Thực hiện tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý. Đặc biệt, cần phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết. Đây là chỉ đạo của Bộ Công Thương trong việc chuẩn bị nguồn hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Thời điểm này, các doanh nghiệp đã sẵn sàng phương án sản xuất, phân phối. Cam kết không để thiếu hàng, sốt giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu.
Cao điểm sản xuất hàng Tết của Công ty TNHH Tân Nhiên đã bắt đầu được 1 tuần nay. Nhà máy hoạt động hết công suất, công nhân tăng ca và thậm chí còn tuyển thêm lao động thời vụ để kịp đơn hàng.
Năm ngoái, doanh nghiệp đã không có đủ hàng để bán trong dịp Tết, nên năm nay đã phải dự trữ nguyên liệu và tăng lượng hàng dự trữ lên 30 - 40%. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đầu tư máy móc mới, doanh nghiệp tự tin sẽ cung ứng đủ hàng hoá và giữ giá từ nay tới cuối năm.
CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản cũng đã chuẩn bị nguồn ngân sách hơn 540 tỷ đồng để cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, hơn 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Doanh nghiệp bình ổn thị trường này cho biết, đã tiến hành dự trữ thêm 10 - 20% sản lượng, dự phòng trường hợp thị trường có biến động.
Ở phía các nhà bán lẻ cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp từ giữa năm để lên phương án chuẩn bị nguồn hàng. Giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu, mặt hàng dành riêng cho mùa Tết là phương án được ưu tiên xuyên suốt, trong đó nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%...
Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường cuối năm và Tết đã bắt đầu kích hoạt với lượng hàng tăng từ 5- 7% so với năm trước. Đặc biệt năm nay, TP Hồ Chí Minh tăng lượng hàng đặc sản vùng miền để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết và hỗ trợ các địa phương tiêu thụ hàng hoá.