“Tiền tươi, thóc thật”
Kể từ năm 2020 đến nay, NĐTNN vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên TTCK. Trong tháng 4, khối ngoại tiếp tục bán ròng 4.300 tỷ đồng trên sàn HoSE và đây là tháng thứ 7 liên tiếp khối ngoại bán ròng. Thống kê cho thấy, nhóm cổ phiếu (CP) VN30 bị bán ròng 3.700 tỷ đồng, tương đương 86% giá trị bán ròng trên sàn HoSE qua giao dịch khớp lệnh.
Tương tự, NĐT tổ chức trong nước cũng duy trì động thái bán ròng với giá trị gần 3.900 tỷ đồng, trong đó khối tự doanh của công ty chứng khoán (CTCK) bán ròng 677 tỷ đồng.
Những mã bị NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh là VPB, FUEVFVND, MBB, HNG, KDH, HPG, MWG, FLC, MSN. Trong khi đó, khối tự doanh bán mạnh FUEVFVND, HPG, VRE.
Trái ngược với động thái bán ra từ khối ngoại và tổ chức, số lượng tài khoản của NĐT F0 vẫn không có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm và đạt 65% so với cả năm 2020.
Thậm chí, số NĐT mở mới trong 4 tháng đạt con số kỷ lục là 366.816 tài khoản, tương đương 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Như vậy, tính đến hết tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch hơn 3,1 triệu.
Dù số lượng tài khoản mở mới gia tăng mạnh, nhưng nhiều chuyên gia CK vẫn không ngần ngại đưa dự báo số lượng NĐT mới sẽ tiếp tục gia tăng và kỷ lục trong tháng 4 vừa qua nhiều khả năng bị xô ngã. Lý do là lãi suất ngân hàng (NH) vẫn duy trì ở mức thấp và người dân có xu hướng rút tiền để tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lời cao hơn.
Thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ ký quỹ/vốn chủ sở hữu đạt đỉnh theo số liệu của FiinPro trong vòng 3 năm là 93%. Ngoài ra, việc một vài CTCK gần đạt đến ngưỡng tối đa của tỷ lệ này, đã phần nào giới hạn việc tăng lượng cho vay ký quỹ trên thị trường.
Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của CTCK, tức không được vượt quá 2 lần.
Ngoài yếu tố này, theo CTCK Rồng Việt (VDSC), việc giá trị giao dịch ký quỹ giảm mạnh từ quý III-2020 (hiện chỉ chiếm 13% tổng giá trị giao dịch), cho thấy dòng “tiền tươi” từ người dân vẫn đóng vai trò chủ đạo và sẽ là “bà đỡ” cho thị trường tránh những phiên lao dốc do khối ngoại và tổ chức lớn bán ròng.
Margin sẽ trở lại
Margin sẽ trở lại
Các khoản cho vay margin đều được đảm bảo bằng giá trị CP nên việc dự phòng cho khoản vay này ở mức thấp, trong khi lợi nhuận rất cao. Đây là động lực để các CTCK không ngần ngại đẩy mạnh các hoạt động cho vay margin. |
Trong khi NĐTNN và NĐT tổ chức thường có xu hướng chọn những mã CP trong nhóm VN30. Đây mới chính là những mã CP có tác động dẫn dắt thị trường.
Đơn cử là tuần giao dịch giữa tháng 5, VN Index tăng 24,55 điểm (tương đương 1,98%) với sự trợ giúp mạnh từ 3 mã MSN, VPB và CTG. Theo thống kê, 3 mã CP này đóng góp cho VN Index lần lượt là 4,09 điểm, 3,33 điểm và 3,17 điểm.
Dòng tiền margin dù thống kê với những con số giảm, nhưng tác động của dòng tiền này với thị trường là cực kỳ quan trọng. Thực tế, dòng vốn từ NĐT cá nhân chỉ có thể giúp cho VN Index không giảm sâu, trong khi dòng tiền margin mới chính là động lực để chỉ số này bứt phá.
Như đã nhắc ở trên, tỷ lệ vốn margin giảm là do nhiều CTCK đã chạm ngưỡng tối đa theo quy định, trong khi thực tế nhu cầu sử dụng margin vẫn rất lớn. Đây là lý do nhiều CTCK dù chưa chạm ngưỡng cũng lao vào cuộc đua tăng vốn nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay ký quỹ. Với cuộc đua này, dự báo dòng vốn margin chắc chắn sẽ gia tăng trở lại trong thời gian tới, chậm nhất là trong quý III.
Nhà băng là nguồn tài trợ vốn chính
Nhà băng là nguồn tài trợ vốn chính
Hiện nguồn tài trợ cho vay của các CTCK ngoài vốn chủ sở hữu, phần còn lại đến chủ yếu từ nguồn vốn vay bao gồm vay các NH hay phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn.
Theo số liệu thống kê từ NHNN, đến hết quý I, dư nợ lĩnh vực CK đạt 45.326 tỷ đồng, tương đương thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ CK ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu 96,21%. Dư nợ tập trung chủ yếu ở một số tổ chức tín dụng như Vietcombank (chiếm 25,75% tổng dư nợ CK toàn hệ thống), BIDV (chiếm 13,47%), Techcombank (chiếm 12,46%), TPBank (chiếm 8,91%), VIB (chiếm 5,25%), Vietinbank (chiếm 4,25%), MSB (chiếm 4,16%).
Các tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng là những đơn vị tài chính vốn lớn cho các CTCK như: Wooribank, Indovinabank, Shinhan Việt Nam, KB Kookmin Bank, Korea Investment Holding Co.Ltd, Maybank Kimeng Holding Limited.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng nợ vay của 20 CTCK lớn nhất thị trường phần lớn đến từ vốn vay NH là 92.619 tỷ đồng (tăng 27,2% so với con số vay đầu năm 2021). Trong đó, CTCK Sài Gòn (SSI) dẫn đầu với tổng dư nợ là 24.227 tỷ đồng, tiếp theo là CTCK VNDirect (VND) 11.556 tỷ đồng, CTCK Mirae Asset (MAS) 8.829 tỷ đồng, CTCK TPHCM (HSC) 8.447 tỷ đồng, CTCK VPBank (VPS) 6.834 tỷ đồng.
Ngoài vốn vay NH, các CTCK thường bổ sung vốn cho hoạt động bằng cách tăng vốn chủ sở hữu dựa trên lợi nhuận tích lũy từ kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận tích lũy không thể tăng nhanh bởi phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh định kỳ nên nhiều CTCK có xu hướng chào bán CP tăng vốn điều lệ.
Kế hoạch tăng vốn được rất nhiều CTCK áp dụng ở thời điểm hiện tại. Đơn cử là SSI có tờ trình tại ĐHCĐ thường niên 2021 về việc phát hành 219,69 triệu CP tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, SSI sẽ có quy mô vốn tương đương một số NH như TPBank, LienVietPostBank, VIB, OCB.
Tương tự, VND có kế hoạch phát hành hơn 214,51 triệu CP chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 1:1. Dự kiến, VND sẽ thu về hơn 3.110 tỷ đồng từ đợt phát hành này và tăng vốn lên gấp đôi hơn 6.200 tỷ đồng.