Tận dụng thông tin
Lâu nay một trong các nguyên nhân khiến giá nhà, đất tại khu vực cụ thể nào đó tăng giá là các công trình hạ tầng giao thông được đầu tư, hoàn thiện đưa vào sử dụng; quy hoạch, thực hiện quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội như bệnh viện, trung tâm thương mại; nâng cấp đơn vị hành chính… Do đó khi có thông tin thành lập TP Thủ Đức, giá nhà đất khu vực này tăng lên cũng là điều dễ hiểu.
Tại những dự án phân lô bán nền trên một số đường ở quận 9 như Lò Lu, Nguyễn Duy Trinh… cách đây chừng 1 năm mức giá dao động trên dưới 25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi có thông tin về TP mới tại khu vực này, mức giá đã được đẩy lên trên dưới 50 triệu đồng/m2. Cuối năm 2019, giá đất diện tích nhỏ khu vực đường Đỗ Xuân Hợp và đường Liên Phường (quận 9) khoảng 80-90 triệu đồng/m2. Thời điểm này, mặt bằng giá chung đã tăng khoảng 10-20 triệu đồng/m2, lên 90-110 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Đặc biệt hiện nay có nhiều thửa đất nông nghiệp tại quận 9 đã nằm trong quy hoạch, nhưng khi chủ đất nghe tin lên TP Thủ Đức đã tung ra các cò rao bán bằng giấy tay từ 1,5 triệu đồng/m2 (tùy khu đất). Trong khi đó người mua bất chấp vẫn lao vào với mong muốn nếu lên TP thì được bồi thường giá cao.
Giá đất các khu vực quận 2 vốn đã có mức sàn rất cao, nay còn nhích nhẹ so với năm 2019 khoảng 10 triệu đồng/m2. Giá đất trên tuyến đường Song Hành hiện khoảng 250-350 triệu đồng/m2, đường Trần Não 300-380 triệu đồng/m2… Tại nhiều tuyến đường ở quận Thủ Đức, mức giá cũng tăng nhiều. Anh Lâm, giám đốc sàn môi giới trên đường Linh Đông (Thủ Đức), cho biết một số tuyến đường của quận như Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Linh Đông so với đầu năm giá đất đã tăng lên 30%. “Tuy nhiên giao dịch thành công không nhiều, tâm lý người bán thấy thông tin mới đưa giá lên còn việc thanh khoản như thế nào tính sau. Chỉ những người thật sự cần tiền, cần bán mới cân nhắc mức giá kỹ hơn” - anh Lâm chia sẻ.
Cũng cần nói thêm, một trong những nguyên nhân giá nhà đất khu vực này tăng nhanh thời gian qua do nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư, hoàn thiện đưa vào sử dụng. Ngoài ra, việc khan hiếm nguồn cung chưa thể giải quyết được ngay, nên giá BĐS khu vực phía Đông TP nhiều khả năng tiếp tục thiết lập mặt bằng mới. Thống kê từ Sở Xây dựng TP cho biết, từ đầu năm đến nay số lượng dự án nhà ở được phép huy động vốn tại TPHCM 16 dự án, toàn TP chỉ có 5.500 căn hộ được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, trong 2 năm trở lại đây, các chủ đầu tư phần lớn triển khai dự án mới tại khu Đông, nhưng do tắc nghẽn về mặt pháp lý từ năm 2018, đã khiến nguồn cung nhà sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã góp phần đẩy giá bán sản phẩm lên cao.
Cần một thị trường bền vững
Cần một thị trường bền vững
Theo nhiều chuyên gia, việc các chủ đầu tư, nhà môi giới tranh thủ thông tin về TP phía Đông để đẩy giá nhà đất lên quá cao so với giá trị thật, là không có lợi cho sự phát triển chung của TP, đặc biệt là người dân có nhu cầu thật về nhà ở. TP Thủ Đức mới chỉ là đề án còn phải trình qua rất nhiều bộ, ngành Trung ương, nếu được thông qua từ đó mới có lộ trình phát triển cụ thể. Trong khi đó, giá đất đẩy lên quá cao sẽ làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực này trong tương lai gặp nhiều khó khăn, nhà cho người thu nhập thấp càng khó khăn hơn.
Nhận định về mức giá hiện tại, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho rằng BĐS khu Đông TP đang có giá rất cao. Nhiều dự án căn hộ sau khi mở bán trong vòng 12-18 tháng đã tăng giá gấp đôi, dù chưa giao nhà và chất lượng nhà có thể không tương xứng với mức giá đó. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư chỉ đu theo những thông tin chưa biết tính hiện thực như thế nào để mua giá nhà, đất quá cao, là điều hết sức rủi ro. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corp, cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế ở khu vực TPHCM, còn là yếu tố kích thích phát triển thị trường và các sản phẩm BĐS tại khu vực này. Chính vì vậy, rất cần những sản phẩm BĐS có giá trị và phẩm chất phù hợp với những kỳ vọng và viễn cảnh tương lai của TP tương lai.
“Thành lập TP sáng tạo là cơ hội để chúng ta triển khai áp dụng những chiến lược phát triển đô thị bền vững, những công nghệ thân thiện và bền vững với môi trường và cộng đồng. Xây dựng Công trình xanh là một trong những chiến lược và công nghệ đó. Vì thế, giá nhà đất khu vực này phải phát triển bền vững, tương xứng với chất lượng của dự án, tránh tình trạng thổi giá quá cao sẽ làm một bộ phận nhỏ hưởng lợi, trong khi Nhà nước, doanh nghiệp hay khách hàng không được lợi còn chịu thêm nhiêu khó khăn, áp lực” - bà Thanh Mẫu chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, lộ trình phát triển của TP phía Đông như thế nào còn rất nhiều vấn đề, nhưng đích đến cuối cùng là sau này chúng ta nói được rằng, nơi chúng ta tạm gọi là TP Thủ Đức phải là nơi rất đáng sống, chất lượng sống rất cao, môi trường sống thân thiện, năng suất lao động cao và nơi có thể đóng góp thực sự cho nền kinh tế cả nước, như vậy chúng ta sẽ thành công. Còn nếu chúng ta nói toàn những lời mỹ miều trong khi cuối cùng kết quả không ra gì cũng trở thành vô ích, thậm chí có hại bởi vì chúng ta sẽ tốn rất nhiều công sức. Chính vì vậy để có TP như kỳ vọng cần nhiều yếu tố, không chỉ giá đất tăng cao.
Bài học của các nhà đầu tư ôm đất tại Bà Rịa hay Long An vẫn còn nóng hổi. Họ đã đón đầu ăn theo các ông lớn và vỡ mộng khi các ông lớn tuyên bố không tiếp tục đầu tư tại các khu vực này, khiến họ lâm vào tình thế khó khăn. |