Ngoại xuất siêu, nội vẫn nhập siêu

(ĐTTCO) - Dù tác động của đại dịch, kinh tế thế giới và lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu, chịu tác động tiêu cực, song việc thu hút FDI và hoạt động của khu vực FDI nước ta vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu (XNK). Kim ngạch hai chiều cả nước luôn lập đỉnh mới, năm 2020 vượt 500 tỷ USD, năm 2021 qua 600 tỷ USD và trên 700 tỷ USD vào 2022, duy trì xuất siêu 7 năm liền.
Chiếm trên 70% kim ngạch XK, khối FDI đang thống trị giá trị thương mại của Việt Nam.
Chiếm trên 70% kim ngạch XK, khối FDI đang thống trị giá trị thương mại của Việt Nam.

Điểm sáng khối DN FDI

XK của khối FDI tăng mạnh, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần cao trong XK của cả nước. Năm 2005, XK của DN FDI chỉ 37% trong tổng kim ngạch XK cả nước, đến 2010 đã đạt 54%. Từ 2015, xác lập tương quan tỷ trọng giữa DN FDI với DN nội là 70/30. Không dừng lại, năm 2022, tỷ trọng của FDI lên 74,4%. FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu trong các lĩnh vực, chiếm 58% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, vừa tạo ra các ngành sản xuất công nghệ cao như điện, điện tử - bán dẫn, quang học…

Năm 2022 có 39 mặt hàng XK đạt từ 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên, tiếp ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. FDI tiếp tục là tác nhân quan trọng cải tiến cơ cấu XK theo hướng tích cực với nhóm công nghiệp chế biến chiếm 86% tổng kim ngạch XK.

Với tiềm năng XK ngày càng lớn đã thúc đẩy mở rộng thị trường XK ngày càng đa dạng. Năm 2022 có 33 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 6 thị trường đạt từ 10 tỷ USD trở lên, đặc biệt XK vào thị trường Mỹ vượt qua 100 tỷ USD (109 tỷ USD) vững vàng ngôi quán quân.

Đặc biệt, XK sang các nền kinh tế có quan hệ theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, góp phần nâng vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới.

Nhưng trong đó, khối FDI là chủ lực tạo nên thặng dư thương mại cao của Việt Nam liền mạch 7 năm liền (2016 -2022), do khối này liên tục xuất siêu lần lượt 23,8 tỷ USD, 27,6 tỷ USD, 32,1 tỷ USD, 35,9 tỷ USD, 34,5 tỷ USD, 29,3 tỷ U SD và 41,8 tỷ USD.

Gập ghềnh khối DN nội

Dù vậy, một vài nhà FDI đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”, nhanh tạo kim ngạch lớn, lợi nhuận cao nhưng không quan tâm thích đáng đến khai thác tiềm năng thế mạnh của Việt Nam, tạo giá trị gia tăng lớn cho hàng XK. Số ít DN FDI chỉ vào để gia công, lắp ráp. Công nhân chỉ việc “lặp đi lặp lại” thao tác giản đơn trên băng chuyền, không được đào tạo bài bản nên thường không đủ sức “trụ” trong dây chuyền sản xuất tiên tiến.

Đấy là chưa kể có vài DN FDI đưa lao động từ chính quốc sang gắn mác chuyên gia nhưng chỉ là trình độ “vôi vữa tranh việc thợ hồ”. Có DN FDI chuyển giá, mập mờ mức thuế, định giá thấp đóng góp của phía Việt Nam trong liên doanh, tạo ra chuyện thật như đùa “lỗ giả, lãi thật”.

Trong quá trình tham gia XK của Việt Nam, khi DN FDI đóng góp ngày càng thịnh vượng, thì khối DN nội lại “phú quý giật lùi”.

Trong quá trình tham gia XK, khối DN XK trong nước chưa đạt được kim ngạch 100 tỷ USD, dù trên danh nghĩa XK cả nước ta đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD từ năm 2012 (114,6 tỷ USD).

Chưa hết, DN Việt lại NK với tỷ trọng lớn hơn tỷ trọng về XK, hậu quả là nhập siêu lớn, triền miền. Năm 2022, khối DN Việt NK 125,8 tỷ USD, chiếm 34,8% tổng giá trị NK của cả nước, thì nhập siêu 30,7 tỷ USD, tức XK chỉ đạt 95,1 tỷ USD.

Việc NK lớn và nhập siêu triền miên cho thấy sản xuất và XK của ta còn phụ thuộc dài dài vào ngoại quốc. Cái “xiềng” gia công, lắp ráp chưa thể tháo gỡ. Khi XK được hàng chục tỷ đô la cũng NK không ít, không chỉ vật tư sản xuất, chế biến nông thủy sản mà cả gạo, thịt, tôm cá, rau quả từ Á tới Âu.

Sự thua kém trong XK và phụ thuộc vào NK “lây nhiễm” sang logistics. Thị phần vận tải hàng hóa XNK của Việt Nam vẫn bị đội tàu biển nước ngoài chiếm lĩnh, đặc biệt là bằng container. Thị trường vận tải hàng XNK do đội tàu biển Việt Nam đảm nhận đã ít lại bập bõm, từ 11% năm 2015 xuống 8% năm 2016 và 2017, 7% năm 2018, xuống 5% năm 2019 và 2020 và trở lại 7% năm 2021. Con tàu Việt hầu như chỉ lướt trên sóng nước nội thủy.

Thời vận mới, phương sách mới

Trước thực trạng trên, với DN FDI, chúng ta nên cương quyết chỉ chấp nhận những dự án có trình độ công nghệ trung bình khá trở lên, ưu tiên công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn sức lan tỏa rộng và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung vào công nghệ chế biến, chế tạo từ vật tư, nguyên liệu sẵn có, tại chỗ, sản vật thô, phụ phẩm, phế phẩm.

Xây dựng và hoàn thiện các khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi số. Thu hút đầu tư vào các địa bàn có tiềm năng, những ngành nghề truyền thống, phát triển tam nông. Khuyến khích mở mang công nghiệp hỗ trợ. Liên doanh giữa DN nội với DN FDI, tranh thủ học hỏi trình độ quản lý, kỹ thuật của họ.

Không tiếp nhận những dự án vi phạm môi trường, khai thác bừa bãi, thâm dụng, lãng phí tài nguyên, tốn năng lượng, kỹ thuật lạc hậu. Nhất quán chính sách ưu đãi đối với FDI. Không lạm dụng từ “linh hoạt”, để mỗi nơi đề ra biệt đãi nhằm kéo dự án, tổn hại lợi ích chung.

Khai thác logistics. Thực hiện chủ quyền phù hợp với các định chế quốc tế. Triển khai đồng bộ quản lý, tiếp tục phân cấp cho các khu công nghiệp. Đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. Nâng cao tính chuyên nghiệp hiệu quả của xúc tiến đầu tư; kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch.

Các tin khác