Lãi cao, nợ xấu “đẹp”
Techcombank mới đây công bố báo cáo tài chính quý II-2021 với kết quả lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng 71% so với cùng kỳ, đạt hơn 11.536 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 72% với mức 9.282 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng là yếu tố chính đóng cho mức tăng trưởng lợi nhuận này, cụ thể thu nhập lãi thuần trong 6 tháng đầu năm đạt 12.708 tỷ đồng, tăng 56%.
Đồng thời, tổng nợ xấu của Techcombank tại thời điểm 30-6 giảm 14% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1.118 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm mạnh 38%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) cùng giảm 5%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 0,47% xuống còn 0,36%.
Tương tự, MB báo lãi trước thuế nửa đầu năm tăng 56%, đạt hơn 7.986 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 11%; thu nhập lãi thuần tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12.514 tỷ đồng. Tổng nợ xấu cuối quý II giảm 22% so với đầu năm, chỉ còn hơn 2.531 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 giảm mạnh nhất (59%), nợ nhóm 4 giảm 17%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 1,09% đầu năm xuống còn 0,76%.
SeABank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2020. Thu thuần từ lãi đạt 2.430 tỷ đồng, tăng 182%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 1,86% cùng kỳ năm 2020 xuống còn 1,76% năm 2021. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng của OCB tăng 42,7% so với cùng kỳ, đạt 2.660 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng trưởng 7,7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,69% xuống còn 1,53%.
Một số nhà băng khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc chỉ trong 2 quý đầu, như VPBank đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2%; ACB đạt 6.352 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ và đạt 60,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm; VIB đạt 3.952 tỷ đồng, tăng trưởng 68%. Viet Capital Bank ghi nhận 337 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ 2020, tương đương 80% kế hoạch năm 2021.
VietABank đạt lợi nhuận trước thuế 407 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 62% kế hoạch năm. PG Bank đạt 140 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2020… Tỷ lệ nợ xấu của một số NH trong nhóm này có tăng nhưng mức tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Chưa phản ánh thực chất
Kết quả lợi nhuận khả quan của các NH trong nửa đầu năm nếu trong điều kiện bình thường là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thời điểm này các nhà băng đang áp dụng Thông tư 03/2021/TT-NNN, được giữ nguyên nhóm nợ và cơ cấu nợ để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Vì vậy, cùng với lợi nhuận tăng, các khoản dự thu, khoản lãi, phí dự thu của các NH cũng tăng. Techcombank có 23.498 tỷ đồng nằm trong mục các khoản phải thu, so với 16.572 tỷ đồng vào cuối 2020 và các khoản lãi, phí phải thu 5.736 tỷ đồng.
Các khoản phải thu của MB 20.994 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2020, các khoản lãi và phí phải thu tăng hơn 20% đạt 4.554 tỷ đồng. Các khoản phải thu của các NH khác cũng tăng so với cuối năm 2020, như SeABank tăng hơn 36%, ở mức 1.750 tỷ đồng; VPBank 26.881 tỷ đồng, tăng hơn 54%; OCB 7.274 tỷ đồng, tăng hơn 32%...
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, tình hình vay vốn tại các NHTM gặp khó khăn vì nhiều DN muốn vay nhưng không còn tài sản đảm bảo. Mức độ hồi phục của DN tương đối yếu, trừ nhóm DN hàng tiêu dùng và nông sản. Nhiều DN vướng vào nợ xấu khiến NH không dám cho vay.
Tuy nhiên, các NHTM được một khoản lợi là nợ xấu không bị chuyển nhóm nên không phải trích lập dự phòng rủi ro. Cũng vì lý do đó, có thể nói trong 10 năm qua chưa bao giờ ngành NH ghi nhận mức lợi nhuận cao như năm 2020. Đồng thời, theo công bố kết quả kinh doanh 6 tháng nhiều NH lãi rất lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 03/2021 có nhiều điểm tích cực cho NH, DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, áp dụng quy định này cũng đồng nghĩa đẩy nợ xấu cho tương lai, chỉ cần 30% nợ được cơ cấu trở thành nợ xấu, gánh nặng của NH sẽ rất lớn.
Hiện nay số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 khoảng 347.000 tỷ đồng và khả năng sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, với việc áp dụng Thông tư 03, lợi nhuận NH đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng.
Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu không có nhận thức đúng bản chất vấn đề. Thông tư 01 và 03 với mục tiêu hỗ trợ DN là cần thiết. Song bản chất của những khoản nợ quá hạn không trả được vẫn là nợ xấu.
Quy định tạm khoanh nợ, không áp dụng chế tài để hỗ trợ DN và NH, trong tương lai nếu khách hàng không trả được nợ, NH phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa, tức NH phải xử lý khối nợ chuyển thành nợ xấu.
NHNN từng có văn bản yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. TCTD thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.
Bởi lẽ, lãi dự thu là khoản lãi dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng), NH chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của NH. Nói cách khác, các khoản này khiến NH đứng trước nguy cơ “lãi giả - lỗ thật”.
Yêu cầu đặt ra cho các nhà băng lúc này là theo dõi ngoại bảng các khoản nợ này chặt chẽ và trích lập đúng với tình hình thực tế. Vì nếu nợ cơ cấu ngày càng xấu nhưng trích lập không phù hợp, NH dễ dàng rơi vào tình trạng thiệt thòi về tài chính trong tương lai.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao. Cụ thể, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4 là 1,78%).
Lợi nhuận cao tạm tính trên khoản dự thu của các NH có thể tạm thời được chấp nhận do yêu cầu hỗ trợ nền kinh tế. Song điều này tiềm ẩn rủi ro nếu không có nhận thức đúng bản chất vấn đề. |