệm, rồi sau đó cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn. Điều này tạo rủi ro cho các NH. Về vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc NHNN cần ban hành thông tư quy định rõ hơn về việc này. Ông có đồng quan điểm vậy không?
- Theo tôi, không chỉ có vấn đề doanh nghiệp lách luật để vay vốn, mà thời gian qua cũng đã xuất hiện một số trường hợp khách hàng vẫn giữ sổ tiết kiệm nhưng tiền đã bị rút thông qua các khoản vay cầm cố, hoặc có trường hợp khách hàng thông đồng với nhân viên tín dụng làm giả sổ tiết kiệm, giả chữ ký để rút khống tiền.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là NHNN không nên can thiệp quá sâu vào vấn đề này. Vì đây thuộc phạm vi giữa các NH với nhau, họ có thể tự điều chỉnh được. NHNN chỉ nên điều hành ở mức độ vĩ mô nói chung, còn những khu vực mà các NHTM có thể tự điều chỉnh được hãy để họ tự làm.
- Theo ông, cách tự điều chỉnh của các NH là gì?
- Tôi cho rằng giữa các NHTM ở Việt Nam hiện nay cần xây dựng một cơ chế chia sẻ, liên lạc thông tin nội bộ để xác minh khách hàng với nhau. Bởi hiện nay, sổ tiết kiệm có thể sẽ không còn phổ biến nữa, thay vào đó khách hàng có thể mở tài khoản gửi tiết kiệm online.
Nhưng khách hàng mở tài khoản online hay trực tiếp bằng sổ tiết kiệm không quan trọng, mà quan trọng là khi đã có cơ chế chia sẻ thông tin để xác minh giữa các NH rồi, thì bộ phận thẩm định tín dụng của NH cho vay hoàn toàn có thể biết rõ khách hàng vay cầm cố bằng tài khoản tiết kiệm đó là ai, mức độ rủi ro như thế nào, từ đó họ quyết định có nên cho vay hay không.
Khi đã đồng ý cho vay phải có sự thỏa thuận đồng ý của NH đang giữ tài khoản tiết kiệm, và như vậy đây là vấn đề hợp đồng 3 bên giữa NH nắm tài khoản tiết kiệm, khách hàng và NH cho vay. Khi hợp đồng 3 bên quy định rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên thì khi có sự cố xảy ra, rủi ro cũng sẽ được kiểm soát.
- Xin cảm ơn ông.