Sáng 18/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với nội dung: “Nâng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, khung khổ pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện, trong đó có giải pháp về cổ phần hóa. Trong hơn 20 năm qua, có khoảng 92% tổng số DNNN đã thực hiện cổ phần hoá nhưng thực tế mới có khoảng 10% lượng vốn Nhà nước được thay thế bởi vốn của tư nhân.
Trước thực trạng còn khá nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán (còn khoảng 700 doanh nghiệp), ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, gần 200 doanh nghiệp trong số này đang có kế hoạch niêm yết và gần 300 doanh nghiệp đang tiến hành trở thành công ty đại chúng. Số còn lại, cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát và công bố đại chúng, đối với các công ty đủ điều kiện niêm yết mà “chây ì” sẽ bị xử lý.
Ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, sau cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt hoạt động quản trị, còn duy trì tình trạng “bình mới, rượu cũ”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, “mập mờ thông tin” là căn bệnh cố hữu của các doanh nghiệp Nhà nước nói chung. Trong bối cảnh hội nhập cùng với việc tuân thủ các luật lệ quốc tế, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không nhấn mạnh vào công khai minh bạch và quản trị hiệu quả là không đúng yêu cầu đặt ra.
“Các doanh nghiệp Nhà nước cần thay đổi tư duy và cung cách làm việc, có như vậy mới tạo ra các hoạt động kinh doanh lành mạnh, công ty phát triển hiệu quả và bền vững,” ông Lưu Bích Hồ nói.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, công khai minh bạch các thông tin về tài chính và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp không làm tốt sẽ phải thúc đẩy lên thị trường chứng khoán. Sự giám sát quyết liệt của nhà đầu tư sẽ khiến doanh nghiệp đó phải thay đổi về quản trị và đảm bảo tính công khai minh bạch theo đúng thông lệ thị trường. Các doanh nghiệp đăng ký giao dịch hoặc niêm yết sẽ được các Sở giao dịch chứng khoán hỗ trợ về quản trị đồng tính thanh khoản của cổ phiếu cũng được gia tăng, nhờ đó doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn từ thị trường với mức chi phí thấp hơn so với vay thương mại.
Về cơ chế hoạt động của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, việc ra đời của Ủy ban này nhằm khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” tại các các bộ, ngành.
Tuy nhiên, để Ủy ban có thể quản lý nguồn vốn Nhà nước được an toàn và hiệu quả, ông Hùng cho rằng, cần phải đảm bảo cơ chế chủ động và tính chịu trách nhiệm của cơ quan này.
“Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC phải có vai trò như một công cụ giúp Ủy ban kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước hiệu quả. Không nên để tình trạng Ủy ban là đại diện vốn Nhà nước, Tổng công ty trong Ủy ban cũng đại diện vốn Nhà nước, như vậy vô hình chung tạo ra một Nhà nước trong một Nhà nước. Do đó, vai trò của Ủy ban và SCIC phải được làm rõ ràng, minh bạch hơn,” ông Hùng đề xuất.