Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho rằng mỗi ngày đều phát hiện những trường hợp F0 mới thông qua sàng lọc, không rõ nguồn lây, có nghĩa mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng. Việc tiếp xúc là điều cần thiết trong cuộc sống sinh hoạt. Tuy nhiên, giai đoạn này người dân cần thay đổi những thói quen trước đây. Theo đó, trước khi có vaccine, việc hạn chế tiếp xúc là vũ khí rất quan trọng. Đó là lý do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn luôn đúng cho đến bây giờ.
F0 lang thang thực sự là nỗi ám ảnh cho đô thị tập trung cư dân đông đúc. Một tài xế Grab tình cờ đi lấy mẫu xét nghiệm đã bị phát hiện nhiễm bệnh. Đáng lo hơn, dịch bệnh đã len lỏi vào các cơ sở y tế. Sau khi Bệnh viện nhiệt đới TPHCM tạm ngừng hoạt động, Bệnh viện Đại học Y Dược TP cũng phát hiện nhân viên y tế nhiễm Covid-19. F0 được phát hiện khi đi khám bệnh là hiện tượng phải quan tâm. Ngày 22-6, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn phát hiện 5 ca mắc Covid-19 thông qua khám sàng lọc. Cả 5 bệnh nhân đều là nam, tuổi đời 23-59 đến đây khám bệnh, được cách ly, khám sàng lọc với các triệu chứng phổ biến như đau họng, ho khan - ho đàm, sốt, mất vị giác, đau vùng trước xương ức và có đàm. Trong đó có 2 bệnh nhân chỉ đau họng mức độ vừa, còn lại không hề có các triệu chứng trên.
Như vậy, rõ ràng virus corona khi lây nhiễm trong cộng đồng đã có những diễn biến khó lường hơn, với các triệu chứng không dễ xác định bằng những chẩn đoán thông thường. Vì vậy, giãn cách xã hội chỉ là biện pháp trước mắt, giải pháp căn cơ là phải có vaccine cho đại bộ phận cư dân. Được sự chấp thuận của Chính phủ và Bộ Y tế, TPHCM triển khai chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đến cuối tháng 6, TPHCM sẽ tiêm 836.000 liều vaccine cho công dân từ 18-65 tuổi theo thứ tự ưu tiên, nghĩa là có 6% dân số TP được đảm bảo tiêm đủ 2 mũi/người. TPHCM thiết kế 1.000 điểm tiêm vaccine với công suất 200.000 người được tiêm mỗi ngày.
Hiện nay số lượng vaccine từ các nguồn cung trên thế giới khá chặt chẽ. Dự kiến đến cuối năm 2021 TPHCM mới có thêm 10 triệu liều vaccine được phân bố từ Bộ Y tế, và có thể mua thêm 5 triệu liều vaccine thông qua đàm phán trực tiếp từ nhà sản xuất. Để đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho TPHCM nói riêng và các địa phương nói chung, cần có những hành động quyết liệt hơn.
CTCP Công nghệ sinh học dược Nanogen đóng ở Khu công nghệ cao TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax. Đây là vaccine do Nanogen nghiên cứu vừa kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá tốt và đã thông qua đề cương nghiên cứu, triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người. Đại diện Nanogen cho biết dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vaccine khác trên thế giới không thua kém, thậm chí có phần hơn, trong khi giá bán dự kiến thấp nhất thế giới, chỉ 120.000 đồng/liều.
Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, công ty dự kiến cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12-2021 và 100 triệu liều vào năm 2022. Công ty khẳng định quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất cung cấp đủ vaccine để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý II-2022. Tuy nhiên, đại diện Cục Khoa học công nghệ và đào tạo của Bộ Y tế, phân tích việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng Covid-19 là cần thiết. Song tất cả phải trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học, phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi lớn: Có an toàn, có sinh miễn dịch và điều đặc biệt quan trọng là có hiệu lực bảo vệ?
Trước khi một loại vaccine đưa ra tiêm rộng rãi cho người dân, về nguyên tắc Bộ Y tế phải có các dữ liệu về an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ. Mục tiêu của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe người dân. Do đó với trách nhiệm là cơ quan phát triển công nghệ và cơ quan quản lý phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt vaccine, không thể nói loại vaccine này tốt lắm để cấp phép khi chưa đủ các dữ liệu khoa học cần thiết.