Nhận diện doanh nghiệp Việt Nam và khuyến nghị chính sách

(ĐTTCO)-Các số liệu thống kê cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh và DN hoạt động.
    Báo cáo PCI 2018 của VCCI cho thấy có đến 60% DN cho rằng khó khăn lớn nhất của DN nói chung hiện nay là tìm kiếm khách hàng. - Ảnh minh họa
    Báo cáo PCI 2018 của VCCI cho thấy có đến 60% DN cho rằng khó khăn lớn nhất của DN nói chung hiện nay là tìm kiếm khách hàng. - Ảnh minh họa

    Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Số lượng DN thành lập trên 1,2 triệu nhưng chỉ có trên 640.000 DN đang hoạt động, trong đó hiện có khoảng 60% không phát sinh thuế thu nhập DN, nghĩa là kinh doanh không có lãi. Điều đó cho thấy cộng đồng DN Việt Nam khó khăn như thế nào”.

    Ngoài các loại hình DN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DN, hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 1,8 triệu hộ được cơ quan thuế đưa vào diện quản lý. Điều này có nghĩa là còn khoảng 3,2 triệu hộ kinh doanh không thực hiện đăng ký kinh doanh. Khung khổ pháp lý cho việc đăng ký và hoạt động của khu vực kinh doanh này còn nhiều bất cập, bất bình đẳng.

    Khó khăn của DN

    Báo cáo PCI 2018 của VCCI cho thấy có  đến 60% DN cho rằng khó khăn lớn nhất của DN nói chung hiện nay là tìm kiếm khách hàng. Các khó khăn khác là tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (37%), biến động thị trường (32%), tuyển dụng lao động (28%), tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh (27%), biến động của chính sách, pháp luật (23%), tìm kiếm nhà cung cấp (18%), thực hiện thủ tục hành chính (17%) và tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp (16%).

    Mặc dù khảo sát PCI cho thấy một số điểm sáng và xu hướng tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh so với các năm trước như chi phí không chính thức giảm, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, cải cách thủ tục hành chính có bước tiến, nhưng cũng chỉ ra những điểm hạn chế về môi trường kinh doanh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách trong thời gian tới.

    Cụ thể là, mặc dù chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn có tới 55% DN cho biết họ phải trả các chi phí bôi trơn nhỏ (còn gọi là tham nhũng vặt) để xin cấp các loại giấy phép; 32% DN cho biết tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, DN nhà nước hơn DN tư nhân và 37% DN cho biết tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

    Thủ tục “hậu đăng ký DN” vẫn là một gánh nặng đối với không ít DN với 15,8% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết (ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN) mới có thể chính thức đi vào hoạt động, 53% DN cho biết “thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”.

    34% DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện, 29% DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

    Việc tiếp cận thông tin của DN vẫn chưa có nhiều cải thiện, vẫn có tới 69% DN cho biết cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; 31% DN cho biết việc cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng.

    Hầu hết các DN Việt Nam mới thành lập là các DN nhỏ, siêu nhỏ, chỉ có một số ít là DN quy mô vừa. Quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam là quá nhỏ bé và hạn chế so với các DN quốc tế và khu vực trên 5 mặt cơ bản là: vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thương hiệu và quản trị DN.

    Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 77/140 quốc gia, trong đó các chỉ số liên quan đến năng lực cạnh tranh của DN đứng ở vị trí thấp như: Thị trường cho sản phẩm 102/140, Động lực kinh doanh 101/140, Kỹ năng 97/140, Thị trường lao động 90/140 và Năng lực sáng tạo đứng thứ 82/140.

    Năng suất lao động của Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê đánh giá, hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.

    Tình trạng chủ DN đăng ký kinh doanh thiếu kiến thức kinh doanh, không am hiểu thị trường, nguồn vốn mỏng, khởi nghiệp theo phong trào là vấn đề đáng lưu ý cả từ phía DN và phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo thống kê thì tỷ lệ DN khởi nghiệp thành công sau 5 năm chỉ chiếm 5-10%, rất nhiều DN thất bại ngay trong năm đầu tiên khởi nghiệp.

    Kinh doanh là vấn đề khó, thậm chí rất khó, tuy nhiên hiện nay phong trào “khởi nghiệp”, “lập nghiệp bằng kinh doanh” chưa được quan tâm đúng mức, mới nhấn mạnh một chiều thuận lợi, chưa chú trọng đến những khó khăn, thách thức của nghề kinh doanh làm cho một bộ phận cá nhân, nhất là thế hệ trẻ hiểu kinh doanh một cách ngộ nhận như là phương thức kiếm tiền đơn giản, dễ dàng. Việc khởi nghiệp, lập nghiệp theo phong trào, không thực chất, không có hướng dẫn, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ gây thiệt hại, lãng phí lớn cho cá nhân và cả nền kinh tế.

    Tình trạng DN không am hiểu pháp luật kinh doanh, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật hoặc ý thức tuân thủ pháp luật kinh doanh kém cũng là tình trạng đáng báo động. Số liệu thống kê của Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2018, cả nước có 63.525 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký và 18.975 DN chờ giải thể.

