Nếu được 'trợ lực', TPHCM sẽ lấy lại đà tăng trưởng vì cả nước

(ĐTTCO) - Kết thúc năm 2023, tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước tăng 5,05%, tuy không đạt mục tiêu đề ra 6,5% nhưng là mức tăng cao so khu vực và thế giới.

Nếu được 'trợ lực', TPHCM sẽ lấy lại đà tăng trưởng vì cả nước

Nhiều chỉ số kinh tế như FDI, đầu tư công, xuất nhập khẩu... đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. 2023 là một năm đầy biến động, không chỉ thế giới mà cả Việt Nam cũng bị tác động không hề nhỏ.

Với TPHCM, tăng trưởng GRDP đạt 5,81% so mục tiêu 7,5% là có thể chấp nhận. Bởi tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM đang có chiều hướng cải thiện đáng kể theo từng quý, cũng phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế đang trên đà hồi phục ổn định, đặc biệt là khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Trong đó ngành dịch vụ tăng 6,79% và ngành công nghiệp tăng 4,42%.

Như vậy, GRDP theo giá so sánh của TPHCM đang dần tiệm cận GRDP tiềm năng.

Về nội tại, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, cũng đối mặt với nhiều vấn đề như tín dụng tăng chậm, nợ xấu cao. Song với sự quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công ở TPHCM, cùng với chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm, thì sự phục hồi của tổng cầu ở TPHCM được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn trong năm 2024.

Giải ngân đầu tư công của TPHCM năm 2023 dù không đạt như kỳ vọng, nhưng nếu soi qua con số cũng có những chỉ số tích cực và được xác định vẫn là động lực phát triển cho TPHCM trong năm 2024. Bởi trong lúc vốn khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thậm chí đi xuống so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Hết quý I-2023, TPHCM chỉ giải ngân được khoảng 1.600 tỷ đồng (2% vốn được giao), nhưng bất ngờ đến hết năm có thể đạt hơn 48.500 tỷ đồng, đạt hơn 70%. So với giải ngân năm 2022, kết quả năm 2023 dự kiến cao hơn 22.300 tỷ đồng (gấp 1,8 lần).

Có được thành quả này là nhờ các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy TP đã sớm vào cuộc, thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công.

Điều quan trọng là kế hoạch vốn năm 2023 TPHCM được giao 68.634 tỷ đồng, tăng 58% so với vốn được giao năm 2022 và hơn gấp đôi vốn được giao bình quân 5 năm giai đoạn 2018-2022 (32.099 tỷ đồng).

Do vậy, nếu soi hiệu quả đầu tư công dựa vào tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đủ, mà phải xem xét thêm số tiền cụ thể địa phương đó giải ngân. Hơn nữa, cũng không nên so sánh TPHCM với các địa phương khác khi vốn giao ít sẽ dễ dàng hoàn thành giải ngân.

Năm 2023, trong bối cảnh chồng chất khó khăn từ bên ngoài, bên trong TPHCM vừa hứng chịu đại dịch nặng nhất cả nước, vừa phải xử lý những tồn đọng yếu kém nhiều năm, vừa bồi thêm những vụ án, những tình tiết mới phát sinh từ vụ Vạn Thịnh Phát… nên cần phải có thời gian phục hồi.

Nhưng TPHCM vẫn quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận, đồng lòng của người dân, đã khởi công các dự án giao thông lớn như Vành đai 3 TPHCM, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên…

Nghị quyết 98 từ lúc Quốc hội thông qua đã tạo thêm động lực tăng trưởng, năng lượng mới để TP tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại lâu nay. Bởi Nghị quyết 98 mở ra cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, nhất là hợp tác công tư ở các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… cũng như nhiều dự án đầu tư hàng loạt sẽ tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề quan trọng trong năm 2024 là tiếp tục sự trợ lực từ trung ương, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, sự chung sức của người dân tạo ra một sự đoàn kết, sức mạnh tổng thể để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%.

Các tin khác