Quyết tâm cao khắc những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng”, các địa phương ven biển đã ban hành kế hoạch hành động theo Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trong đó tập trung vào quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá.
Với số lượng tàu cá lớn nhất cả nước với 9.800 tàu, đến nay, tỉnh Kiên Giang đã phát hành thư kêu gọi nhân dân, nhất là các chủ tàu cá, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, thuyền trưởng, ngư dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Còn tại Bến Tre, Chi cục Thủy sản của địa phương này đã và đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi 24/24 giờ hệ thống giám sát hành trình hoạt động trên biển của tàu cá trong tỉnh, thông báo đến chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền, để kịp thời phối hợp xử lý thông tin tàu mất kết nối hoặc vượt ranh giới trên biển. Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, kiểm tra danh sách tàu cá của tỉnh có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, bên cạnh ngư dân gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, vẫn còn một số cá nhân vì lợi ích kinh tế trước mắt, tiếp tục khai thác thủy sản bất hợp pháp, nhất là khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, tắt thiết bị giám sát hành trình…không tuân thủ quy định pháp luật và cảnh báo từ chính quyền, các lực lượng chức năng. Đối với các trường hợp này, tỉnh Bến Tre sẽ kiên quyết xử lý.
“Có nhiều tàu sau khi vi phạm đã bỏ nghề đi làm ăn ở nơi khác, tuy nhiên, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo lực lượng công an bằng các biện pháp nghiệp vụ yêu cầu những trưởng hợp này trở về địa phương để ra quyết định xử lý. Đối với các quyết định đã xử lý nhưng chưa thực hiện ra văn bản để kê biên tài sản để cưỡng chế thực hiện quyết định xử phát hành chính. Trong công tác phối hợp đã thống nhất chủ trương với lãnh đạo Cục Kiểm ngư, Hải quân vùng 2 và vùng 5 có quy chế phối hợp với các lực lượng này để tăng cường xử lý, ngăn chặn các trường hợp vi phạm” - ông Nguyễn Minh Cảnh nói.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay số lượng tàu có chiều dài trên 15m được lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.631 tàu, đạt 95% kế hoạch, số 5% còn lại chưa lắp thiết bị giám sát hành trình là tàu cá nằm bờ, không hoạt động. Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã thành lập 3 chốt liên ngành trên biển kiểm tra, kiểm soát tàu cá, triển khai các đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
“Xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo khuyến cáo của EC, Sở cũng đã chỉ đạo thanh tra đột xuất các cảng cá, cơ sở thu mua chế biến khi có kết luận sơ bộ sẽ tham mưu tỉnh sớm báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển thôn. Sở cũng đã tham mưu tỉnh kiện toàn lại các Ban chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp không khai báo, đến nay tỉnh đã bổ sung thêm các trạm bờ để theo dõi để tàu thuyền khai thác trên biển cho bộ đội biên phòng” - ông Huỳnh Sơn Thái nói.
Mới đây, trong buổi làm việc với các đơn vị trong ngành thủy sản về thúc đẩy kế hoạch chống khai thác IUU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vai trò của nuôi biển trong giải quyết vấn đề khai thác IUU của ngành. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan giá trị lớn nhất của nuôi biển là hướng đến giảm đánh bắt, tái sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển bền vững với 3 trụ cột chính là kinh tế, môi trường, xã hội, trong đó yếu tố xã hội chính là con người, cụ thể ở đây là ngư dân. Chống khai thác IUU phải đổi mới cách tiếp cận trong tuyên truyền nâng cao nhận thức từ chính ngư dân. Theo đó, các chính sách khi xây dựng cần phải hướng về ngư dân, phải hiểu được người dân đang nghĩ gì và muốn gì. Phải kiên trì trong tuyên truyền qua đó thay đổi nhận thức của ngư dân trong tham gia bảo vệ tài nguyên thủy hải sản và khai thác bền vững. Đồng thời tập huấn, cung cấp kỹ năng, kiến thức trong chuyển đổi nghề cho ngư dân.
“Phải kiên trì truyền thông nâng cao nhận thức để thay đổi từ chính nông dân, ngư dân. Cách tiếp cận bây giờ từ dưới lên trên, muốn làm được điều này đó thì chính quyền, ngành chuyên môn, Chi cục Thủy sản ở địa phương phải nâng cao nhận thức, phát huy tính năng động từ cộng đồng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức ngay từ ngư dân, nông dân” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu.
Dự kiến, tháng 6 năm nay, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần thứ 4. Lần kiểm tra tới đây có tính chất rất quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam. Việt Nam gỡ được thẻ vàng hay không, điều này không chỉ là quyết tâm hành động của các Bộ, ngành và các địa phương mà còn phụ thuộc vào chính ngư dân, những người trực tiếp khai thác hàng ngày trên biển để hướng đến một nghề cá phát triển bền vững.
Theo VOV