    Việc DN ngừng hoạt động không đăng ký gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính DN. Ngoài ra còn một số lượng không nhỏ các DN kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán đã chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng không báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, không làm thủ tục giải thể DN dẫn tới tình trạng nợ thuế với nhà nước và các khoản nợ khác bị tồn đọng rất nhiều. Đồng thời, cũng tồn tại một bộ phận DN lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về kinh doanh để trục lợi thông qua việc thành lập DN “ma” và thực hiện các hoạt động kinh doanh bất chính như mua bán hóa đơn VAT, trốn thuế.

    Những khuyến nghị chính sách

    Về phía nhà nước

    Thực tiễn cho thấy số lượng DN và thu ngân sách của các địa phương có mối quan hệ tương ứng, thuận chiều; tỉnh nào, địa phương nào có nhiều DN hoạt động thì có nguồn thu ngân sách cao. Chẳng hạn Thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 30% số lượng DN hoạt động trong cả nước có tỷ lệ dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 gần 27%; Hà Nội chiếm 20% số lượng DN hoạt động trong cả nước có tỷ lệ dự toán thu ngân sách nhà nước gần 17%. Vì vậy phát triển DN là một giải pháp quan trọng để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm của địa phương và quốc gia.

    Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động của DN, nhất là Luật DN, Luật hỗ trợ DNNVV, Luật phá sản, các luật về thuế, lao động , bảo hiểm xã hội… Chú trọng xây dựng khung khổ pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho hộ kinh doanh.

    Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2018 chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh ở Việt Nam đứng thứ 104/190 nền kinh tế, là chỉ tiêu thấp nhất trong môi trường kinh doanh của Việt Nam và xếp thứ 5 trong ASEAN.

    Chính phủ cần xây dựng chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, lập nghiệp tập trung vào 5 nội dung cơ bản là: vốn; công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển thương hiệu và quản trị DN. Các cá nhân muốn lập nghiệp, khởi nghiệp cần có nhận thức và kiến thức cơ bản về kinh doanh, tránh việc khởi nghiệp, lập nghiệp theo phong trào gây tổn thất về kinh tế cho người dân và xã hội.

    Về phía DN

    Trước áp lực hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, trong khi nhiều DN Việt ngày càng trở nên yếu thế hơn, chỉ còn một giải pháp sống còn DN phải lựa chọn để tồn tại. Đó chính là tái cấu trúc (restructuring). Tái cấu trúc DN là một hoạt động ngày càng trở nên cần thiết đối với các DN Việt Nam vốn tồn tại nhiều yếu kém và ít khả năng cạnh tranh.

    Nó là tiến trình nâng cao thể trạng của DN trên nền tảng hiện có, là quá trình thực hiện những thay đổi căn bản trong DN nhằm giúp DN hoạt dộng hiệu quả hơn, tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho DN để thực hiện những mục tiêu đã đề ra.

    Thực hiện tái cấu trúc sẽ tập trung vào các nội dung: Thay đổi tư duy quản lý từ các cấp lãnh đạo; cải cách công tác quản lý, xây dựng một sơ dồ tổ chức đúng chuẩn và phù hợp; tái cấu trúc lại các quy trình cung ứng, sản xuất, phân phối, kinh doanh nhằm hợp lý hóa các công việc, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả; tái cấu trúc lại tài chính công ty, tái cấu trúc chiến lược kinh doanh.

    Trước những thách thức mới của môi trường kinh doanh cũng như nhu cầu phát triển, cùng với những khó khăn đặc biệt phát sinh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp mới đã và đang làm cho xã hội thay đổi từng ngày, từng giờ… Do đó các DN Việt Nam đang rất cần được tái cấu trúc để có thể tồn tại và phát triển một cách đầy đủ, ổn định và bền vững.

    Đặc biệt chú trọng đến “sở hữu trí tuệ” – chìa khóa bảo vệ DN

    Sở hữu trí tuệ được hiểu là việc sở hữu các tài sản trí tuệ - những kết quả từ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Đối tượng của loại sở hữu này là các tài sản phi vật chất nhưng lại có giá trị kinh tế, tinh thần to lớn góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn minh, khoa học, công nghệ của nhân loại. Đó là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học kỹ thuật ứng dụng cũng như các tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong các hoạt động thương mại.

    Hiện nay, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà nhiều DN vẫn chưa đặc biệt chú trọng hoặc chưa nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của vấn đề sở hữu trí tuệ, Bên cạnh đó, những khó khăn về thủ tục trong quá trình đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN đành phải “làm ngơ”. Tại Việt Nam, quá trình đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của các DN còn nhiều thủ tục thẩm tra, quyết định… dẫn đến thời gian cấp quyền sở hữu trí tuệ ngắn nhất cũng gần 18 tháng, một số trường hợp có thể kéo dài vài năm gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN.

    Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình của DN – nó ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị và tính cạnh tranh của DN trên thị trường. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra và mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho DN trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ.

    Tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ vẫn ngày càng gia tăng và tinh vi hơn cùng với sự phát triển công nghệ. Nhiều hàng hóa trong nước có uy tín bị làm giả, làm nhái gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN lẫn người tiêu dùng. Do đó việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ kịp thời cho các sản phẩm, thương hiệu mới sẽ giúp DN trang bị thêm công cụ quan trọng, quyết định sức mạnh cạnh tranh, bảo tồn tài sản trí tuệ của mình để phát triển ổn định và bền vững.

    ---

    CEO Đặng Đức Thành
    Chủ nhiệm câu lạc bộ Các Nhà Kinh Tế (VEC)
    Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

    Các tin khác