Nhà ở xã hội: Ước mơ an cư vẫn là bài toán khó với công nhân

(ĐTTCO)-Nhiều công nhân chia sẻ, với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng thì rất khó có thể mua được nhà ở xã hội. Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ mua nhà của Nhà nước rất khó khăn, mức lãi suất vay ưu đãi lên tới hơn 8% là không kham nổi.
Sở hữu một căn nhà ở xã hội vẫn là ước mơ xa vời của nhiều công nhân
Sở hữu một căn nhà ở xã hội vẫn là ước mơ xa vời của nhiều công nhân

Có một căn nhà ở xã hội sau nhiều năm đi làm xa nhà, không phải thuê trọ là mơ ước của nhiều công nhân. Thế nhưng, thực tế, số tiền dành mua nhà ở xã hội còn quá lớn so với thu nhập hàng tháng của họ. Vì vậy, để mua được một căn nhà, họ sẽ phải lên kế hoạch tích lũy hay vay mượn, sau đó trả nợ trong nhiều năm. Đây thực sự là bài toán khó với nhiều công nhân, người lao động khi mưu sinh nơi “đất khách, quê người”.

Chị Đặng Thị Dung (quê ở Thái Nguyên), là công nhân Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam, hiện 2 mẹ con chị sinh sống tại chung cư do công ty thuê cho công nhân. Mặc dù rất muốn có 1 nơi “là nhà”, là thuộc sở hữu riêng, nhưng với mức lương chỉ 7 triệu đồng/tháng nên dự định mua nhà ở xã hội của chị phải gác lại.

Chị Dung chia sẻ, với mức lương khiêm tốn như hiện nay, nếu chi tiêu thật tiết kiệm và gửi con cho ông bà ở quê chăm sóc giúp thì có thể mua một căn nhà nhưng sẽ phải trả góp trong thời gian rất dài. Nếu 1 căn nhà xã hội có giá khoảng 500-600 triệu đồng thì khả năng mua nhà của công nhân sẽ dễ dàng hơn.

Có cùng nỗi trăn trở, anh Nguyễn Đình Trung, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, anh sống và làm việc tại Hà Nội gần 10 năm nay, đã có bạn gái và muốn lập gia đình nhưng do chưa mua được nhà nên kế hoạch tạm gác lại.

Hiện, anh thuê trọ 1 căn phòng nhỏ, rộng chừng 15 m2, cách nơi làm việc 5 km. Anh Trung mơ ước sẽ mua được một căn nhà ở xã hội để lập gia đình, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, với tổng thu nhập và làm ca kíp khoảng 10 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, anh chỉ tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng. Trong khi nhà ở xã hội có mức giá 20-22 triệu đồng/m2, một căn hộ 60 m2 cũng có giá trên 1 tỷ đồng, giấc mơ sở hữu căn nhà ở xã hội của anh vẫn còn xa vời.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, quy định mức vốn vay để mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng thuê - mua nhà, trong thời gian tối thiểu 15 năm. Thế nhưng, để vay được khoản tiền này, người thuê, mua nhà phải có đủ các điều kiện chứng minh thu nhập ổn định, khá ngặt nghèo, phức tạp. Với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng, nếu tiết kiệm chi tiêu, không ốm đau bệnh tật thì cũng phải mất ít nhất 25 năm mới mua được một căn nhà ở xã hội.

Nhiều người mong muốn, giá bán nhà ở xã hội giảm hơn nữa, được vay vốn và thời gian vay dài hơn, lãi suất vay thấp hơn và thủ tục vay vốn đơn giản hơn để ước mơ sở hữu một căn nhà ở xã hội của họ trở thành sự thật.

Chị Đặng Thị Dung - công nhân Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, công nhân là đối tượng cần quan tâm, cần tạo điều kiện để họ có nhà ở, tuy nhiên, rất khó để xây dựng được 1 căn hộ dưới 1 tỷ. Phần lớn đều có giá theo định mức của ngành xây dựng, phải hơn 1 tỷ thì mới xây được 1 căn nhà tối thiểu 45-50 m2. Với mức thu nhập 7,8tr/tháng của công nhân thì mua nhà ở xã hội là bài toán cực kỳ khó.

“Kể cả ngân hàng chính sách cho vay với lãi suất 5-7% để trả lãi hàng tháng thì mua nhà vẫn là khó. Nếu chỉ vay 600-700 triệu đồng thì lãi suất hàng tháng cũng vượt cả lương. Trong khi họ còn phải chi tiêu trang trải cuộc sống, lo cho con cái, gia đình. Do đó, để mua được nhà ở xã hội là không dễ dàng”, ông Nguyễn Văn Đính nói.

Cũng theo ông Đính, điều kiện, thu nhập của công nhân lao động không đảm bảo có thể mua được nhà ở xã hội, cho nên cần có trách nhiệm của địa phương. Những nơi có các khu công nghiệp, có nhiều công nhân thì phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê. Chủ các khu công nghiệp cũng phải tạo ra nhà ở cho công nhân thuê. Tại các địa phương, khi duyệt các dự án hoặc quản lý các khu công nghiệp thì đều phải có chính sách cụ thể để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, cần thực hiện thật tốt, thật nghiêm túc đề án 338 của Thủ tướng chính phủ về phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó đã nêu khá rõ về các biện pháp, giải pháp, cơ chế chính sách của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan.

Câu chuyện về quy hoạch, quỹ đất rất quan trọng, cùng với đó là tạo nguồn vốn bền vững, nên có quỹ phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo nguồn vốn bền vững, huy động nguồn lực, huy động vốn từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau… Cùng với đó, cần cắt giảm thủ tục hành chính, từ đầu tư, triển khai dự án và các thủ tục, quy trình đối với lựa chọn đối tượng để cho mua, thuê nhà ở xã hội rõ ràng, đơn giản hóa, sát với thực tiễn hơn.

“Các địa phương cần phối hợp để xây dựng hệ sinh thái nhà ở xã hội, tức nhà ở xã hội phải có đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội. Đặc biệt, cần có hệ thống giao thông thuận lợi thì mới đảm bảo tính hấp dẫn của nhà ở xã hội đối với người mua nhà hay thuê nhà; Cần sự phối hợp giữa các bên liên quan bao gồm các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổng liên đoàn lao động, Ban quản lý khu công nghiệp… mới đảm bảo triển khai hiệu quả nhà ở xã hội”, ông Cấn Văn Lực cho hay.

Ông Lực cho biết thêm, các ngân hàng đưa ra gói tín dụng 120.000 tỷ, nhưng được hiểu nôm na là gói tín dụng thương mại có ưu đãi lãi suất, đó là thiện chí đồng hành của hệ thống ngân hàng, vốn họ phải huy động, họ phải trả lãi suất tiền gửi bình thường như những nguồn vốn tín dụng khác. Tuy nhiên, về lâu dài cần thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội và mức lãi suất cho chủ đầu tư, cho người mua nhà vay phải thấp hơn nhiều, bằng 50-60% mặt bằng lãi suất thị trường. Muốn như vậy, nhà nước sẽ phải cầm chịch, phải chủ trì trong việc phát triển, quản lý quỹ đó, đồng thời huy động nguồn lực cả nhà nước, tư nhân trong nước và ngoài nước bổ sung cho quỹ này.

Các tin khác