Nghề… đen nhẻm

Trong cảnh ồn ào, sôi động của một Hà thành cao sang, thơ mộng..., đó đây vẫn còn một Hà thành lam lũ, truân chuyên với bao nghề lao động nhọc nhằn, nhếch nhác của người nghèo.

Trong cảnh ồn ào, sôi động của một Hà thành cao sang, thơ mộng..., đó đây vẫn còn một Hà thành lam lũ, truân chuyên với bao nghề lao động nhọc nhằn, nhếch nhác của người nghèo.

Dẫu các thứ bếp điện, ga, từ... đã trở nên khá phổ biến trong nhiều gia đình, nhưng hiềm một nỗi giá cả cứ “leo thang” theo thời gian, trong khi mức thu nhập của đại bộ phận người lao động vẫn “giậm chân tại chỗ”. Bởi vậy, không ít người vẫn “cầu” than tổ ong. Người làm than tổ ong cũng vì thế không ngừng cung.

 

Chị Đàm Hương, chủ một hàng ăn sáng ở khu tập thể Bắc Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), làm con tính: “Mỗi ngày tôi đốt hết 8 viên than (2.500 đồng/viên), mỗi tuần đều đặn 60 viên. Nhà chật chội, nhưng dù chật đến đâu thì cũng phải nhường chỗ cho than nằm!”.

Không chỉ các nhà tầng trệt, mà ở trên tầng cao, khu tập thể đông đúc dân cư cả nội, ngoại thành; những nhà làm hàng, gánh hàng ăn như bún, phở, bánh đa, bánh bao; một số cơ sở tắm nóng - lạnh... đều dùng than tổ ong, than cám.

Anh Đức Tính, người dân ở khu tập thể Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, cho biết tại đây còn khá nhiều gia đình sử dụng bếp than. “Dùng bếp than tổ ong, mỗi tháng giảm được hơn một nửa số tiền so với dùng bếp điện hoặc ga” - anh Tính bộc bạch.

Tôi tần ngần đứng xem thợ đóng than tổ ong ở một ngõ thuộc đường Lê Trọng Tấn (quận Hoàng Mai). Ai nấy đều mặc quần đùi, áo cộc lỗ chỗ những miếng rách ngả màu than. Những cánh tay chắc nịch, nổi gân guốc - cũng nhuốm màu than - cứ vung lên vung xuống đều đều.

Bên cạnh đó, một cái “máy” làm than ọc ạch, rệu rạo (đoán chừng cũng đã có thâm niên với nghề), đống than trộn cứ thế vơi dần. Xa hơn là “núi” than cám được che tạm bởi những chiếc cót mục, bao tải rách.

Thấy tôi cứ dán mắt vào những viên than ướt tròn trịa qua từng bàn tay nhào nặn, đưa đẩy thoăn thoắt và xếp xuống nền đường, anh thợ trẻ, toàn thân đen nhẻm như... “ma lem” ném cái cười về phía khách, lên tiếng: “Dễ ợt mà anh! Thư sinh như anh cũng làm ngon, có khi còn nhanh hơn tụi em, nhưng không có sức thì không biết cày được mấy bữa?” - Họ phá lên cười... Lẽ dĩ nhiên, làm gì cũng đều cần có sức khỏe. Những nghề lao động chân tay như làm than tổ ong càng cần phải có sức khỏe mới hòng bám trụ lâu dài.

- Tôi quê ở Kiến Xương (Thái Bình) - anh Lê Bọc, chủ cơ sở, tâm sự. Lên Hà Nội với chị gái, tính chuyện kiếm nghề gì đó mưu sinh. Sau mấy mùa quẩn quanh với vài nghề không xong, tính đi tính lại, tôi thấy nghề làm than tổ ong tuy vất vả, nhếch nhác một chút nhưng còn nuôi nổi mình.

- Anh bám nghề lâu chưa?

