Tại cuộc họp, phe Dân chủ đã đề cử Lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries của bang New York cho chức Chủ tịch Hạ viện, trong khi tất cả những hạ nghị sĩ Cộng hòa tối 24-10 còn lưỡng lự thì sang ngày 25-10 đã quyết định dồn phiếu cho ông Johnson.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, ứng cử viên Johnson được 220 phiếu ủng hộ - vượt qua ngưỡng cần thiết 217 phiếu để đắc cử Chủ tịch Hạ viện, trong khi ứng cử viên Jeffries chỉ được 209 phiếu, mất 3 phiếu so với các vòng đối đầu trước đó với các ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa. Như vậy, ông Johson đã trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 56 của Mỹ.
Hạ nghị sĩ Johnson, hiện là Phó Chủ tịch Hội nghị Cộng hòa tại Hạ viện, là người thứ tư được phe Cộng hòa đề cử cho chức Chủ tịch Hạ viện sau khi ông Kevin McCarthy bị phe cực hữu bãi miễn hôm 3-10.
Trong lần đầu nhóm họp, các hạ nghị sĩ Cộng hòa đã chọn Lãnh tụ khối đa số tại Hạ viện Steve Scalise (bang Louisiana), nhưng ông này rút lui trước vòng bỏ phiếu chính thức khi biết chắc sẽ không đủ số phiếu.
Lần thứ 2, Hạ nghị sĩ Jim Jordan (bang Ohio), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, qua 3 vòng bỏ phiếu vẫn không kiếm đủ sự ủng hộ, nên đảng Cộng hòa đành bỏ qua ứng cử viên này.
Lần thứ 3, ứng viên được đề cử là Tom Emmer (bang Minnesota), nhân vật số 3 của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nhưng ông này cũng phải rút lui chỉ sau vài giờ được đề cử khi phe cực hữu nhất quyết chống đối, trong khi người nhiều phiếu thứ hai là ông Johnson đã được đề cử.
Ông Mike Johnson, 51 tuổi, là thành viên của Hạ viện Mỹ từ năm 2016 và hiện đang đảm trách nhiệm kỳ hạ nghị sĩ thứ 4. Năm 2020, ông Johnson đã ký tên chung với 100 hạ nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ một vụ kiện của bang Texas nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 ở các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, ủng hộ lập trường của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Johnson được ông Trump nhiệt tình ủng hộ trong cuộc chạy đua giành chức Chủ tịch Hạ viện.
Việc ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện đã chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 22 ngày qua và mở ra triển vọng để Quốc hội Mỹ giải quyết các vấn đề cấp thiết như xem xét gói chi tiêu an ninh quốc gia trị giá 106 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden công bố ngày 20-10 nhằm tăng cường an ninh biên giới của Mỹ, cũng như gửi hàng tỷ USD viện trợ đến Israel và Ukraine, đặc biệt là đạt thỏa thuận về gói chi tiêu giúp tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ trong bối cảnh thời hạn chót ngày 17-11 đang đến gần.