Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi ở một số ngân hàng có xu hướng tăng, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ, còn khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất ở các kỳ hạn.
Tăng để giữ chân khách hàng
Khoảng 2 tuần trở lại đây, một số ngân hàng thương mại lần lượt công bố áp dụng biểu lãi suất mới, theo cả hai chiều tăng và giảm.
SHB, Sacombank, TPBank, PGBank tăng lãi 0,1%-0,3%/năm tùy kỳ hạn. Trong khi đó Techcombank, VPBank lại giảm nhẹ lãi suất nhiều kỳ hạn.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 2,4%-4%/năm với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,5%-5,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6%-6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Đáng chú ý, nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh có mức lãi huy động thấp hơn so với mặt bằng chung. Ngoại trừ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được 4 ngân hàng này đồng loạt ấn định ở mức 5,5%/năm, lãi suất các kỳ hạn ngắn hơn đang có sự chênh lệch giữa các ngân hàng.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng 3-9 điểm phần trăm trong tuần vừa qua, đạt mức 1,36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần, cao hơn 35-53 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng Tư.
Có thể thấy, nguồn cung VND của các ngân hàng thương mại lớn hạn chế hơn giai đoạn trước nhưng cung cầu trên liên ngân hàng không đến mức căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước vẫn ngừng giao dịch trên thị trường mở trong hơn 3 tháng qua.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần giải thích việc điều chỉnh lãi suất huy động một phần để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Thực tế, kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khi chứng khoán bùng nổ và hút vốn, nhà đầu tư có xu hướng rút một phần tiền gửi tiết kiệm để chơi chứng khoán.
Cảnh báo dòng tiền đổ vào chứng khoán
Nhiều người lo ngại lãi suất huy động tăng liệu có đẩy lãi suất cho vay tăng lên. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng tăng lãi suất không phải là xu hướng, mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng nên lãi suất cho vay sẽ không tăng trong thời điểm này. Thậm chí một số ngân hàng còn đưa ra các gói lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh và phục vụ cho tiêu dùng như BIDV, ABBANK, Bac A Bank.
Công ty Chứng khoán SSI vừa đưa ra báo cáo cho thấy, tính đến ngày 21/5, huy động chỉ tăng trưởng 2,68% trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,67% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 2% của cùng kỳ năm ngoái. Chênh lệch tiền gửi-tín dụng thu hẹp khoảng 160.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa khiến lãi suất trên liên ngân hàng và lãi suất huy động tăng thêm.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát.
Do đó, SSI cho biết chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng lãi suất tăng nhẹ là do thanh khoản của hệ thống không còn quá dư thừa như năm 2020, tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn không tăng cùng tốc độ. Bên cạnh đó, lãi suất huy động thấp thời gian qua cũng khiến một phần dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản, khiến các ngân hàng phải có động thái tăng lãi suất trở lại.
Ông Lực dự báo, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định trong quý tới và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm nếu tín dụng tăng mạnh.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết hiện lãi suất huy động tăng chỉ diễn ra ở một nhóm ngân hàng nhỏ. Dù vậy, quý cuối cùng của năm, lãi suất có thể tăng nhẹ nếu như tín dụng tăng trở lại. Tuy nhiên, khả năng này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, mức độ lạm phát, khả năng mở rộng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Vị chuyên gia này cũng tỏ ra lo ngại khi tín dụng trong thời gian qua đã chảy vào thị trường thứ cấp nhiều hơn, trong đó có chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng đã không ngừng tăng thời gian qua.
Ông Hiếu khuyến cáo nhà đầu tư cần phải phân bổ nguốn vốn của mình không nên tâp trung hết vào một giỏ, bởi khi sức khỏe của nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh thì không có ngành nào được miễn trừ, ngay cả ngành ngân hàng. Hiện nhà đầu tư cá nhân không có kỹ năng để phân tích tình hình tài chính như các tổ chức kinh tế nên vẫn có hiện tượng bày đàn trong đầu tư, đó là sự rủi ro cho nền kinh tế.
Điều này đã được chứng mình trong báo cáo của Tổng cục thuế khi mà chỉ tính riêng tiền thuế thu nhập cá nhân tính đến hết tháng Năm từ chuyển nhượng chứng khoán gấp hơn 3,2 lần so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động chuyển nhượng vốn cũng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ.
Còn các chuyên gia của SSI cho rằng với mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất tiếp tục đình trệ do COVID-19, sự hoạt động tích cực của nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục có lợi cho kênh chứng khoán khi lượng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán thông qua các tài khoản cá nhân để tìm kiếm lợi nhuận.