VN-Index tiếp tục vượt đỉnh
Sự hồi phục ngoạn mục của chứng khoán Mỹ đã tác động tích cực đến thị trường khu vực châu Á sáng 22/6 và chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chỉ sau ít phút của phiên mở cửa, VN-Index đạt mức hơn 8 điểm nhờ hàng loạt cổ phiếu bật tăng mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Mặc dù sự rung lắc có xảy ra do áp lực chốt lời của một số nhà đầu tư, nhưng điều đó chưa đủ để một lần kéo chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu. VN-Index giữ được sắc xanh và thời điểm cao nhất ghi nhận được là đầu phiên chiều tại 1.385,98 điểm.
Tuy nhiên, càng về cuối phiên chiều, thị trường dần hạ nhiệt và đà tăng so với mức đỉnh đạt được trong phiên đã giảm đi đáng kể. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, VN-Index tăng 7,34 điểm lên mốc 1.379,97 điểm.
Thị trường tăng điểm trong toàn bộ thời gian phiên 22/6 nhưng áp lực bán gia tăng trong phiên chiều đã thu hẹp mức tăng của các chỉ số. Nhóm ngân hàng nhìn chung có phiên giao dịch khá tốt với hàng loạt mã tăng giá như: ACB (+2,6%), CTG (+3,2%), MBB (+3,3%), SHB (+1,1%), STB (+1,2%), VCB (+0,9%), VIB (+0,4%), LPB (+2,1%), TCB (+2,6%)…
Nhóm dầu khí là tâm điểm khi thu hút dòng tiền trong phiên 22/6 với nhiều mã tăng mạnh như GAS (+2%), PVS (+0,3%), PVD (+2,6%), PVB (+4,2%), PXS (+3,4%)… Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, thép nhìn chung giao dịch khá giằng co với sắc đỏ chiếm ưu thế.
Thị trường sẽ tiếp tục giao dịch giằng co tại vùng giá hiện tại
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng trở lại trong phiên 22/6 với thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn cả mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên trong phiên này là không thực sự tốt.
Hai phiên liên tiếp chỉ số đóng cửa với cây nến đỏ mẫu hình con xoay (spinning top) cho thấy diễn biến giằng co giữa bên mua và bên bán tại vùng giá hiện tại.
“Trên góc độ sóng elliot, dư địa của sóng tăng 5 là vẫn còn với kháng cự quanh ngưỡng 1.400 điểm. Với việc thanh khoản suy giảm nhưng VN-Index vẫn nằm trên ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.350 điểm (MA20) thì xu hướng hiện tại được đánh giá ở mức trung tính. Do đó, trong phiên giao dịch hôm nay 23/6, thị trường có thể sẽ tiếp tục giao dịch giằng co tại vùng giá hiện tại”, chuyên gia của SHS nhận định, đồng thời khuyến nghị, nhà đầu tư đã chốt lời danh mục cổ phiếu trong tuần trước nên hạn chế mua đuổi ở vùng giá hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại.
“Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua thêm mà nên tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần này để chốt lời dần các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng”, chuyên gia của SHS khuyến nghị.
Còn theo ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index tăng điểm nhẹ và hình thành cây nến “spinning top” thứ 2 liên tiếp ở sát trên vùng đỉnh cũ 1.374 điểm. Thanh khoản giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong khi độ rộng thị trường cân bằng.
Diễn biến này tiếp tục cho thấy tâm lý thận trọng và lưỡng lự của nhà đầu tư khi chỉ số đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.385-1.405 điểm. Thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ có diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong một vài phiên kế tiếp.
“Vùng kháng cự 1.385-1.405 điểm sẽ là vùng cản của chỉ số trong ngắn hạn. Thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp dao động hẹp với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng được giới hạn bởi vùng kháng cự quanh 1.405 điểm và vùng hỗ trợ quanh đường SMA20 tương ứng vùng 1.340-1.355 điểm. VN-Index sẽ tiếp tục hình thành dao động tăng giảm đan xen trong vùng kẹp giữa vùng hỗ trợ 1.340-1.355 điểm và vùng kháng cự 1.385-1.405 điểm trong những phiên tới”, ông Trần Xuân Bách dự báo.
Rủi ro điều chỉnh của chỉ số gia tăng
Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Chuyên viên phân tích bộ phận Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho rằng, phiên 22/6 tăng điểm nhưng lại không mang nhiều yếu tố tích cực khi sắc đỏ lại chiếm thế chủ đạo trên HSX. Ngoài ra, thanh khoản giao dịch chưa hề có chuyển biến mới mặc dù chỉ số đã có nhiều lần vượt đỉnh cũ. Điều này cho thấy sự suy yếu rõ nét của lực cầu dù cho điểm chỉ số vẫn đang tăng.
“Mặc dù các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang đồng thuận chỉ tích cực, song trên đồ thị kỹ thuật của VN-Index đã xuất hiện mẫu hình nến “Spinning Top" cho thấy trạng thái cân bằng giữa bên mua và bên bán và bên mua đang có dấu hiệu mất dần sự kiểm soát trong ngắn hạn. Trong một xu hướng tăng, sự suy yếu liên tục của thanh khoản cũng cho thấy lực cầu đang yếu đi rõ nét”, ông Lê Văn Thành phân tích.
Chuyên gia của CSI cho rằng, dù chưa nhiều dấu hiệu rủi ro xuất hiện nhưng càng về gần ngưỡng kháng cự 1.400-1.415 rủi ro điều chỉnh của chỉ số sẽ càng gia tăng.
“Để giảm thiểu rủi ro ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên tập trung vào yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, đặc biệt là những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan để chuẩn bị cho mùa báo cáo tài chính sắp tới. Chúng tôi chuyển khuyến nghị sang trạng thái hạn chế mua mới và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, tránh mua đuổi giá xanh cũng như sử dụng margin ở thời điểm hiện tại”, ông Lê Văn Thành nêu quan điểm.