Tại toạ đàm "Hiến kế thu hút khách quốc tế" diễn ra mới đây, các diễn giả đến từ doanh nghiệp, tổ chức du lịch, đại diện cơ quan lập pháp, các bộ ngành, chuyên gia quốc tế đã chia sẻ nhiều thông tin về cách làm mới trong thu hút khách quốc tế.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường bên cạnh thu hút khách từ những thị trường truyền thống. Tiến sĩ cũng cho rằng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, song song với việc nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam.
Theo ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một trong những khó khăn trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là chính sách thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh còn nhiều hạn chế.
Thời gian chờ đợi lâu tại các điểm kiểm tra xuất nhập cảnh ở các sân bay quốc tế, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội. Điều này có thể sinh ra sự bất tiện, nhất là với các gia đình có người già, trẻ em hoặc doanh nhân có lịch trình dày đặc. Do vậy, ông Martin Koerner kiến nghị Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách này, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét.
Về xây dựng chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ, ngành du lịch cùng với nông nghiệp, được dự báo là những ngành có đóng góp quan trọng trong kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023. Trong việc xây dựng chính sách cần lồng ghép các giải pháp phát triển du lịch. Ví dụ đối với Luật Đất đai, Việt Nam có thể cân nhắc cho phép đất nông nghiệp kết hợp với xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Một số chuyên gia cũng đề xuất để thu hút khách quốc tế thì cần phải nắm bắt xu hướng du lịch mới, thấu hiểu nhu cầu khách để xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp và có chiến dịch truyền thông hiệu quả. Theo đó, xu hướng du lịch hiện nay là du lịch 1 mình, nhóm nhỏ, theo gia đình, du lịch gắn với văn hóa và thiên nhiên, coi du lịch là liều thuốc hồi phục sức khỏe, tinh thần sau đại dịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến đồng nhất về việc cần cải thiện chính sách thị thực, mở rộng diện miễn thị thực, cấp thị thực điện tử, tăng thời hạn lưu trú, số lần xuất nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Liên quan đến chính sách thị thực, tại toạ đàm này Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, hiện tại, Bộ Công an đang dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, có những đột phá về chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử để đáp ứng yêu cầu thực tế của việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Bộ Công an cũng đề xuất tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực, nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, giá trị của thị thực điện tử có thể là một lần hoặc nhiều lần, căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch; đảm bảo cho người nước ngoài khách du lịch được xuất nhập cảnh nhiều lần để thực hiện các công việc kinh doanh cũng như các tour kết nối.
Bên cạnh đó còn kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú nếu đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật.
“Trong khi chờ Luật được ban hành, để đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ Công an đã dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực mới vào một nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”, Đại tá Đặng Tuấn Việt cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan, bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, cho biết ngành du lịch Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên. Chính vì vậy, Việt Nam có thể học hỏi bài học kinh nghiệm thu hút thành công khách quốc tế của Thái Lan để áp dụng cho ngành du lịch nước nhà.
Về các yếu tố giúp du lịch Thái Lan thành công thu hút khách quốc tế, bà Nareekarn Srichainak, chia sẻ Thái Lan xây dựng môi trường chính sách kiến tạo, thiết lập trung tâm phản ứng y tế, phân cấp phân quyền địa phương nhằm ứng phó các vấn đề liên quan đến dịch bệnh; nâng cấp dịch vụ trong nước trong thời gian chờ khách du lịch nước ngoài quay lại. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có những chương trình hợp tác quốc tế như chương trình “bong bóng” du lịch đường không với Ấn Độ.
Cũng theo bà Nareekarn Srichainak, sau khi Thái Lan bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, cơ quan quản lý du lịch Thái Lan phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phuket tổ chức giới thiệu điểm đến thông qua các video clip trên mạng xã hội, chuyến bay quốc tế. Đây là mô hình mà ngành du lịch Thái Lan đã thu được kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam nên tham khảo.
Lắng nghe các chia sẻ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định các ý kiến trao đổi rất trúng và sát với tình hình mà ngành du lịch đang hướng đến.
Phó Tổng cục trưởng tán đồng ý kiến của các doanh nghiệp là cần có những cuộc đối thoại thường xuyên để tìm ra những nút thắt, từ đó tìm được giải pháp hiệu quả. Chính sách thị thực là điều rất cần thiết, bên cạnh đó ngành du lịch cũng cần cải thiện nhiều mặt hơn nữa.
"Tới đây sẽ có nghị quyết của Chính phủ sau Hội nghị toàn quốc về du lịch và nghị quyết của Quốc hội về chính sách thị thực. Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam làm cơ sở để đẩy mạnh sự phát triển của du lịch trong thời gian tới", ông Siêu cho biết.