Các năm qua, hệ thống NH Việt Nam cũng cho thấy nỗ lực cải thiện tỷ lệ này, song nếu so với quốc tế vẫn còn cách xa. Bởi hệ thống NH các nước đang tiến đến Basel IV thì NH Việt vẫn phải loay hoay với Basel II.
Xoay quần với Basel II
Tăng vốn điều lệ (VĐL) gần như là trọng tâm hoạt động của các NH thương mại (NHTM) trong nhiều năm qua. Nghị định 141/2006 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của các NH tại Việt Nam 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thông tư 41/2016 của NHNN yêu cầu các NH phải hoàn thành chuẩn mực Basel II và duy trì CAR ở mức 8%. Còn trong Thông tư 13/2018 của NHNN, để hoàn thiện cả 3 trụ cột trong Basel II, các NH phải tuân thủ quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, trong đó có các yêu cầu về quản lý rủi ro, sức chịu đựng về vốn trong kịch bản bất lợi.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho biết trong những năm 2006-2010, để tuân thủ Nghị định 141/2006, một số NH đã sử dụng biện pháp sở hữu chéo bằng các nghiệp vụ tài chính làm tăng vốn ảo. Sau này, để tuân thủ chuẩn mực Basel theo Thông tư 41/2016 và Thông tư 13/2018, một số NH cũng tìm cách lách qua việc phát hành và đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau nhằm tăng vốn cấp 2.
Để tránh tình trạng này, giữa tháng 11-2019, NHNN ban hành Thông tư 22/2019, giãn thời hạn cho đến ngày 1-12-2023 đối với các NH chưa đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ CAR theo Thông tư 41/2016. Theo đó, trong hệ thống NH đang có nhóm áp dụng Thông tư 41/2016 (tiêu chuẩn của Basel II) và nhóm khác áp dụng Thông tư 22/2019.
Những khác biệt đó cộng với đặc thù hoạt động riêng của từng NH, dẫn đến tỷ lệ CAR giữa các nhóm NH có sự chênh lệch khá lớn. Số liệu của NHNN cho thấy đến cuối tháng 8, nhóm NH áp dụng Thông tư 41/2016 có tỷ lệ CAR bình quân 11,58%. Trong đó, các NHTM có vốn nhà nước đạt 9,64%; các NHTM cổ phần đạt mức 11,55%.
Theo công bố trên báo cáo kết quả kinh doanh gần đây, cho đến thời điểm này tỷ lệ CAR dẫn đầu ngành NH là 15% thuộc về Techcombank. Ngoài ra, một vài NH cũng có tỷ lệ CAR trên 12% như VPBank, HDBank, TPBank, ACB, VIB, MB. Riêng nhóm NHTM cổ phần đang áp dụng Thông tư 22/2019 với tỷ lệ CAR 9,18%.
Đáng chú ý, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, đã đưa ra mục tiêu quan trọng là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các NHTM nhà nước nắm cổ phần chi phối, và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ CAR của các NH đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%. Nếu so với mức này, thực chất các nhà băng nội đang mỏng vốn, nên việc gia cố “bộ đệm” CAR vẫn luôn thường trực.
Vốn mỏng nên nợ xấu luôn thường trực
Hệ số CAR tại các NH Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong vài năm gần đây, nhưng so với bên NH ngoại NH nội còn thua xa. Chẳng hạn, tỷ lệ CAR theo Thông tư 41/2016 của nhóm NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cuối tháng 8 là 20,81%, gần gấp đôi mức bình quân của các NH nội.
Không chỉ áp lực về tiêu chuẩn, các NH Việt còn buộc phải tăng thêm vốn để ứng phó với thách thức nợ xấu. Số liệu được NHNN công bố, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2% hồi đầu năm lên 3,56% đến cuối tháng 7. Tương ứng số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 hơn 440.000 tỷ đồng. Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống, tỷ lệ nợ xấu 6,16%, tương đương 768.000 tỷ đồng.
Nếu nợ xấu vẫn tăng mạnh, NH trích lập dự phòng đúng và đủ có thể bị lỗ. Khi xảy ra trường hợp đó, phần lỗ sẽ trừ vào vốn chủ sở hữu, từ đó làm giảm tỷ lệ CAR. Những sự thay đổi về hệ số CAR trong hoạt động kinh doanh sẽ tỷ lệ nghịch tới khả năng mở rộng tín dụng của các NH. Cụ thể, NH có tỷ lệ CAR cao sẽ được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao, ngược lại NH phải tăng vốn để ứng phó với rủi ro đó. Áp lực bủa vây nên nhiều NH trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tổng kết kế hoạch chia cổ tức của 28 NH công bố hồi đầu năm cho thấy VĐL dự kiến tăng thêm trong năm 2023 hơn 163.000 tỷ đồng, tương đương tăng 26,7%.
Hiện một số nhà băng cũng cải thiện tỷ lệ CAR thông qua đẩy mạnh mua bán và sáp nhập (M&A). Đơn cử, VPBank bán 15% cổ phần cho NH Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản, thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ; LPBank dự kiến phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ; SeABank có kế hoạch phát hành thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% cho nhà đầu tư nước ngoài; SHB đang đàm phán bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; Vietcombank cũng tiết lộ đang lựa chọn cổ đông nước ngoài cho kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% VĐL, dự kiến trong 2023-2024…
Có thể thấy, nỗ lực tăng vốn để gia cố bộ đệm dự phòng đang là vấn đề chung của các NH Việt Nam. Áp lực đang tập trung vào những NH cổ phần quy mô nhỏ có tỷ lệ CAR thấp, đặc biệt là nhóm NH đang áp dụng Thông tư 22/2019, vì cuối năm nay sẽ hết hạn giãn thời gian thực hiện Thông tư 41/2016, trong khi tình hình kinh doanh năm nay có nhiều yếu tố không thuận lợi.
Bên cạnh đó, 4 NH có vốn nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank cũng căng thẳng vì mỗi lần tăng vốn phải trình Chính phủ và Quốc hội. Trong khi đó, tỷ lệ CAR của nhóm này chỉ nhỉnh hơn một chút so với yêu cầu, điều này dễ ảnh hưởng tới khả năng cung ứng tín dụng cũng như khó duy trì vị thế chủ đạo trong hệ thống các TCTD.
Nỗ lực tăng vốn để gia cố bộ đệm dự phòng đang là vấn đề chung của các NH Việt Nam. Vì sau khi đáp ứng các trụ cột của Basel II, các NH phải tiến đến Basel III, trong khi thế giới đã nói đến Basel IV.