Nghĩ về thế hệ tương lai…

Tôi còn nhớ hồi tham dự một trại sáng tác viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn cách đây cũng đã trên 20 năm, khi tổng kết trại, nhà văn Nguyên Ngọc, lúc bấy giờ là Phó Tổng thư ký, đưa ra nhận xét rất thẳng thắn: “Chúng ta viết cho thiếu nhi, nhưng lại không hiểu thiếu nhi.

Tôi còn nhớ hồi tham dự một trại sáng tác viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn cách đây cũng đã trên 20 năm, khi tổng kết trại, nhà văn Nguyên Ngọc, lúc bấy giờ là Phó Tổng thư ký, đưa ra nhận xét rất thẳng thắn: “Chúng ta viết cho thiếu nhi, nhưng lại không hiểu thiếu nhi.

Tại sao cứ viết cho các em là lại chỉ kể chuyện cào cào châu chấu. Trong khi các em quan tâm đến không ít vấn đề lớn. Nhiều em suy nghĩ rất sâu sắc, thậm chí rất “người lớn”. Trong khi đó, người lớn chúng ta lại “cưa sừng làm nghé”, rồi giả vờ ngô nghê và cứ tưởng như vậy mới là con trẻ. Đừng ngô nghê hóa trẻ con, cũng đừng giun dế hóa dòng văn học dành cho con trẻ…”.

Lời nhận xét thẳng tưng ấy làm nhiều người khó chịu. Có tác giả bị sốc. Họ không phản ứng ông Phó Tổng thư ký, nhưng lại hậm hực với tôi và muốn tôi lên tiếng phản bác Nguyên Ngọc. Nhưng tôi lại tâm đắc với ý kiến của ông. Tôi thấy ông nói đúng. Rất đúng.

 *

Ngay thời chúng tôi còn là trẻ con, vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi ấy đất nước còn mù mịt bom đạn, nhiều quan niệm của chúng ta còn rất đơn giản và ấu trĩ, những bài học của chúng tôi cũng rất giản đơn, nhưng lũ trẻ nhà quê chúng tôi cũng đâu có ngô nghê.

Trẻ con bây giờ còn tinh quái hơn. Cuộc gặp mặt, giao lưu giữa các nhà văn với các em thiếu nhi Trường Đội Lê Duẩn đã qua trên 20 năm, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi, ám ảnh mãi. Hôm ấy, đến dự có Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh, Thứ trưởng nhà văn Phùng Ngọc Hùng, nhà thơ Định Hải, nhà văn Lê Phương Liên, nhà phê bình nghiên cứu Vân Thanh và đông đảo các phóng viên báo chí.

Khác với nhiều cuộc tiếp xúc của thiếu nhi, nhưng do người lớn tổ chức, chuẩn bị, các em chỉ thụ động đọc những bài diễn văn, những lời phát biểu cứng nhắc do người lớn viết hộ, trong cuộc giao lưu này, các em tự tổ chức và tự điều hành. Không khí hội trường sinh động, tươi trẻ, linh hoạt và ấm nóng ngay từ giây phút đầu tiên.

Các em nói không có văn bản chuẩn bị trước, nhưng ý kiến nào cũng sắc sảo. Nhiều vấn đề được đặt ra rất nghiêm túc. Vấn đề đầu tiên các em đưa ra là sự chật chội, ngột ngạt trong đời sống của các em ở các phố thị. Liệu có giải pháp nào cải thiện được không?

 

Bất ngờ hơn khi các em phát biểu: “Trong khi các cô bác cứ nói quan tâm đến thiếu nhi với bao nhiêu khẩu hiệu, mà khẩu hiệu nào nghe cũng hay: Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai; Tất cả vì tương lai con em chúng ta…

Chúng cháu thấy có cái gì đó không ổn lắm. Bởi các bác chỉ nghĩ đến tương lai mà không quan tâm đến hiện tại". Chỉ nghĩ đến tương lai, lại tất cả vì tương lai là tự ru mình, tự thỏa mãn mình, tự bằng lòng mỹ mãn vì mình là người tốt, là người hết lòng vì con trẻ, nhưng lại chẳng phải làm gì cả. Rất nhẹ nhàng thoải mái, vì rũ bỏ được hết mọi trách nhiệm cụ thể.

Tương lai là cái gì còn rất mù mờ ở phía trước. Tương lai là cái có thể đến, hoặc có thể không bao giờ đến. Hoặc nếu tương lai có đến thật thì lúc ấy thiếu nhi cũng đã thành các cụ già rồi, làm sao còn thú vui của con trẻ để thụ hưởng những gì tốt đẹp các bác ban cho. Còn hiện tại các em khát khao có chỗ để nhảy dây, có chỗ đánh chuyền hay đá bóng.

