(ĐTTCO) - Tại hội thảo tổng kết dự án hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công - tư sáng nay (8-10) tại Hà Nội, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết, ở Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng về bảo hiểm nông nghiệp cũng như đối tác công - tư.
Hiện đang thiếu các cơ quan giám sát độc lập để triển khai những chính sách, cơ quan quản lý đầu mối về bảo hiểm nông nghiệp cũng chưa có. Vì vậy, xuất hiện nhiều rủi ro trong bảo hiểm nông nghiệp.
Ví dụ bảo hiểm về cây lúa, thì số lượng người nghèo quá đông; bảo hiểm về thủy sản chưa thành công; bảo hiểm vật nuôi nhưng chủ hộ nuôi còn dè dặt… Trên thực tế, lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp và có rất ít doanh nghiệp tham gia.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, cả nước hiện có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm 7.700 tỷ đồng, số tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp đạt 712 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm hàng năm khoảng 394 tỷ đồng.
Việt Nam là một quốc gia mạnh về xuất khẩu cà phê, xuất khẩu cà phê 10 tháng năm nay dự kiến đạt 983.000 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt trên 2,3 tỷ USD. Trong đó, diện tích trồng cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên khoảng 641.700 ha, chiếm 90% diện tích trồng cà phê cả nước, sản lượng trồng cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên ước đạt 92% tổng lượng cà phê cả nước trong năm nay.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam thì sản lượng cà phê 10 tháng đầu niên vụ 2014-2015 giảm 30,1% về sản lượng, và 17,1% về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do rủi ro về thời tiết như hạn hán, thiếu nguồn nước, rét bất thường làm giảm sản lượng cà phê.
Việc cung cấp bảo hiểm cây cà phê hướng đến mục tiêu khắc phục những rủi ro thiên tai cho người trồng cà phê. Khi tham gia bảo hiểm người nông dân trồng cà phê được cơ quan bảo hiểm các rủi ro về thiên tai như bão, lũ lụt, lốc, sét đánh, cháy gây ra và một phần liên quan đến giảm năng suất, mất mùa của cây cà phê.