Ngành ngân ngân hàng tăng cường 'rã băng' tín dụng ngay từ đầu năm

(ĐTTCO) - Mặc dù được giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần ngay từ đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm 2024 lại khá thấp so với các năm gần đây. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giao dịch cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng đang sôi động. Ảnh: MINH HUY

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, sức hấp thụ tín dụng của các doanh nghiệp chưa thể tăng mạnh, thúc đẩy cho vay tiêu dùng là một trong những chủ trương được NHNN khuyến khích để “rã băng” tín dụng năm 2024. NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ngay từ cuối năm 2023, nhiều NHTM đã đưa ra các gói cho vay ưu đãi tiêu dùng để kích cầu tín dụng. Cụ thể, Sacombank bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng, nâng tổng gói vay ưu đãi lên 45.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi ở mức 6%-7%/năm. Đặc biệt, các gói vay phục vụ đời sống có lãi suất thấp hơn, chỉ từ 6,5%/ năm, kéo dài đến hết tháng 3-2024. Tương tự, từ tháng 2-2024 đến 30-6-2024, Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi cho khách hàng cá nhân với lãi suất thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank.

Từ nay đến cuối năm 2024, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống như mua nhà, mua ô tô… lãi suất từ 6,79%/năm. BVBank cũng đang triển khai gói vay mua, sửa chữa nhà đất để ở, tiêu dùng cá nhân hoặc bổ sung vốn kinh doanh lãi suất hấp dẫn từ 5%/năm để khách hàng cá nhân và chủ hộ kinh doanh hiện thực những kế hoạch riêng khởi đầu một năm mới…

Các NHTM kỳ vọng tiêu dùng nội địa sẽ quay lại làm động lực chính của tăng trưởng nhờ xuất khẩu tăng, tài chính hộ gia đình ổn định hơn, thị trường bất động sản dần hồi phục nên sản phẩm cho vay mua nhà - sửa nhà sẽ hồi phục tốt hơn. Lãnh đạo SHB cho biết, các chương trình tín dụng tiêu dùng ưu đãi không những đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng mà còn góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, vay nóng, trả góp với lãi suất cao trên thị trường.

Dư địa lãi suất cho vay còn giảm

Ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% và điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Trong văn bản mới đây, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thời gian tới nhằm đẩy vốn ra thị trường.

Khách hàng thực hiện giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng, lãi suất cho vay đang trong đà giảm và còn dư địa giảm. Thời gian qua, lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động vì một lượng vốn lớn ở giai đoạn trước được các ngân hàng huy động với lãi suất cao chưa cho vay hết. Tuy nhiên, lượng vốn giá cao trước đây ngày càng giảm; đồng thời với làn sóng giảm lãi suất huy động mới đây thì cơ hội để tiếp tục giảm lãi suất cho vay vẫn còn. Trong quý 2-2024 sẽ là thời điểm mặt bằng lãi suất cho vay hạ xuống mức thấp nhất.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cũng nhận định, kinh tế trong nước khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, nợ xấu tăng cao… là nguyên nhân dẫn tới việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Thêm vào đó, Việt Nam thiếu một hành lang pháp lý để xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ nên tín dụng tiêu dùng chưa thể tăng trưởng mạnh. Do đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng, đặc thù đối với mảng tài chính tiêu dùng.

Bên cạnh giải pháp về tín dụng, để nền kinh tế sớm khởi sắc, theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thực thi hoàn thuế VAT, chính sách giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất; sớm xem xét giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; đồng thời cần xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi, nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất… sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội để có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững hơn.

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN:

Cần sự vào cuộc đồng bộ nhằm khơi thông tín dụng

Ngoài đổi mới cơ chế điều hành mức tăng trưởng tín dụng, NHNN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng trong thời gian tới. Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thường xuyên tổ chức đối thoại, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp theo vùng và các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp của ngành ngân hàng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác thị trường nội địa; ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Các tin khác