Trong bức tranh phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2023, lĩnh vực du lịch, dịch vụ ở nhiều địa phương tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Phát huy kết quả đạt được, những tháng cuối năm các địa phương tăng cường đổi mới sản phẩm gắn với xúc tiến, quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tiếp tục tạo ấn tượng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng của năm 2023, khách du lịch nội địa đến Thành phố đạt gần 27 triệu lượt, tăng gần 25%; khách quốc tế đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 25%; tổng doanh thu từ du lịch đạt 125.463 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Với tỉnh Bình Thuận - địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2023, 9 tháng qua, lượng khách đã đạt gần 7 triệu lượt, tăng 75% so cùng kỳ năm 2022, đạt xấp xỉ 104% kế hoạch năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 17.675 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết các giải pháp đồng bộ, hạ tầng giao thông được kết nối thuận tiện, tích cực đổi mới sản phẩm, tăng trải nghiệm cho du khách tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ tại cơ sở nghỉ dưỡng, tổ chức, phân bổ hợp lý khung thời gian diễn ra sự kiện điểm nhấn, coi trọng quảng bá là những yếu tố để du lịch Bình Thuận đạt được kết quả cao thời gian qua.
Tương tự, ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Ninh đang thể hiện sức bật trong phát triển du lịch giai đoạn hậu COVID-19. Được ví như một “Nam Bộ thu nhỏ” bởi sự đa dạng về địa hình, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, có điểm đến núi Bà Đen là “nóc nhà Nam Bộ,” các di tích lịch sử văn hóa ghi dấu ấn “miền Đông gian lao, anh dũng” trong giai đoạn kháng chiến, Vườn Di sản ASEAN Lò Gò-Xa Mát... du lịch Tây Ninh đang ngày càng hấp dẫn du khách.
Tỉnh đón trên 4,2 triệu lượt du khách trong 9 tháng qua, doanh thu 1.765 tỷ đồng, tăng 49,7% so cùng kỳ năm 2022.
Du khách trải nghiệm du lịch nông trại miệt vườn tại Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre với nhiều điểm đến du lịch sinh thái gắn với các cù lao xanh mát bóng dừa, vườn cây ăn trái, di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề đã đón hơn 1,7 triệu lượt du khách trong 9 tháng, tăng trên 79% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 2.148 tỷ đồng. Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T ở thành phố Bến Tre chia sẻ sản phẩm xuất phát từ văn hóa bản địa, liên tục “thay áo mới” cho điểm đến, hành trình bằng những trải nghiệm từ nét thân thuộc trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; “chạm” đến cảm xúc của du khách là bí quyết tạo chuỗi trải nghiệm ấn tượng, thu hút du khách đến Bến Tre của doanh nghiệp này, góp phần thiết thực phát triển du lịch xứ Dừa.
Tăng tốc đổi mới sản phẩm, kết nối thị trường
Nhận định những tháng cuối năm 2023 là giai đoạn thấp điểm khách nội địa, song lại là khoảng thời gian cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam, các địa phương đẩy mạnh đổi mới sản phẩm gắn với quảng bá tới đa dạng thị trường.
Du khách tham quan Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia Trụ sở Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một sản phẩm mới đưa vào phục vụ từ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nhưng đã nhanh chóng tạo được sức hút, đó là tham quan Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia Trụ sở Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ sau dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đến cuối năm, điểm đến này mở cửa đón du khách vào 2 ngày cuối tuần mỗi cuối tháng, du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá công trình kiến trúc độc đáo, sản phẩm du lịch văn hóa ở ngay nội đô.
Cùng với đó, các sản phẩm du lịch mới như sản phẩm du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ), tour du lịch ban đêm “Trăng chiến khu” tái hiện hoạt động trong vùng giải phóng của quân và dân Củ Chi trong những năm tháng kháng chiến đang góp phần đa dạng sản phẩm, thu hút du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều trải nghiệm mới mẻ, thú vị.
Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh xây dựng, kết nối hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch gắn với sự kiện, hội nghị, ẩm thực, y tế, đường thủy nhằm liên tục tạo sức hút mới với du khách.
Các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh phát triển sản phẩm chuyên sâu, chuyên đề, tour du lịch đặc trưng về nghỉ dưỡng, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, du lịch y tế. Đồng thời, tăng cường giới thiệu quảng bá đến các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông…, tiếp tục đa dạng các dòng du khách.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong tháng 9, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17 thu hút 25.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu các sản phẩm du lịch, dịch vụ.
Hơn 9.000 cuộc hẹn thương mại được thiết lập, đóng góp tích cực vào xúc tiến, quảng bá, hứa hẹn tạo đột phá cho du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) thông tin một điểm nhấn trong quảng bá, xúc tiến du lịch ra thị trường quốc tế những tháng cuối năm có thể kể đến là Báo Tuổi Trẻ, Saigontourist Group, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Thành phố Hồ Chí Minh đồng phối hợp tổ chức sự kiện “Vietnam Phở Festival,” từ ngày 7- 8/10, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Với những hoạt động như giới thiệu bộ sưu tập các hương vị phở, nét văn hóa đặc sắc của đất nước, con người, ẩm thực, đây là dịp quảng bá du lịch Việt Nam - một trong những quốc gia được Chính phủ Nhật Bản chọn và giới thiệu là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn cho du khách Nhật Bản giai đoạn hậu COVID-19.
Với ngành Du lịch các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, đổi mới sản phẩm gắn với quảng bá, kết nối thị trường nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế cũng được đẩy mạnh.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết nằm trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, Hậu Giang có thế mạnh sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch sinh thái.
Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của trên 20 điểm du lịch nông nghiệp, kết nối, xây dựng thành sản phẩm du lịch và tăng cường quảng bá từ thế mạnh của gần 180 sản phẩm đã được gắn sao của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” như cá thát lát rút xương, khóm Cầu Đức, chanh không hạt, rượu lão tửu đông trùng hạ thảo, gạo Vị Thủy…
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam -VITM Cần Thơ 2023 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, sẽ diễn ra đầu tháng 12 năm nay.
Với chủ đề “Du lịch sinh thái - Đồng bằng sông Cửu Long,” đây là cơ hội góp phần thúc đẩy xúc tiến quảng bá, nâng cao thương hiệu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở phát triển vùng du lịch sinh thái đặc thù, nơi có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo gắn với các hệ sinh thái, nổi bật ở khu vực và thế giới.