NH chiếm lĩnh giá trị phát hành
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến ngày 22-12-2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận 273.868 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 9,9% tổng giá trị phát hành) và 255 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 246.798 tỷ đồng (chiếm 90,1% tổng số).
Trong đó NH là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, với khoảng 138.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51% so với tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Đặc biệt, các NH có xu hướng đẩy mạnh phát hành TPDN trong thời điểm cuối năm 2023. Từ đầu tháng 12 đến ngày 22-12-2023, nhóm NH đã phát hành riêng lẻ với giá trị lên đến 13.281 tỷ đồng, chiếm 79% giá trị phát hành trong tháng.
Cụ thể, TPBank là NH phát hành giá trị lớn nhất trong tháng 12-2023 với 6.298 tỷ đồng, trong đó 3.000 tỷ đồng TP lãi suất 5,8%/năm và 3.298,1 tỷ đồng phát hành với lãi suất 7,03%/năm, thời hạn 2-10 năm. Cộng với 11 đợt huy động thành công trong tháng 11-2023, tổng số tiền huy động được từ TP trong 2 tháng qua của NH này hơn 7.200 tỷ đồng.
OCB đã phát hành thành công lô TP trị giá 2.000 tỷ đồng vào ngày 14-12-2023, nâng tổng số TP huy động lên 17.350 tỷ đồng. ABBank cũng huy động thành công 1.500 tỷ đồng TP trong tháng 12-2023. Tính từ đầu năm 2023 NH này đã phát hành thành công 8 đợt TP với mệnh giá chung là 1 tỷ đồng, và huy động tổng cộng hơn 8.800 tỷ đồng.
Việc các NH phát hành TP ồ ạt không giúp nhiều cho nền kinh tế. Đây chỉ là cách các nhà băng tăng trưởng ảo. Khi NH này mua TP của các NH khác, rồi các NH khác cũng mua TP của họ, sẽ đẩy tài sản của các NH lên và tạo ra doanh thu nhờ hoạt động này, nhưng không mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU
Tương tự, Techcombank qua 8 đợt phát hành trong năm 2023 đã huy động tổng cộng 19.500 tỷ đồng TP. LPB cũng đã công bố thông tin phát hành 8.000 tỷ đồng TP riêng lẻ ra thị trường trong tháng 12-2023 và trước đó đã huy động được 4.200 tỷ đồng từ TP riêng lẻ.
Như vậy, nhóm NH vẫn là “đốm lửa sáng” trên bức tranh ảm đạm của thị trường TPDN năm 2023. Nhóm ngành bất động sản tuy vẫn xếp vị trí thứ hai nhưng ở khoảng cách khá xa, khi chỉ huy động thành công đạt 77.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.
Tấp nập mua bán để làm gì?
Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 9-2023 đã có 13 tháng liên tục tiền tiết kiệm của người dân gửi vào NH ghi nhận tăng và đã đạt mức 6,44 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng chậm khiến Chính phủ sốt ruột, thúc NHNN phải có giải pháp để đẩy vốn ra nền kinh tế.
Vốn bị đọng lẽ dĩ nhiên NH mua lại TP trước hạn nếu nhà đầu tư có nhu cầu. Cùng lúc NH tiếp tục phát hành TP huy động vốn. So với cùng kỳ năm 2022, tổng giá trị phát hành TP của nhóm NH năm 2023 đã tăng 1%, dù thị trường TPDN gặp khó khăn. Nghe qua có vẻ nghịch lý?
Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, các nhà băng chạy đua trên thị trường TP vì theo quy định tại Thông tư 08/2020 của NHNN, tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH từ mức 34% giảm xuống mức 30% từ ngày 1-10-2023. Theo đó, các NH phải tăng phát hành TP để tăng phần vốn huy động trung và dài hạn.
Hiện áp lực với các NH trong vấn đề này khá lớn. Theo thống kê của NHNN đến cuối tháng 10-2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhóm NHTM có vốn nhà nước 25,14%, thấp hơn so với trần quy định. Song nhóm NHTMCP khá gay go khi tỷ lệ này ở mức 37,82%, cao hơn rất nhiều so với quy định.
Nói chung, áp lực huy động vốn trung và dài hạn có vẻ đang đè nặng lên vai các nhà băng. Bởi lãi suất huy động đang đà giảm, tâm lý người dân có xu hướng tái tục tiền gửi kỳ hạn ngắn để ngóng chờ lãi suất tăng, trong khi một bộ phận khác đang tìm hướng đầu tư mới sinh lời cao hơn. Dù vậy, vốn thu được từ lượng TP phát hành vừa bổ sung vốn trung, dài hạn, vừa có thể bổ sung vốn cấp 2.
Năm 2023, tổng cộng khoảng 227.000 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 1% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành NH vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 49% tổng giá trị mua lại, nhóm bất động sản chiếm 14% và nhóm xây dựng chiếm 13%.
Việc các NH mua lại TP đã phát hành không giống 2 nhóm còn lại. Họ cấp tập mua lại để cơ cấu lại lãi suất, bởi các lô TP phát hành mấy năm trước có lãi suất khá cao.
Mặt khác, theo quy định, tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa bằng 100% giá trị vốn cấp 1. Nhưng nếu các TP đang hiện hữu không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, bắt đầu từ năm thứ 5 cho đến khi tới hạn thanh toán, giá trị nợ TP được tính vào vốn cấp 2 sẽ bị khấu trừ 20% tổng mệnh giá.
Vậy nên, mua lại TP trước hạn sẽ tạo dư địa phát hành TP mới, nhằm tăng giá trị được tính vào vốn tự có cấp 2 nhiều hơn, từ đó gia cố hệ số an toàn vốn. Bởi hiện nay, các NH đang đối mặt với nhiều khó khăn, như thu nhập kém và chất lượng tài sản tiếp tục xấu, có thể ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn trong tương lai.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định các NH đang ồ ạt phát hành TPDN có thể nói là kế hoạch tài chính, khi số tiền gửi hiện tại quá nhiều nhưng họ không cho vay được.
"Với tình hình đó, các NH phát hành và có thể mua TP của các NH khác vì TP của các NH rất an toàn. Nói cách khác, trong bối cảnh không cho vay ra nền kinh tế được, các NH có thể đang cho vay lẫn nhau qua TP", TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.