Nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0 và cơ hội cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Quan điểm, nội dung bao trùm, xuyên suốt Nghị quyết của Bộ Chính trị là tích cực, chủ động; đổi mới sáng tạo và các chủ trương, chính sách có tính khả thi cao.
    Ảnh minh họa
    Ảnh minh họa

    Khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến tại Hội chợ Hanover 2011 và bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013 đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.

    Theo Giáo sư Klause Schwab, người sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hiểu một cách đơn giản như sau: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

    Ở Việt Nam, khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến muộn hơn, nhưng thực sự dành được quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội khi Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam.

    Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Các doanh nghiệp kỳ vọng với những chủ trương, chính sách được nêu trong Nghị quyết sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp có bước phát triển đột phá về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và thực hiện hội nhập quốc tế thành công.

    Quan điểm, nội dung bao trùm, xuyên suốt nghị quyết là tích cực, chủ động; đổi mới sáng tạo và các chủ trương, chính sách có tính khả thi cao. Về phía doanh nghiệp cũng cần quán triệt các quan điểm, nội dung này một cách sâu sắc.

    Một là, cần tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bị động, chưa sẵn sàng, chưa chủ động hội nhập đang là hạn chế chung của doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ riêng việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chẳng hạn trong vấn đề tiếp cận các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với các nước, theo thống kê trong năm 2018, tỷ lệ trung bình tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 39% và có đến 84% doanh nghiệp nói rằng thiếu thông tin về FTA, một phần do các Bộ ngành chức năng chưa cung cấp thông tin kịp thời, nhưng lý do chính vẫn do doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu.

    Hai là, thực hiện đổi mới, sáng tạo tranh thủ các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Đổi mới sáng tạo vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp mang tính quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp.

    Từ khóa “đổi mới sáng tạo” được nhắc tới 16 lần trong Nghị quyết 52-NQ/TW cho thấy phần nào tính quan trọng, cấp bách của nội dung này. Trước hết, doanh nghiệp cần xác định đổi mới sáng tạo có ý nghĩa quyết định, thậm chí mang tính chất “sống còn” của mình trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động hàng ngày, hàng giờ vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vào cuộc sống của mỗi người dân.

    Hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh người tiêu dùng có thể trải nghiệm và mua bất cứ sản phẩm, dịch vụ gì muốn không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu với chi phí thấp nhất, chất lượng và các điều kiện bảo hành tốt nhất. Nếu doanh nghiệp vẫn hoạt động theo cách truyền thống, không thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm, phương thức bán hàng, tiếp thị, dịch vụ sau bán hàng thì sẽ không có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

    Để đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần nắm được các xu thế thị trường trong tương lai để xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm dài hạn; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); đổi mới công nghệ, phương thức quản lý; thực hiện chuyển đổi số….

    Ba là, chủ động thực hiện các biện pháp từ phía doanh nghiệp để tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước hết, doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa các thuận lợi về cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ trong hội nhập.

    Chẳng hạn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVTFA) vừa ký kết ngày 30/6 vừa qua EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực và 99% sau 7 năm thực thi, thuế xuất khẩu sang EU sẽ giảm bình quân từ 9,6% về 0%. Đây là cơ hội rất tốt cho các ngành dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ...

    Tương tự, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự báo cũng sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam.

    Hoặc, những cơ chế, chính sách mới trong Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đề án chuyển đổi số quốc gia và các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới do Chính phủ xây dựng và triển khai thực hiện theo Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng là các nguồn lực và động lực rất tốt để hỗ trợ doanh nghiệp.

    Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi số của chính doanh nghiệp mình trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực, trong đó nguồn lực nội tại của doanh nghiệp là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực huy động và nhận hỗ trợ từ bên ngoài là quan trọng đột phá.

    Các tin khác