Anh không nói thẳng, mà trả lời vòng vo:

- Nhớ hồi nào quanh đây chỉ toàn ao tù lâu đời lạnh lẽo, bèo tây cao tới hàng mét, cỏ mọc um tùm, đáy ao ô nhiễm rác trầm trọng. Bù lại, bùn lấy từ đáy ao chứa đầy chất cháy, dẫu phải công phu nhặt rác và nhất là mảnh thủy tinh, kim loại. Bùn “ao thành tinh” mà đem ngào với “than Quảng Ninh” thì cháy phải biết: cháy đượm, đỏ rực, lửa bốc ngùn ngụt. Bà con quanh đây người nọ mách người kia than tốt, nên ùn ùn kéo đến mua, lắm khi làm không xuể.

- Nay thì ao, hồ, ruộng đều biến thành nhà, thành quán xá?

- Không còn “mỏ bùn” khai thác, phải đi xa, hoặc mua của chủ chuyên kinh doanh bùn thì nỗi nhọc nhằn lại tăng thêm. Hơn 10 năm trước, khu này nhà cửa thưa thớt, đường đi lối lại thênh thang; nay chỉ còn lại những ngõ, ngách nhỏ, nên việc chở than cám vào, rồi bùn, trấu..., chở than tổ ong đi bán vừa “cậy” sức mình, vừa phải thuê thêm cánh cửu vạn, tốn thêm sức, mất thêm tiền và nhiều thì giờ.

Người làm than tổ ong thường chọn nơi có diện tích rộng như các bãi sông, đất trống bên hồ, ven ao để tiện việc lấy bùn, nước và chuyên chở. Thợ làm nghề này phần lớn là người tứ xứ, cánh cửu vạn sức vóc hơn người. Thu nhập của họ dù khiêm tốn nhưng ổn định, trừ các khoản chi tiêu tằn tiện, mỗi người kiếm được từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng.

Anh Đoàn Xuân Phùng, chủ một cơ sở sản xuất than tổ ong ở đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), giãi bày: “Thường ngày, lũ “đen nhẻm” bọn tôi có 10-12 thợ, chia thành các tốp, gồm tốp chuyên lo nguyên vật liệu (than cám, bùn, trấu, mùn cưa), tốp ngào quả than, tốp đóng than (tạo sản phẩm) và tốp chuyên chở hàng đi các đại lý, nhà hàng, kể cả bán rong. Tùy vào công việc mà anh em chia lương, trừ các khoản “trói phí”, còn lại người lĩnh nhiều được 2 triệu đồng/tháng, người ít 1,4 triệu đồng/tháng”.

- Đêm đến, các anh ngủ ở đâu? - tôi hỏi anh chủ cơ sở.

- Ở kia kìa...

Theo hướng tay anh chỉ, tôi thấy chỗ ngủ của họ là cái lán rộng chừng hơn chục mét vuông, quây tạm bợ bởi những tấm gỗ dán, cót ép, gạch vỡ, nylon. Anh chủ bảo: “Anh em ở vậy đã trên 10 năm nay”.

 Than tổ ong được sản xuất thủ công, rất cực nhọc.

Than tổ ong được sản xuất thủ công, rất cực nhọc. 

Nếu không tính vài doanh nghiệp kết hợp đầu tư sắm máy móc, trang thiết bị, mở xưởng sản xuất than tổ ong (có thời còn quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nay đã giải tán do lãi thấp hoặc thua lỗ, do gây ô nhiễm môi trường bị dân kiện...), thì hầu hết các tốp thợ làm than tổ ong đều rất thủ công, cực nhọc và mạnh ai nấy làm.

Khu tập thể nào có nhiều “thượng đế” cầu hơn - ắt nơi đó mọc lên lắm cơ sở sản xuất than tổ ong. Và cũng vậy, sản phẩm có chất lượng hay kém chất lượng lẫn lộn được đưa ra bán cho người tiêu dùng, không theo một công thức cố định nào mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của từng người chủ.

Nghề làm than tổ ong đã mang lại công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động, cung cấp một phần chất đốt cho người tiêu dùng thủ đô. Nhưng bên cạnh đó, nghề này cũng gây nên sự nhếch nhác, ô nhiễm môi trường thành thị - chẳng hạn như việc xe thồ làm rơi rớt than tổ ong xuống lòng đường.

Các tin khác