Nhiều dự án nhà ở 'tiến thoái lưỡng nan'

(ĐTTCO) - Hàng chục dự án nhà ở đã được chủ đầu tư triển khai từ nhiều năm nay vừa bị Sở KH-ĐT đề xuất UBND TPHCM không chấp thuận chủ trương đầu tư vì không đủ điều kiện.
Một trong các dự án bị đề xuất không chấp thuận chủ trương đầu tư.
Một trong các dự án bị đề xuất không chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngoài ra còn có nhiều dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư… nhưng nay sở này cũng kiến nghị soát lại pháp lý. Thông tin này đưa nhà đầu tư vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Hàng trăm dự án bị “đứng hình”

Qua phân tích hồ sơ, Sở KH-ĐT đã chia ra 2 nhóm các dự án đang vướng mắc và đề xuất UBND TPHCM hướng xử lý trong thời gian tới. Nhóm thứ nhất, các dự án đang đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo đó, Sở KH-ĐT đang thụ lý 117 hồ sơ, song qua thẩm định có 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014…

Đối với nhóm này, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TPHCM không chấp thuận chủ trương đầu tư vì không đáp ứng đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Nhóm thứ 2, các dự án đang được xem xét giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư (55 dự án), trong đó có 3 dự án vướng mắc về pháp luật; 3 dự án đang được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra; 49 dự án vướng mắc thuộc thẩm quyền xem xét của TP. Đối với các dự án này, Sở KH-ĐT đề xuất chờ kết luận của các cơ quan chức năng sau đó tiếp tục xem xét giải quyết; các dự án chưa hoàn thiện hồ sơ nhà đầu tư tiếp tục bổ sung hồ sơ theo quy định…

Ngoài ra còn có 50 dự án đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, cũng được Sở KH-ĐT chia ra từng nhóm vướng mắc cụ thể, đề xuất UBND TP chỉ đạo các sở ngành giải quyết vướng mắc cho từng dự án theo thẩm quyền.

Nhiều dự án triển khai dở dang

Theo tìm hiểu của ĐTTC, một trong những dự án bị Sở KH-ĐT đề xuất không chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án khu nhà ở thấp tầng của CTCP Bất động sản N.K (TP Thủ Đức). Lý do được đưa ra “nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, do dự án không có đất ở hoặc không chuyển nhượng toàn bộ đất ở”.

Theo giải thích của chủ đầu tư, nguyên nhân do vướng mắc về nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong thời gian này chủ đầu tư đi “gõ cửa” từng cơ quan, nhưng hầu hết đều cho biết tất cả hồ sơ pháp lý liên quan phải ngưng lại do vướng mắc về chính sách pháp luật và phải chờ đợi để được tháo gỡ.

Chính vì bị vướng mắc, nên ngày 4-4-2020 UBND TPHCM đã có Văn bản 1225/UBND-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị rà soát lại chính sách pháp luật và xin ý kiến hướng dẫn để tiếp tục cho thực hiện đối với 63 dự án bất động sản (trong đó có dự án của N.K). Được biết, dự án của N.K đã tiến hành triển khai một số hạng mục như san lấp, ký kết hợp tác với các đối tác… trong lúc chờ đợi hoàn thiện thủ tục.

Một dự án khác được Sở KH-ĐT đề xuất rà soát lại pháp lý cho phù hợp với quyết định chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 khu dân cư ADC của Công ty ADEC. Được biết, năm 2004, UBND TPHCM có quyết định thu hồi và tạm giao đất cho Công ty Xây dựng trang trí kiến trúc ADC (nay là Công ty ADEC) để bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ở tại phường Phú Mỹ (quận 7). Dự án có quy mô 81.585m2, trong đó có nhà ở liên kế, nhà biệt thự và chung cư cao tầng.

Tuy nhiên, do không thỏa thuận được với 6 hộ dân trong dự án (diện tích khoảng 2.000m2), Công ty ADEC xin điều chỉnh giảm ranh dự án từ 81.585m2 xuống còn 79.330m2.

Năm 2017, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của công ty, đồng thời chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), UBND quận 7, xác định phần diện tích trong ranh dự án điều chỉnh giảm. UBND TP cũng giao Sở QH-KT hướng dẫn Công ty ADEC thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư ADC.

Từ tháng 11-2019, Công ty ADEC đã nộp hồ sơ điều chỉnh đồ án quy hoạch 1/500 và 3 lần bổ sung điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Sở QH-KT. Mặc dù vậy, tiến độ dự án vẫn giậm chân tại chỗ, khiến những người mua đất dự án này tiếp tục chờ.

Trong văn bản trả lời đơn thư của cư dân về quá trình giải quyết vướng mắc của dự án trên, Sở QH-KT cho biết từ tháng 2-2019 đã gửi văn bản: “Đề nghị Công ty ADEC chủ động liên hệ Sở TN-MT và Sở Xây dựng. Qua đó, (1) xin ý kiến Sở TN-MT về các vấn đề liên quan đến hiệu lực và tính pháp lý của quyết định thu hồi đất tạm giao của UBND TP đối với dự án này vào năm 2004, về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án. (2) Xin ý kiến Sở Xây dựng về việc xử lý công ty này chưa được giao đất nhưng đã xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau khi các đơn vị có ý kiến, công ty cần tổng hợp, tiếp thu các nội dung, lập lại hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án, nộp vào Sở QH-KT để thẩm định”.

Trong lúc nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết rốt ráo, nay chủ đầu tư và những người mua đất đã choáng váng trước đề xuất trên của Sở KH-ĐT.

Thực tế cho thấy từ nhiều năm trước, nhiều dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM, chủ đầu tư triển khai cùng lúc nhiều thủ tục, kể cả huy động vốn dưới nhiều hình thức khi chưa đủ điều kiện. Chính vì vậy, mặc dù dự án được đưa ra thị trường, san lấp, xây dựng hạ tầng… nhưng thủ tục pháp lý vẫn chưa hoàn thiện.

Chính vì vậy, cho đến thời điểm hiện nay Sở KH-ĐT đề xuất UBND các nội dung trên khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế “việt vị”. Do vậy nhiều chuyên gia cho rằng, lãnh đạo TP nên xem xét thấu tình đạt lý, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản cực kỳ khó khăn như hiện nay. Đặc biệt là không nên “hồi tố” nếu những vấn đề đã xảy ra mang yếu tố khách quan và bất lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân.

Theo nguồn tin của ĐTTC, trước đề xuất nói trên của Sở KH-ĐT, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, đã chỉ đạo các sở ngành xem xét từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ cho từng dự án, chứ không cứng nhắc theo đề xuất của Sở KH-ĐT.

Lãnh đạo thành phố nên xem xét thấu tình đạt lý, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản cực kỳ khó khăn như hiện nay. Đặc biệt là không nên “hồi tố” nếu những vấn đề đã xảy ra mang yếu tố khách quan và bất lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân.

Các tin khác