Phóng túng hơn nữa là thả diều. Trên thị trường diều được bán rất nhiều, đủ các kích cỡ, hình dáng. Người lớn bán diều cho trẻ con nhưng lại không cho trẻ con chỗ thả diều. Có bạn phải lên tầng thượng, leo lên nóc nhà thả diều. Có bạn liều lĩnh đá bóng ngay trên đường phố. Đó là những việc làm vô cùng nguy hiểm. Nhiều bạn bị người lớn mắng vì “gây mất trật tự đường phố”. Thực sự trẻ em có lỗi không?

 *

“Trẻ em rất cần được vui chơi - một nhà văn tiếp lời - Nhưng các em cũng phải thông cảm với các cô các bác. Bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều người nghèo không có nhà ở. Vậy theo các em, giữa việc xây nhà cho người nghèo có chỗ trú mưa nắng với chuyện làm sân chơi cho các em, ta cần ưu tiên cái nào trước đây?”. “Theo cháu, chúng ta không nên đặt vấn đề như thế? Không nên lấy cái nọ triệt tiêu cái kia. Tại sao các bác không nghĩ đến việc vừa xây nhà cho người nghèo, vừa làm sân chơi cho con trẻ?”.

“Nhưng làm bằng cách nào, trong khi phố phường chật chội như thế?”. “Chúng cháu nghĩ rằng phố phường chỉ chật chội đối với những nhà quản lý. Với người có khả năng tổ chức, quy hoạch, dân số hiện tại ở Hà Nội không phải là đông và đất đai cũng không hề chật hẹp…”. “Vậy thì - nhà báo Đặng Nam, Chủ nhiệm chương trình Truyền hình “Vì trẻ thơ”, quay lại hỏi một cháu gái: “Giả sử cháu là Chủ tịch thành phố, theo cháu cần phải làm thế nào?”.

“Trước hết, cháu sẽ xóa tất cả những căn nhà ổ chuột, nhà mỏng dính, nhà lô nhô cao thấp, cái thò ra, cái thụt vào, trông rất lộn xộn, nhếch nhác. Đi trên đường phố, cháu có cảm giác như mình đang đứng trước một dàn nhạc khổng lồ, có đến hàng triệu nhạc cụ, nhưng lại thiếu nhạc trưởng, nghĩa là thiếu một bàn tay chỉ huy, nên cứ mạnh ai nấy tấu. Rốt cuộc chẳng ra làm sao cả.

Cần phải quy hoạch lại bằng cách dựng nhà cao tầng như nhiều thủ đô văn minh của các nước tiên tiến. Chỉ một khu nhà cao tầng đã giải quyết được chỗ ở cho bà con cả một khu phố. Nếu làm được thế, Hà Nội sẽ rất thoáng và rất hiện đại, nề nếp. Chúng ta vừa giải quyết được chỗ ở cho dân, vừa có chỗ xây dựng khu vui chơi giải trí. Làm sao ở bất kỳ căn hộ nào, bật cửa sổ ra cũng thấy bóng cây xanh và công viên sinh thái. Đó là nơi vui chơi cho con trẻ, là chỗ đi dạo cho người già…”.

“Trời ơi! Cháu gái mơ mộng quá - tôi kêu lên - cháu đang dẫn các bác vào thế giới cổ tích đấy!”. “Tại sao lại cổ tích? Cháu nói thật với chú Khoa là cháu không thích truyện cổ tích. Từ bé, cháu đã không đọc truyện cổ tích rồi. Cháu không đọc vì đó là những chuyện hoang tưởng, bịa đặt”. “Thế nhưng cháu lại đang sáng tác chuyện cổ tích đấy. Vì những điều cháu nói rất khó thành hiện thực.

Dân mình vừa đơn giản lại vừa rất phức tạp. Người nào cũng muốn có mảnh đất riêng, căn nhà riêng. Dù méo mó nhưng vẫn thích, vì đó là nhà riêng của mình chứ không phải nhà tập thể. Bao nhiêu công trình công cộng không giải tỏa nổi cũng vì dân đó thôi…”.

“Đó không phải vì dân đâu. Dân không tin các bác nên không ủng hộ đấy. Tại sao dân không tin các bác là lỗi tại các bác chứ. Người ta đã giao nhà, đã đóng tiền và ở vạ vật, nhưng mãi vẫn không xây xong. Thế thì làm sao mà tin các bác được. Theo cháu, với dân, nên rõ ràng, không nói một đằng, làm một nẻo. Có gì khó khăn nảy sinh cũng thông báo với dân, dân sẽ cảm thông…”.

Đấy! Lý lẽ của trẻ con đấy. Hóa ra chúng ta đâu có hiểu các em. Cũng đừng nghĩ trẻ con khôn trước tuổi.

Các tin khác