Nhiều thách thức với doanh nghiệp trong năm 2024

(ĐTTCO) - Trước nhiều biến động của tình hình thế giới, không ít doanh nghiệp và đại diện hiệp hội, ngành hàng đều chung đánh giá năm 2024 thách thức vẫn bủa vây.

Nhiều DN dệt may lo lắng việc đơn hàng bị đứt gãy.
Nhiều DN dệt may lo lắng việc đơn hàng bị đứt gãy.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM: Hàng hóa mất tính cạnh tranh

Thời gian tới, nếu tình hình khu vực Biển Đỏ vẫn bất ổn và giá cước tàu vẫn không hạ nhiệt, chắc chắn các DN sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ nhất, khi thời gian giao hàng lâu hơn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN, nhất là với những đơn hàng phải giao sớm.

Thứ hai, khi giá cước tàu tăng nhanh, dù bên mua trả cước phí vận tải, nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Bởi ngoài việc san sẻ gánh nặng chi phí tăng thêm, bất cứ khâu nào trong chuỗi giá trị tăng lên cũng khiến người mua cuối phải chi trả nhiều hơn. Điều này khiến người tiêu dùng cân nhắc khi lựa chọn, hàng hóa mất tính cạnh tranh, thị phần có thể bị thu hẹp.

Không chỉ khó khăn trước các biến động tại Biển Đỏ, DN ngành may từ năm ngoái còn gặp khó khi đơn hàng nhỏ lẻ, đòi hỏi của khách hàng cao hơn, giá bán thấp hơn, nhưng vẫn phải nhận để duy trì việc làm cho người lao động.

Năm nay, trước nhiều biến động khó lường, rất có thể sức cầu khó hồi phục, thậm chí khó tránh việc đơn hàng đứt đột ngột. Hiện không ít DN chưa thể đưa ra các kế hoạch cụ thể cho năm 2024.

Ông NGUYỄN TRÍ TRUNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam: Mọi thứ chưa có gì chắc chắn

Thời điểm cuối năm 2023 khi đơn hàng trở lại nhiều hơn, chúng tôi kỳ vọng tình hình sẽ sáng dần lên trong năm 2024. Đặc biệt, người tiêu dùng tại nhiều quốc gia sau thời gian tiết kiệm kéo dài sẽ mạnh tay hơn trong chi tiêu, nhất là với nhóm ngành thời trang.

Thế nhưng ngay từ đầu năm 2024, tình hình dường như diễn biến ngược lại. Thí dụ, trong quý I đa số DN ngành da giày đã có đơn hàng, một số có đơn hàng cho quý II. Nhưng nếu có biến động mạnh, nhà nhập khẩu có thể ngừng nhập hàng bất cứ khi nào, nên mọi thứ cũng chưa có gì chắc chắn.

Sức khỏe của không ít DN sau khi trải qua cơn bệnh nặng của năm 2023 vừa mới có dấu hiệu hồi phục, nay rất có thể sẽ bị đánh gục trước những diễn biến khó lường. Khi sức khỏe DN suy yếu vì những tác động bên ngoài, rất mong nhận được sự hỗ trợ từ nội tại.

Song thực tế DN khó từ ngoài vào trong. Đơn cử việc vay vốn, không ít ý kiến cho rằng lãi suất đang giảm mạnh, nhưng khi đi vay mới thấy chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay vẫn còn cao. Rồi để tiếp cận được vốn vay cũng không hề đơn giản.

Điều này dẫn đến thực tế DN nhỏ cần vay không vay được, trong khi DN có hồ sơ “đẹp” không biết vay để làm gì khi đầu ra đang khá bấp bênh.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản: Việt Nam: Áp lực lớn do chi phí vận tải tăng cao

Những biến động quá nhanh của tình hình thế giới đang tác động không nhỏ tới các DN thủy sản. Đầu tiên phải nói đến chuyện giá cước vận tải tăng chóng mặt.

Chúng tôi đã sớm gửi công văn với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để nêu rõ tình hình giá cước vận tải trên một số tuyến chính tăng, đề nghị tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương hoặc có các giải pháp tác động để hỗ trợ cộng đồng DN xuất nhập khẩu giảm áp lực lớn về chi phí vận tải tăng cao.

Dù thủy sản là nhóm ngành thiết yếu, nhưng do những biến động khó lường, nên hiện người tiêu dùng vẫn trong xu thế lựa chọn các sản phẩm ở phân khúc giá rẻ hơn. Đây cũng là thách thức cho DN.

Hiện chúng tôi đã báo cáo và đề xuất 10 kiến nghị. Trong đó có một số điểm đáng chú ý, như kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ thực trạng giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm. Song song đó, kiến nghị Thủ tướng và Bộ NN-PTNT chỉ đạo xem xét rà soát các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm hiện hành của Việt Nam và châu Âu. Theo đó điều chỉnh, sửa đổi phù hợp quy định kiểm soát an toàn thực phẩm nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào EU…

Năm 2024 được dự báo còn nhiều bất ổn từ thị trường thế giới, cộng đồng DN thủy sản tiếp tục mong chờ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan bộ ngành bằng việc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành.

Ông NGUYỄN PHÚC NGUYÊN, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: DN rau quả Việt có thể mất thị phần

Xét chung cả ngành rau quả, những biến động tại khu vực Biển Đỏ và vấn đề tăng giá cước tàu biển không tác động quá nhiều, do thị trường nhập khẩu chính của rau quả Việt Nam là Trung Quốc, còn khu vực châu Âu và Mỹ chỉ chiếm khoảng 10-15%.

Tuy nhiên nếu xét tác động đến từng DN, các DN xuất hàng đi những khu vực này đang chịu tác động không nhỏ. Đó là, do giá cước tăng gấp đôi, gấp ba khiến chi phí đội lên rất lớn.

Cùng với đó, việc các hãng tàu phải thay đổi hành trình khiến thời gian giao hàng kéo dài, gây ra không ít hệ lụy. Như với trái cây rau quả tươi có thể ảnh hưởng đến chất lượng, còn với hàng chế biến sẵn việc kéo dài thời gian giao hàng ảnh hưởng tới thời gian thu hồi vốn, khiến vòng quay vốn chậm lại ảnh hưởng đến hoạt động chung của DN.

Chưa kể khi giá cước tăng, thời gian giao chậm có thể tác động khiến nhà nhập khẩu chuyển hướng nhập hàng từ khu vực ít bị ảnh hưởng hơn, khiến DN Việt mất thị phần, mất khả năng cạnh tranh.

Các tin khác