Ngành nuôi tôm đang bước vào thời kỳ 'hỗn loạn'

(ĐTTCO) - Giá tôm thế giới nằm trong xu hướng giảm kể từ năm 2014 đến nay. Tính tới cuối tháng 10, trung bình xu hướng giá tôm thế giới giảm 9,1% so với đầu năm nay, và giảm 26,3% so với đầu năm 2022.

Ngành nuôi tôm đang bước vào thời kỳ 'hỗn loạn'

Nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng, trong khi giá tại trang trại giảm do thương mại quốc tế và nhu cầu yếu ở các thị trường truyền thống lớn từ đầu năm 2023.

Diễn biến cung - cầu các thị trường truyền thống

Sự suy yếu đáng kể về giá tại trang trại và giá xuất khẩu buộc nông dân khu vực châu Á phải giảm mật độ thả giống, đã làm sản lượng năm 2023 thấp hơn so với 2022. Tại Ấn Độ, nhu cầu về giống tôm chân trắng giảm 35% trong giai đoạn diễn ra mùa nuôi trồng thủy sản năm 2023, do nông dân giảm mật độ thả giống trong ao.

Xu hướng này cũng tương tự ở Đông Nam Á và Trung Quốc, nơi thị trường tôm tươi nội địa ổn định đang chứng kiến nguồn cung dồi dào ở mức giá tốt hơn so với giá tôm đông lạnh. Điều này làm suy yếu nhu cầu nhập khẩu và ảnh hưởng lên giá.

Trong số các quốc gia sản xuất tôm nuôi hàng đầu, sản lượng tôm năm 2023 của Ecuador được dự báo đạt 1,5 triệu tấn, tăng khoảng 15% so với năm 2022. Tuy nhiên, nguồn cung ở Ấn Độ và Việt Nam giảm 12-15% và sản lượng của Indonesia giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được phản ánh bằng việc giảm xuất khẩu tôm chân trắng nói riêng từ các nước này từ đầu năm đến nay.

tom-1-2631.jpg

Nhu cầu nhập khẩu vẫn ổn định tại thị trường tôm lớn nhất thế giới là Trung Quốc (chiếm hơn 50% tiêu thụ thế giới), với lượng nhập khẩu ổn định hàng tháng dao động 80.000-90.000 tấn. Lượng nhập khẩu lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500.000 tấn, tăng 46,5% so với cùng kỳ 2022.

Nhập khẩu cả tôm nhiệt đới và nước lạnh đều tăng trong giai đoạn này. Trong đó, số lượng tăng từ các nguồn cung hàng đầu là Ecuador, Ấn Độ, Argentina, Canada, Thái Lan, Ả Rập Xê Út, Peru, Indonesia, Liên bang Nga và cả từ các nước khác; tuy nhiên sản lượng nhập từ Việt Nam lại giảm.

Quan sát số liệu chi tiết lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Ecuador (nước xuất khẩu tôm hàng đầu sang Trung Quốc) đã tăng thị phần lên 67%, so với mức 60,5% của năm trước. Nhập khẩu tôm nguyên đầu phổ biến từ Ecuador tăng 72% lên 62.570 tấn trong cùng giai đoạn. Nhập khẩu tôm nguyên đầu từ Thái Lan cũng tăng.

Xu hướng nhập khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc tiếp tục diễn ra trên thị trường trong thời gian của quý III nhằm đảm bảo nguồn cung cho các lễ hội Trung thu kéo dài 1 tuần và lễ Quốc khánh hồi tháng 10. Qua đó, nhập khẩu lũy kế 9 tháng năm nay của Trung Quốc đạt 814.166 tấn, cao hơn 23% so với năm trước.

Trong khi đó tại Mỹ, suy thoái có thể xảy ra đang tác động đến nền kinh tế Mỹ, khiến nhu cầu tiêu dùng đối với tôm không sáng sủa. Tới cuối tháng 11, việc bán tôm tại thị trường Mỹ vẫn gặp khó khăn và giá bán buôn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Nhu cầu người tiêu dùng giảm sút khi họ chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm có protein rẻ hơn như thịt gà và thịt heo. Kết quả, một số chuỗi nhà hàng đã phải dựa vào nguồn cung ứng mùa hè để thúc đẩy doanh số bán tôm đang sụt giảm.

tom-2-6310.jpg

Nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục xu hướng giảm và đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp. So với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu trong nửa đầu năm 2023 thấp hơn 18% so với cùng kỳ, đạt 361.420 tấn, bao gồm 109.100 tấn tôm nguyên vỏ, 171.910 tấn tôm lột vỏ, 27.135 tấn tôm tẩm bột và 48.450 tấn tôm chế biến khác. Giá trị nhập khẩu trong giai đoạn này giảm 28,7% xuống còn 2,99 tỷ USD. Lượng nhập khẩu của Mỹ đều giảm đối với tất cả loại sản phẩm tôm và từ mọi nguồn cung.

Triển vọng giá trong thời gian tới

Sau khi chứng kiến hoạt động thương mại ổn định trong cuộc khủng hoảng đại dịch kéo dài 3 năm, ngành nuôi trồng và thương mại tôm bước vào thời kỳ hỗn loạn với sản lượng giảm, cùng với nhu cầu suy yếu, và giá thị trường sụt giảm. Nhập khẩu tôm giảm ở hầu hết thị trường các quốc gia phát triển trong thời gian nửa đầu năm nay, và nhu cầu đi ngang trong quý III.

Trong thời gian tới, ngành tôm nuôi ở châu Á bước vào mùa sản lượng thấp điểm từ tháng 11-2023 đến tháng 2-2024; trong khi đó mùa vụ ở Mỹ Latin vẫn tiếp tục cho đến tháng 3-2024. Tổng sản lượng tôm nuôi năm 2023 dự kiến đạt khoảng 5,6 triệu tấn, tương đương giảm 1% so với 2022.

Số liệu dự báo cho năm 2024 cho thấy sản lượng có thể tăng 4,8% so với năm nay. Đối với thương mại quốc tế, Trung Quốc nhiều khả năng duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh trong quý cuối cùng năm nay để bù đắp và chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cao điểm trong các tháng 12, tháng 1 và tháng 2.

Trong khi đó tại Mỹ, các nhà giao dịch thương mại không hào hứng mua trữ hàng vào dịp Giáng sinh, vì nhu cầu đối với các loài giáp xác bao gồm cả tôm vẫn còn yếu. Nếu có sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ được đáp ứng thông qua hàng nhập khẩu từ Mỹ Latin do chi phí hậu cần thấp và khoảng cách địa lý gần hơn.

Tuy nhiên, có tín hiệu lạc quan là lạm phát đang giảm ở Mỹ và các nước lớn ở châu Âu, đó là yếu tố hỗ trợ cho sự gia tăng về nhu cầu. Bên cạnh đó, vào cuối năm nhu cầu tôm dự kiến cải thiện ở Đông Nam Á và những khu vực đón lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán từ tháng 12-2023 đến tháng 2-2024.

Giá tôm được hỗ trợ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng dự kiến ở mức thấp theo tính mùa vụ, và cũng là thời điểm mùa vụ của nhu cầu tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, về trung hạn, giá tôm khó có thể sớm bước vào giai đoạn tăng ổn định, bởi kinh tế toàn cầu năm 2024 được đánh giá có nhiều nguy cơ chậm tăng trưởng hơn 2023.

Ngành nuôi trồng và thương mại tôm thế giới đang bước vào thời kỳ hỗn loạn với sản lượng giảm, cùng với nhu cầu suy yếu và giá thị trường sụt giảm.

Các tin khác