Năm 2020, Netflix đã vượt mốc 200 triệu người đăng ký, vẫn đứng đầu dịch vụ phát trực tuyến. Chỉ tính riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người dùng đã tăng thêm 9,3 triệu, tăng 65% so với năm 2019. Tổng doanh thu từ khu vực này cũng tăng gần 62%. Kết quả đó cho Netflix càng nhiều niềm tin ở thị trường này. Các chiến lược đầu tư được đẩy mạnh, khi Netflix tăng gần gấp đôi ngân sách cho việc tìm kiếm, phát triển nội dung nhằm thu hút khách hàng ở Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia lân cận trong khu vực. Greg Peters, Giám đốc điều hành kiêm sản xuất của Netflix, nói: “Chúng tôi vô cùng hào hứng về thị trường tiềm năng ở châu Á. Thực sự vẫn còn có hàng triệu khách hàng mà chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm kiếm, kết nối”.
Chiến lược phát triển thị trường ở châu Á được Netflix thực hiện từ 5 năm trước và đẩy mạnh trong khoảng 3 năm gần đây. Trong giai đoạn 2018-2020, Netflix chi 2 tỉ USD để sản xuất nội dung ở châu Á và hiện đã thực hiện hơn 200 sản phẩm. Qua quan sát và phân tích sự tăng trưởng ở các thị trường, Netflix sẽ lựa chọn những thời điểm để đầu tư vào thị trường trọng điểm, trong đó phải kể đến các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Netflix đã tuyển hẳn một giám đốc nội dung người Hàn Quốc để có những định hướng phù hợp cho thị trường ở Hàn Quốc, Úc, New Zealand, khu vực Ðông Nam Á. Với chiến lược sử dụng nội dung bản địa nhưng theo cách làm quốc tế, nhiều sản phẩm của Netflix không chỉ lấy lòng khán giả địa phương mà còn tạo sức hút trên toàn cầu. Minh chứng là thành công trong việc mở rộng thị trường đối với phim của Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2020, phim truyền hình Hàn Quốc đã thống trị danh sách xếp hạng các phim Netflix sản xuất được xem nhiều nhất ở Ðông Nam Á, với lượng người xem phim Hàn Quốc tại khu vực tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Trong khi đó, lượng người xem phim hoạt hình của Nhật tại khu vực này cũng tăng gấp đôi.
Với những chiến lược phát triển đó, năm 2021, Netflix không ngại chi tiền để đầu tư hơn 500 tác phẩm đa dạng thể loại: phim truyền hình, phim lẻ, phim tài liệu, phim hoạt hình để tăng sức cạnh tranh. Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Netflix đầu tư hơn 1 tỉ USD cho nội dung, trong đó sản xuất nội dung Hàn Quốc chiếm khoảng 50%, kế đến là Nhật và Ấn Ðộ. Ấn Ðộ là thị trường tiềm năng mà Netflix đang muốn chiếm lĩnh nhưng vẫn gặp khó trong việc tiếp cận. Tại quốc gia này, Netflix vẫn còn phải cạnh tranh gay gắt với nhiều nền tảng nội địa. Dẫu vậy, Netflix vẫn đang nỗ lực trong việc đầu tư và sở hữu các nội dung phim bản địa ở Ấn Ðộ.
Tại Trung Quốc, Netflix cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, khi hệ thống nền tảng trực tuyến ở nước này cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, những ông lớn của Trung Quốc chỉ có sức ảnh hưởng trong nước và một vài khu vực châu Á, chứ chưa mở rộng. Nếu muốn tiếp cận thị trường quốc tế, Trung Quốc cũng cần phải có chính sách mở và hợp tác với Netflix hay các nền tảng trực tuyến quốc tế khác. Về điều này, Netflix đã có sự tiếp cận qua những hình thức đầu tư, sản xuất phim, dù kết quả chưa mỹ mãn.