Dấu hiệu sở hữu chéo TP?
Trong báo cáo thị trường TPDN Việt Nam 8 tháng 2019 công bố mới đây, CTCP Chứng khoán SSI nêu nhiều con số liên quan đến hoạt động đầu tư TPDN của các NHTM.
Theo báo cáo, căn cứ thông tin phát hành riêng lẻ trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và công bố thông tin của các DN, ước tính 8 tháng qua, tổng lượng chào bán 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên khoảng 10,2% GDP.
Chủ thể phát hành lớn nhất là các NHTM, với tổng giá trị phát hành 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%). Tiếp đó là DN BĐS phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%); DN phát triển hạ tầng 9.207 tỷ đồng (chiếm 7,9%); các định chế tài chính phi NH 4.423 tỷ đồng (chiếm 3,8%); còn lại là các DN khác.
SSI nhận định, trong 8 tháng 2019, BĐS là lĩnh vực tham gia chào bán TPDN đông đảo nhất với 44 DN, tổng lượng chào bán 47.804 tỷ đồng nhưng chỉ có 36.946 tỷ đồng được phát hành, dư bán 10.858 tỷ đồng. Trong tổng số TPDN BĐS được phát hành có 7.410 tỷ đồng (20,1%) được mua bởi các NHTM, 3.250 tỷ đồng (8,8%) được mua bởi các công ty chứng khoán và 22.664 tỷ đồng (61,5%) do nhà đầu tư (NĐT) trong nước mua.
Cũng theo SSI, BCTC bán niên 2019 của 18 NH niêm yết, lượng TP của các tổ chức tín dụng (TCTD) do NH nắm giữ tăng thêm 56.400 tỷ đồng, tương đồng lượng TP các NH đã phát hành. Với lãi suất trung bình 6,72%/năm, tương đương lãi suất huy động của các NH lớn; TP của các NH hầu hết không hấp dẫn NĐT thông thường.
Đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán, nên rất có thể các NH đã sở hữu chéo TP của nhau. Mục đích nhằm gia tăng nguồn huy động, nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN.
Tiềm ẩn rủi ro
Tiềm ẩn rủi ro
Cuối tháng 8 vừa qua, trong bối cảnh TPDN được phát hành ngày càng nhiều và lãi suất nóng lên, NHNN đã có công văn gửi các NHTM yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN.
Theo đó, hoạt động đầu tư TPDN của các NH tiềm ẩn rủi ro, khi một số NH có số dư đầu tư TPDN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Đặc biệt, số dư đầu tư TP vào xây dựng, BĐS lớn khi thị trường BĐS chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vẫn còn nhiều khó khăn. Một số NH đầu tư TP với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát.
Như vậy, việc các NHTM mua TPDN đang là vấn đề đáng lưu tâm đối với cơ quan quản lý. Bởi NHNN đã có thông tư quy định việc này, nay phải có công văn nhắc lại.
Cụ thể, năm 2018 NHNN đã ban hành Thông tư 15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2016, yêu cầu TCTD có những quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua TPDN, đặc biệt là TP phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; mua TPDN có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của DN.
NH có đi ngược định hướng?
NH có đi ngược định hướng?
Theo một chuyên gia kinh tế, vai trò của hệ thống NH tập trung lo các dòng vốn ngắn hạn của nền kinh tế, những dòng vốn trung và dài hạn dựa vào thị trường vốn. Nhưng ở Việt Nam hệ thống NH vẫn đảm đương phần lớn nhu cầu vốn trung hạn và dài hạn, bên cạnh việc đáp ứng vốn ngắn hạn của nền kinh tế.
Hệ thống NH Việt Nam lại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nên mới có việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Nghịch lý này khiến các NH phải dần hạ thấp tỷ lệ cho vay trung và dài hạn, đồng thời phát hành TP để huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nếu 1-2 năm trước các chuyên gia đã cảnh báo việc NH đổ vào BĐS thông qua tín dụng tiêu dùng, nay với tỷ lệ nắm giữ 20,1% tổng lượng TPDN do các công ty BĐS phát hành trong 8 tháng 2019, giới chuyên gia cũng lưu ý việc dòng vốn NH đổ vào kênh BĐS thể hiện dưới hình thức TPDN. Hiện mức lãi suất TP bình quân của nhóm NH 6,75%/năm, nhưng bình quân các nhóm TPDN 9,72%/năm, trong đó cao nhất là lãi suất TP của các DN BĐS 10,01%/năm và chủ yếu là thả nổi.
BĐS là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nhiều NH vẫn tích cực rót vốn vào các danh mục này trong bối cảnh siết vốn NH vào BĐS, cho thấy các NH chưa có sự tuân thủ đúng mức các quy định và đi ngược chủ trương của cơ quan quản lý.
Vấn đề đáng lưu ý nữa, hiện NH mua TP của các TCTD khác vẫn đảm bảo độ an toàn cao hơn so với TPDN thông thường và mức sinh lời cao hơn TP chính phủ. Song diễn biến này lại tạo ra liên kết hệ thống giữa các NH như một cách cho vay hoặc đầu tư lẫn nhau. Những liên kết như vậy sẽ khiến hệ thống NH dễ bị tổn thương nếu có biến động xảy ra.
Câu chuyện này tiếp tục đặt ra những vấn đề về thị trường tài chính Việt Nam. Có thể thấy dù đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng trên thị trường tài chính vai trò của hệ thống NH vẫn không giảm, các nhà băng vẫn chuộng đổ vốn trung và dài hạn vào những lĩnh vực được cảnh báo, cũng như đầu tư lẫn nhau để tìm kiếm lợi nhuận cao, bất chấp nhiều rủi ro có thể xảy ra.