Nghiên cứu áp dụng hình thức thu phí ETC trả sau

(ĐTTCO)-Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước nên linh động bằng cách áp dụng thu phí ETC có hình thức cho chủ xe trả tiền sau để không còn lo số dư trong tài khoản giao thông.
Nhiều chủ xe mong muốn và kiến nghị sớm áp dụng thu phí ETC có hình thức cho chủ xe trả tiền sau. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhiều chủ xe mong muốn và kiến nghị sớm áp dụng thu phí ETC có hình thức cho chủ xe trả tiền sau. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau gần một tháng áp dụng thu phí không dừng (ETC), nhiều chủ phương tiện cũng đã quen và thấy được nhiều tiện ích với hình thức dịch vụ mới này.

Tuy nhiên, khách hàng cũng kiến nghị thay vì phải nạp tiền trước vào tài khoản ETC thì cơ quan chức năng sớm nghiên cứu phương án trả sau và liên thông trực tiếp với tài khoản ngân hàng để tạo thuận lợi hơn cho chủ phương tiện.

Chậm trả sau có thể tính lãi, cấm sử dụng dịch vụ

Kể từ ngày 1/8, các tuyến cao tốc chỉ thu phí ETC. Đến nay, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã có 3,8 triệu phương tiện trong tổng số 4,6 triệu phương tiện trên cả nước đã được dán thẻ ETC, tăng hơn 600.000 phương tiện so với trước thời điểm chưa bắt buộc thu phí không dừng trên cao tốc, đạt tỷ lệ khoảng 83%. Tỷ lệ này đã về đích sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ là đến tháng Chín năm nay lượng xe đạt tỷ lệ dán thẻ ETC từ 80-90%.

Tuy nhiên, sau gần một tháng triển khai, nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông vẫn thắc mắc vì sao khi đi qua trạm thu phí, tiền không trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng. Thay vào đó, khách hàng vẫn phải nạp tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản giao thông để thanh toán phí.

Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên linh động bằng cách áp dụng thu phí ETC có hình thức cho chủ xe trả tiền sau và từ đó không còn lo số dư trong tài khoản giao thông.

Có bố mẹ đã cao tuổi ở Hải Phòng, anh Nguyễn Văn Dũng (Hà Nội) phải thường xuyên di chuyển giữa 2 thành phố này trong tuần để về thăm nom sức khỏe của người thân. 

Mỗi lần lên xe, anh phải kiểm tra tài khoản thu phí ETC còn bao nhiêu tiền và có đủ cho cả chặng đi và về hay không. Lần gần nhất, do lơ là không chú ý số dư trong tài khoản thẻ, khi gần đến trạm phí, anh Dũng vội vàng tấp vào làn dừng khẩn cấp để tiến hành nạp tiền.

“Thuê bao di động, dịch vụ internet đều có cho trả sau, tại sao thu phí ETC trả sau lại không thể triển khai? Nếu tháng sau, chủ xe không trả tiền tháng trước thì cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra hình thức phạt nặng, không cho sử dụng dịch vụ tiếp. Lúc đó, nhiều chủ xe chắc chắn thay đổi thói quen và chấp hành nghiêm thực hiện trả tiền sau,” anh Dũng nêu vấn đề.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng hiện doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tiền chuyển vào tài khoản giao thông. Đối với doanh nghiệp có hàng trăm xe, cần người theo dõi số dư tài khoản cũng gây phiền phức.

“Nên nghiên cứu hình thức cho phép trả sau. Nếu chủ phương tiện chậm trả theo thời hạn quy định có thể tính lãi,” ông Quyền đề xuất.

Cần sớm nghiên cứu để phục vụ người dân

Thừa nhận về lâu dài thu phí ETC cần chuyển sang hình thức trả sau, theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), trong các giai đoạn phát triển của thu phí ETC, sau giai đoạn trả trước sẽ chuyển sang trả sau.

“Khi thực hiện được trả sau, các trạm BOT sẽ bỏ được barie,” ông Toàn nói và đưa ra minh chứng ở nhiều nước giai đoạn trả trước được áp dụng khi thu phí không dừng dưới 80%. Nếu tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ này đạt trên 90%, họ chuyển sang hình thức thanh toán trả sau.

Ông Toàn cũng lý giải hiện nay chưa thực hiện được hình thức thanh toán trả sau bởi các vướng mắc về quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng.

Cụ thể, sau khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thu được tiền trong ngày phải chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư BOT chuyển cho ngân hàng để trả nợ.

“Nếu chuyển sang trả sau, thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán. Do đó, việc chậm chu kỳ thanh toán sẽ phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án. Tổng cục Đường bộ đang phối hợp rà soát lại hành lang pháp lý cho thanh toán trả sau đồng thời cũng đang nghiên cứu phương án kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, khi chủ phương tiện không thanh toán sẽ khóa các dịch vụ công liên quan đến số định danh cá nhân đó,” ông Toàn thông tin thêm.

Nhieu dich vu ap dung hinh thuc tra sau, tai sao thu phi ETC lai kho? hinh anh 1
Nhân viên nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng hướng dẫn chủ phương tiện sử dụng app tài khoản thu phí. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trên cơ sở này, Tổng cục Đường bộ đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép trả sau đối với hai đối tượng khách hàng là xe của các cơ quan Nhà nước có biển số màu xanh và các doanh nghiệp vận tải có độ tín chấp cao hoặc có bảo lãnh ngân hàng.

Trả lời về việc tại sao không trừ tiền trực tiếp qua thẻ ngân hàng, vị Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế cho biết do hiện nay đang áp dụng hình thức trả trước nên tốc độ xử lý giao dịch của các ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu.

Giải thích rõ hơn, theo ông Toàn, hệ thống thu phí ETC yêu cầu xử lý tốc độ xe qua trạm là 0,2 giây trong khi giao dịch ngân hàng từ 30 giây tới 2 phút mới xử lý xong. Bên cạnh đó, do tính bảo mật nên các ngân hàng cũng không muốn thực hiện thanh toán trực tiếp này. Nếu áp dụng hình thức trả sau thì thực hiện được trừ tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng.

Một chuyên gia giao thông cho rằng sở dĩ chưa áp dụng hình thức thu phí ETC cho chủ xe trả sau vì đa số các dự án cao tốc đều vay vốn tín dụng ngân hàng. Trường hợp chủ xe trả tiền sau, thậm chí chây ì sẽ ảnh hưởng việc thu hồi vốn của nhà đầu tư và cả phía ngân hàng.

“Nhiều ngân hàng cũng e ngại phương án thu phí ETC trả sau bởi không khác gì ‘thả gà ra đuổi’ và có thể dẫn đến chậm xoay vốn dòng tiền lưu thông mỗi ngày,” vị chuyên gia này chia sẻ.

Các tin khác