Trong khi đó, nghịch lý là nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN bất động sản (BĐS) rất cần vốn để đầu tư “cầm cự” các dự án lại không dễ vay. Để bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Thưa tiến sĩ, từ tháng 5 đến hết năm 2023, đã có 18 văn bản, các cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh mục tiêu khơi thông dòng vốn để tăng trưởng tín dụng, kéo theo tăng trưởng nền kinh tế, trong đó chủ yếu vẫn muốn vốn chảy vào BĐS, vì đây là nơi dòng vốn có thể là hấp thụ nhiều nhất. Vậy vì sao dòng vốn vẫn tắc?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Ở đây tôi không bàn đến các giải pháp thúc đẩy tín dụng từ phía các chính sách điều hành, mà sẽ phân tích vì sao DN BĐS cần vốn mà NH không cho vay. Thực ra ở đây cả NH và DN BĐS đều là “cao thủ vờn nhau”.
Chúng ta nói nhiều đến giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, như giảm lãi suất, bơm tiền, mở rộng hệ số rủi ro… để cho các công ty BĐS dễ dàng tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, nói thì dễ còn thực thi không dễ, và tại các hội nghị có sự tranh cãi giữa hai bên.
Phía NH đòi chủ DN phải có tình hình tài chính tốt, phía DN BĐS đề nghị NH phải cho vay dễ dàng hơn. Ở góc nhìn tài chính của DN BĐS, tôi có thể lấy một thí dụ đơn giản: Trước đây khi thị trường BĐS sôi động và “dễ kiếm ăn”, chủ DN BĐS bỏ ra 1 tỷ đồng và được NH cho vay thêm 1 tỷ đồng để đi mua một tài sản là một dự án giá 2 tỷ đồng.
Thời điểm này giá trị của dự án là 4 tỷ đồng, đương nhiên lợi ích là của DN BĐS. Nhưng nay, khi thị trường BĐS “đứng hình”, giá trị của dự án chỉ còn lại 500 triệu đồng, đương nhiên DN BĐS không còn đồng nào, bởi 500 triệu đồng còn chưa đủ trả nợ NH.
Câu chuyện lúc này là DN BĐS đề nghị NH phải cho vay tiếp để thực hiện dự án, vì khi hoàn thành dự án mới có cơ may làm cho dự án đó tăng giá trị trở lại, DN có lãi thì NH không bị mất vốn. Tuy nhiên, một “cao thủ” như NH cũng không kém phần, bởi bỏ thêm vốn càng thêm rủi ro, và họ đề nghị nếu chủ DN bỏ thêm vốn thì NH giải ngân cho vay tiếp.
Điều đó dễ hiểu khi nhìn thấy hai “cao thủ” đã vờn nhau trong một khoảng thời gian hơn nửa năm qua, và nhiều cuộc họp đã không đi đến sự đồng thuận này.
- Như vậy theo tiến sĩ giải pháp nào để trung hòa DN và NH tiếp tục vực dậy dự án, vực dậy thị trường BĐS?
- Xét ở góc độ NH, họ yêu cầu người chủ DN là chủ dự án phải tăng vốn là không sai nhằm chia sẻ rủi ro nếu có, lúc đó NH mới có cơ sở tiếp tục cho vay. Tuy nhiên, phía DN tính toán nếu giả sử bỏ thêm 1 tỷ đồng nữa thì giá trị của tài sản này vẫn chỉ là 1,5 tỷ đồng, cũng chỉ đảm bảo cho chủ nợ trong khoản nợ 1 tỷ đồng, và họ không chấp nhận cuộc chơi này. Trong chuyên môn gọi là từ chối góp vốn cổ phần.
Có lẽ giải pháp tăng trưởng tín dụng không thể từ sự chỉ đạo của Chính phủ hay là chính sách của NHNN. Vấn đề ở đây chính là trách nhiệm của chủ DN và đặc biệt là chủ DN BĐS. Nếu không mô hình NH 0 đồng có thể quay trở lại, đó là DN 0 đồng.
Xét ở góc độ DN, khi một người chủ không còn giá trị vốn trong công ty, về mặt nguyên tắc tài sản này thuộc về chủ nợ. Tức 500 triệu đồng còn lại của dự án thuộc về NH. Lúc này nếu có bơm thêm vốn cũng chỉ gánh nợ xấu cho NH.
Do vậy họ buộc NH phải tự cứu lấy mình và đã làm cho việc giải ngân thêm cho các dự án trở nên bế tắc hơn. Việc để DN và NH trung hòa cùng vượt qua cần một giải pháp mang tính pháp lý mạnh tay hơn.
- Thưa TS, hiện rất nhiều chủ DN BĐS (không tiện nêu tên) nói khó khăn, phá sản, nhưng nguồn vốn của họ, nguồn vốn trong gia đình của họ rất lớn. Trong khi một số nước khi gặp vấn đề này sẽ truy xuất DN bắt buộc bằng mọi giá phải lấy vốn từ gia đình của họ để bổ sung thì NH mới cho vay nhằm cứu dự án. Quan điểm của tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
- Có thể hình dung đó là câu chuyện mà người chủ DN nghĩ rằng trách nhiệm của họ giới hạn trên vốn góp đối với nghĩa vụ nợ. Cho nên trong thời gian vay nợ một cách dễ dàng, họ đã gia tăng việc đầu tư nắm giữ tài sản. Bởi giá trị tài sản này càng gia tăng thì lợi ích thuộc về các cổ đông DN chứ không thuộc về chủ nợ.
Trong thí dụ vừa rồi chúng ta đã nói, khi thị trường BĐS lao dốc, giá trị của tài sản này chỉ còn lại 500 triệu đồng, trong khi nghĩa vụ nợ là 1 tỷ đồng thì rủi ro lúc này thuộc về chủ nợ. Và đúng là hiện một số nước dùng trách nhiệm hình sự để yêu cầu người chủ DN dạng này phải tăng vốn để đảm bảo hoạt động cho chủ nợ.
Còn ở Việt Nam, NH chỉ còn một việc là yêu cầu tuyên bố phá sản DN vay (nhưng không dễ), hoặc chứng minh được trong quản lý DN này vi phạm các quy định của pháp luật. Lúc đó mới có thể thực hiện quyền truy hồi các tài sản riêng trong gia đình hay cá nhân người chủ đó nằm ở ngoài để bổ sung vào DN.
Do vậy, theo tôi một cách thiện chí các chủ DN BĐS nên nghĩ đến một giải pháp, đó là xử lý các tài sản riêng cá nhân trong và ngoài nước để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ. Thời gian vừa qua đủ dài để cho những người chủ DN và NH ngồi lại tìm ra một giải pháp. Không thể chủ DN viện cớ vào trách nhiệm hữu hạn theo Luật DN, để rồi giao tất cả các tài sản của DN cho chủ nợ xử lý.
- Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện này.