Nhiệm vụ kép ngành du lịch

(ĐTTCO)-Tái nhiễm Covid-19 như “cú đấm bồi” cho ngành du lịch Việt Nam. Làm gì để cứu vãn ngành du lịch khi nó đã trở thành ngành “công nghiệp không khói”, cứu doanh nghiệp du lịch, mấu chốt là thắt chặt các biện pháp ngăn chặn người nước ngoài nhập cảnh trái phép để đảm bảo an toàn. ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với TS. LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế.

Một góc TP Hội An.
Một góc TP Hội An.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nếu tạm đóng cửa ngành du lịch sẽ khó tạo động lực cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế, nhưng nếu mở cửa có nhiều rủi ro khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
TS. LÊ ĐĂNG DOANH: - Theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cuối tháng 5 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), các ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực nhiều nhất là hàng không (100%), dịch vụ lưu trú (97,1%) dịch vụ ăn uống (95,5%), hoạt động của các đại lý du lịch (95,7%).
Do đó, cần phải có những biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19: Đó là du lịch trong nước và du lịch quốc tế. 
Hiện nay chúng ta chưa thực hiện du lịch quốc tế. Nhưng du lịch trong nước đã hoạt động trở lại. Tôi cho rằng đây là việc nên làm, vì dư địa tăng trưởng cho du lịch vẫn còn rất nhiều.
Thêm nữa, Việt Nam hiện có rất nhiều lợi thế để khôi phục ngành du lịch ở thời điểm này. Hơn nữa, sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều người có tâm lý “cuồng chân” sẽ lên kế hoạch đi du lịch trở lại. 
Về dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số địa phương, tôi cho rằng đây là hậu quả của việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Chủng virus của Covid-19 mới ở Đà Nẵng được xác định từ bên ngoài lây nhiễm, do đó khâu kiểm soát cần phải làm chặt chẽ hơn nữa. Dù vậy cũng không nên vì chuyện bùng phát dịch mà chấm dứt hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa.
- Theo ông, cần phải làm gì để kích cầu du lịch nội địa?
- Hiện ngành du lịch đang phát động chiến dịch vận động “Người Việt đi du lịch Việt”. Đây sẽ là động lực cho sự bứt phá của thị trường du lịch nội địa. Không chỉ khuyến khích du lịch nội địa, du lịch quốc tế cũng nên xem xét mở lại, nhất là các nước đã kiểm soát được dịch bệnh, có thể như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, những quốc gia có lượng khách du lịch đông đảo và có tiềm năng. Tôi có đề xuất cần có sự hỗ trợ một gói kích cầu của Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện ngân sách nhà nước đang phải chi quá nhiều thứ, nếu ngành nào cũng đứng ra xin gói hỗ trợ chắc chắn ngân sách không trụ được. Vì thế, mỗi ngành nên tự thân vận động, tìm ra hướng đi để vực dậy.
Với ngành du lịch, nếu các cấp ngành, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các vấn đề an toàn, thực hiện giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ, tôi tin chắc hồi phục rất nhanh. Muốn cứu doanh nghiệp du lịch, giải pháp tối ưu vẫn là để doanh nghiệp tự cứu mình, tức vẫn hoạt động bình thường để có doanh thu.
- Như ông nói duy trì hoạt động du lịch nội địa là giải pháp để cứu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, song vấn đề an toàn vẫn cần phải đảm bảo. Đây có là “nhiệm vụ kép” khó khăn đối với doanh nghiệp, thưa ông?
 Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác cũng đang tập trung vào vài địa điểm nổi bật để thu hút khách du lịch. Điều này mang đến cơ hội tạo việc làm và nguồn thu nhập cho các ngành du lịch địa phương.
- Nguyên tắc khi triển khai là đặt yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách lên hàng đầu. Du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi nếu giữ nguyên sự yên ổn. Tuy nhiên, khi bất ngờ xuất hiện bệnh nhân bị lây nhiễm hay dịch bùng phát ở địa phương nào đó, du lịch chắc chắn lại rơi vào đóng băng.
Như tôi đã nói ở trên, mấu chốt là phải kiểm soát được người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, cần sự kết hợp đồng bộ của hàng không, khách sạn, phương tiện vận chuyển du lịch, công ty du lịch, điểm đến và chính sách hỗ trợ. Trong đó, tất cả các bên cùng cam kết giảm giá để kích cầu, kể cả các địa phương cũng cần có chính sách miễn giảm phí tham quan cho khách du lịch nội địa. 
Đặc biệt, các tập đoàn, doanh nghiệp cần thể hiện hơn nữa vai trò dẫn dắt của mình trong kích cầu du lịch nội địa. Các hãng lữ hành nên nhanh chóng chuyển đổi số, sớm mở bán các gói sản phẩm kích cầu mức giá hấp dẫn và dịch vụ chuyên nghiệp.
Hiện Việt Nam có nhiều lợi thế khi giai đoạn trước đó đã kiểm soát rất thành công dịch bệnh, được các nước đánh giá cao. Tôi tin với đợt dịch bùng phát mới, chúng ta sẽ kiểm soát được, làm cơ sở cho du lịch hoạt động lại bình thường.
- Ông nhận định thế nào về xu hướng du lịch trong thời gian tới?
- Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể xác định được thời điểm nào ngành du lịch Việt Nam có thể được vực dậy. Nhưng chắc chắn rằng ngành du lịch sẽ thay da đổi thịt. Có thể dự báo một số xu hướng thấy rõ tại thời điểm hiện tại và trong thời gian tới.
Thứ nhất, mặc dù dịch cơ bản được khống chế, nhưng tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn đeo bám. Vì thế, yếu tố về an toàn, các thông tin về trình độ y tế, khả năng hỗ trợ sức khỏe của điểm đến sẽ là một trong các yếu tố quan trọng giúp mọi người quyết định điểm đến.
Thứ hai, xu hướng ưu tiên tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè. Xuất phát từ tâm lý lo dịch bệnh, ngại môi trường du lịch chưa an toàn, thói quen của khách du lịch cũng bị ảnh hưởng qua tiêu dùng, ăn uống, phương thức mua sắm.
Do đó, thay vì đi các tour đắt tiền, dài ngày, người dân đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, tiết kiệm hơn. Chúng giúp bảo đảm các yếu tố an toàn sức khỏe, tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ.
Thứ ba, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây. Thực tế cho thấy, khi dịch bùng phát khiến số người thất nghiệp tăng cao, thu nhập của người dân bị giảm sút sẽ khó kích hoạt du lịch tăng vọt trở lại ngay.
Tuy nhiên ngành du lịch vẫn có thể hồi phục từng bước. Quan trọng nhất phải bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tất cả cần nỗ lực cao nhất mới có thể đạt được những tiến bộ dù nhỏ nhất. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác