Nghị quyết 98 có là 'cây đũa thần' để TPHCM hút vốn PPP

(ĐTTCO) - Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (NQ98), đã mở ra cơ chế cho TPHCM kết hợp đầu tư công nhằm phát huy nguồn vốn xã hội qua hình thức đối tác công tư (PPP).

Nhiều công trình ở TPHCM đang rất cần nguồn vốn tư nhân thông qua đầu tư PPP, nhưng lại bị vướng nhiều nút thắt.
Nhiều công trình ở TPHCM đang rất cần nguồn vốn tư nhân thông qua đầu tư PPP, nhưng lại bị vướng nhiều nút thắt.

ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện NQ98 xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, những năm 2010 được coi là giai đoạn bùng nổ của đầu tư PPP, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Nhưng vì sao từ khi Luật PPP ra đời năm 2021 lại có ít dự án PPP?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Đúng là từ khi có Luật PPP đến nay chúng ta vẫn chưa kích thích được vốn đầu tư PPP. Trong vấn đề này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về chủ quan, đa phần những dự án đầu tư sau này với tỷ lệ nguồn vốn nhà nước dưới 50% tổng mức đầu tư.

Trong khi những dự án này rơi vào chi phí đền bù giải tỏa quá lớn, nên thường không thu hút nhà đầu tư (NĐT) tư nhân vì họ không có phương án tài chính. Chính vì vậy, với NQ98 TPHCM sẽ được phép tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên tối đa 70% tổng mức đầu tư.

Về nguyên nhân khách quan, dự án PPP nào cũng liên quan đến giải tỏa đền bù. Với các doanh nghiệp (DN) tư nhân họ rất sợ vấn đề này nên cũng không mấy hấp dẫn. Đồng thời trong thời gian qua, lãi suất cho vay khá cao (chỉ giảm xuống trong năm nay) trong khi chi phí tài chính trong tổng dự án quá lớn, DN không cân đối nổi dòng tiền, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông làm PPP rất khó thông. Ngay cả cao tốc Bắc - Nam, cũng đã chuyển đổi các dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công, vì DN không tính nổi bài toán tài chính.

TRAN-DU-LICH.jpg

- Vậy theo ông NQ98 giúp TPHCM giải bài toán vốn PPP như thế nào?

- Đối với TPHCM, NQ98 giải quyết 2 nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất, mở rộng cơ chế phân cấp phân quyền về quản lý nhà nước cho TPHCM. Nhóm thứ hai, tạo cơ chế đột phá để thu hút nguồn lực, trong đó có nguồn lực về tư nhân cho đầu tư phát triển để TPHCM khai thác được tất cả lợi thế của mình.

Cụ thể theo Luật PPP, tư nhân chỉ tham gia vào 5 nhóm lĩnh vực, riêng 2 nhóm lĩnh vực rất quan trọng là văn hóa và thể thao thì chưa cho phép. Tuy nhiên, NQ98 cho TPHCM mở rộng PPP trong 2 lĩnh vực này để có sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, thể thao.

NQ98 cũng cho phép áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng- vận hành-chuyển giao) đối với các dự án nâng cấp công trình đường bộ hiện hữu; cho phép áp dụng hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) được thanh toán bằng ngân sách nhà nước. Một vấn đề quan trọng nữa, trong phát triển giao thông TPHCM, NQ98 còn cho phép TPHCM mở rộng hình thức kết nối giao thông với khu đô thị dân cư (TOD).

Cụ thể là cho TPHCM thẩm quyền thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư; tạo quỹ đất để đấu giá, lựa chọn NĐT các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật ở các hệ thống đường sắt đô thị và các đường cao tốc như đường Vành đai 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Bình Dương, TPHCM - Chơn Thành… Với hình thức này, nhà nước đi vào giai đoạn quy hoạch tạo quỹ đất, và kêu gọi NĐT đấu thầu tham gia các dự án này với hình thức đầu tư tư nhân.

Hiện nay, TPHCM cũng rất nỗ lực thực hiện hóa các quy định tại NQ98 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn, khi đưa ra 54 dự án đầu tư PPP, trong đó có các dự án về thể thao, y tế, giáo dục, cầu đường… Các NĐT đang tiếp cận, nhưng thực tế tình trạng kinh tế chung khó khăn nên DN cũng khó khăn về tài chính dù ngân hàng thừa tiền.

Tuy nhiên, thực tế TPHCM cũng chỉ tận dụng được một số điểm trên NQ98, bởi vấn đề còn lại là quy trình thủ tục như điều chỉnh quy hoạch, đền bù giải tỏa… vẫn chưa thể rút ngắn được, nên chưa kích thích được đầu tư PPP.

Có thể thấy, NQ98 đã triển khai 9 tháng nhưng cho đến nay tất cả những nguồn thu kể trên vẫn đang trên bàn tính toán. Hiện TPHCM đang nỗ lực hoàn thiện khung thể chế và đang đưa ra rất nhiều dự án để kêu gọi đầu tư.

Mục tiêu TPHCM là cố gắng trong năm nay, hình thành xong những dự án có cơ sở pháp lý tốt, đầy đủ và có thể tiếp tục thu hút NĐT bỏ vốn vào giai đoạn những năm tiếp theo. Hiện nhiều NĐT đã tiếp cận dự án, kể cả dự án về thể thao và đang xây dựng đề án để có thể tham gia đấu thầu công khai các dự án đó.

Quả thật, NQ98 chưa đủ để TPHCM tạo khuôn khổ mạnh dạn trong vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Chính vì vậy, bên cạnh NQ98, Chính phủ ban hành 3 nghị định nữa và hiện nay đang chuẩn bị ban hành thêm 1 nghị định mở rộng, phân cấp phân quyền để minh bạch quản lý nhà nước trên địa bàn.

Phần nào thuộc trách nhiệm chính quyền thành phố phải làm, được làm, phần phải xin bộ, ngành trung ương sẽ được minh bạch ra trong các quy định sắp tới này. Từ đó NĐT cũng yên tâm rằng, đó là một khuôn khổ pháp lý bảo đảm để họ tham gia.

- Nói như vậy PPP cũng chưa hẳn là “cây đũa thần” để thu hút vốn?

- Thật ra ở các nước, việc thành công với phương thức PPP cũng không phải là nhiều, nên chúng ta đừng quá kỳ vọng nhiều vào PPP. Đây chỉ là một kênh, và hiện nay có những công trình PPP thực chất là trách nhiệm phải đầu tư công chứ không phải PPP.

Thí dụ, mở rộng quốc lộ có đường cho dân, nhà nước phải làm chứ không thể làm BOT. Hơn nữa bây giờ đầu tư PPP cũng khó, chẳng hạn đầu tư đường cao tốc chi phí quá cao, nên chúng ta không nên kỳ vọng quá lớn. Những phần thuộc trách nhiệm nhà nước cần phải tính toán, cân đối nguồn để thực thi.

Đa phần DN chỉ đầu tư dự án có khả năng thu hồi vốn dưới 20 năm, còn các dự án lên đến 40-50 năm họ sẽ không tham gia. Hình thức PPP dĩ nhiên phải làm, nhưng không thể sốt ruột đòi hỏi quá nhanh. Muốn thành công trong chính sách này đòi hỏi chúng ta có những đột phá, có những sáng tạo và đặc biệt phải tạo được sự hấp dẫn cho các NĐT so với các lĩnh vực khác, đặc biệt là đầu tư lĩnh vực hạ tầng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác