Nhưng cũng không ít quan điểm cho rằng, diễn biến của VN Index nói riêng hay các chỉ số CK (index) tại thời điểm này đóng vai “thứ chính” trên “phim trường” TTCK.
Từ 15-20 trụ
Nếu lượng hàng hóa lên sàn vẫn được duy trì đều đặn, VN Index có thể hình thành một cục diện cũng như mặt bằng giá mới và những rủi ro giảm mạnh cũng có thể hạn chế. Hàng hóa đa dạng, dòng tiền cũng sẽ dồi dào và từ đó tạo ra sự ổn định cao hơn, tránh được những cú sốc trong ngắn hạn. |
Hầu hết các NĐT đều phải nhìn nhận TTCK tính từ đầu năm 2017 rất tốt: Thanh khoản cao (tốt cho CTCK), CP nổi sóng nhiều lần (tốt cho NĐT), CP mới lên sàn và tăng giá, tạo ra lợi nhuận (tốt cho các quỹ)…
Thực tế, việc dự báo VN Index lúc này quá khó, bởi vai trò trụ cột từ chỗ chỉ nằm ở 5 mã CK (MCK) nay có thể lên đến 15-20 mã. Hơn nữa, các trụ cột hiện nay có sự tương quan khá chặt chẽ, tăng giá theo nhóm, chứ không còn chuyện index lệ thuộc vào 1 mã nào. Đơn cử, trong 10 phiên gần nhất VNM đã tăng từ dưới 13.0 lên gần 14.2, xấp xỉ 10%, đây là tỷ suất rất tốt đối với CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường.
Vấn đề là trong đợt tăng này, hiệu ứng cũng như cảm xúc VNM tạo ra không như 1-2 năm trước, bởi thị trường hiện còn nhiều mã đáng chú ý khác như NVL, VJC, SAB… Những tân binh này cũng có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của VN Index, cộng thêm với sự mới mẻ nên đương nhiên sẽ “hút khách”.
Xét về nhóm CP, thời gian qua BĐS, ngân hàng và CK đang cho thấy khả năng hút dòng tiền trong năm nay. Tuy nhiên, cả 3 nhóm CP này cũng chưa khiến NĐT có thể kỳ vọng về một đợt sóng mạnh và gấp giống như dầu khí giữa năm 2014 hay ngân hàng đầu năm 2015.
Nguyên nhân cũng do dòng tiền đang bị xé lẻ và xoay vòng rất nhanh. Riêng 3 nhóm kể trên, ít hay nhiều thị trường vẫn còn những sự hoài nghi nhất định. Với ngân hàng, câu hỏi là 2 năm đã đủ tích lũy cho một đợt sóng mạnh hay chưa. Còn với BĐS và CK, NĐT lại hoài nghi sóng lần này có thật sự dài hay cũng chỉ như vài năm qua, nổi lên được một đoạn rồi ngưng.
Trong điều kiện thuận lợi của thị trường được nâng đỡ bởi những thông tin liên quan đến doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông, khi nhóm CP này ngập ngừng, dòng tiền có thể lập tức chuyển sang nhóm khác, trong khi CP chưa tăng cũng chỉ đi ngang, rất khó giảm. Như vậy, nếu không có những thông tin quá xấu bất ngờ xuất hiện, sự luân phiên dòng tiền tại từng nhóm có thể đẩy VN Index tiếp tục tăng.
Vẫn có rủi ro
700 rồi 720, VN Index liên tục chinh phục những đỉnh cao nhất trong lịch sử kể từ năm 2008. Đương nhiên, trong tâm lý của nhiều người, thị trường đang ở mức cao nên khi điều chỉnh sẽ rất mạnh. Trong một số lần điều chỉnh của VN Index, một số NĐT cũng kỳ vọng mốc 700 điểm sẽ bị xuyên thủng và thị trường sẽ trở nên rẻ hơn để mua vào. Nhưng cho đến giờ, điều đó vẫn chưa xảy ra và khả năng có xảy ra hay không chỉ là một ẩn số. Thị trường hơn 1 năm qua chưa một đợt điều chỉnh nào có thể khiến VN Index “bay” hơn 50-100 điểm, nhưng không đồng nghĩa sẽ không có trong tương lai.
Nếu như năm 2015 trở về trước, trong mỗi đợt điều chỉnh vùng 500-510 điểm của VN Index được xem là đáy tận cùng và mua vào đều có thể lãi từ 30-50% chỉ trong vài phiên, thì kể từ 2016 đến nay đáy của thị trường luôn ở trạng thái đáy sau cao hơn đáy trước. Và cũng vì chưa có một đáy nào cố định cho VN Index, nên giả định thị trường có một đợt điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn, sẽ không dễ để xác định đáy và diễn biến có thể cực kỳ rủi ro.
Đây chỉ là một khả năng của thị trường, có thể được hạn chế nếu những gì đang diễn ra tiếp tục được duy trì. Sở dĩ thị trường có nhiều trụ đỡ hơn chính là xu hướng các doanh nghiệp lớn liên tục lên sàn trong thời gian gần đây đã tạo ra những nhóm CP có vốn hóa lớn.
Vẫn còn những ông lớn đang chờ
Thời gian tới, dự kiến lượng hàng hóa trên sàn vẫn sẽ tiếp tục dồi dào dựa vào những nguồn hàng hóa chính sau đây: Thứ nhất là nguồn CP ngân hàng khả năng sẽ niêm yết nhiều hơn trong năm nay. Đầu năm nay, VIB đã đưa 564 triệu CP lên giao dịch tại UPCoM và cái tên đang được chờ đợi sắp tới sẽ là Techcombank.
Song không loại trừ sẽ còn có thêm những CP ngân hàng khác xuất hiện trên sàn. Ngân hàng có vốn điều lệ lớn nên ảnh hưởng đến vốn hóa cũng rất nhiều. Việc ngân hàng lên sàn sẽ tạo ra kỳ vọng rất lớn cho ngành ngân hàng, vốn cũng có nhiều ảnh hưởng đối với VN Index, có thể thúc đẩy CP diễn biến tích cực hơn.
Nhóm thứ hai chính là các doanh nghiệp lớn, như Petrolimex (PLX) thời gian gần đây đã tổ chức các cuộc tiếp xúc với các NĐT tổ chức, NĐT cá nhân để chuẩn bị cho việc niêm yết tại HOSE. Tuần này, PLX và SSI sẽ tổ chức roadshow gặp gỡ NĐT tại Hà Nội vào ngày 29-3 và tại TPHCM vào ngày 31-3.
Cũng như những roadshow của Vietnam Airlines, ACV, Vinatex… trước đây, roadshow của PLX được dự báo thu hút sự quan tâm của rất nhiều NĐT. Với vốn điều lệ xấp xỉ 13.000 tỷ đồng, tương ứng 1.300 triệu CP, giả định PLX lên sàn và giao dịch ở mức giá 5.0 như một số giao dịch trên thị trường OTC, vốn hóa của CP này cũng đã lên đến 65.000 tỷ đồng. Việc gia nhập top những CP vốn hóa lớn nhất nằm trong tầm tay của ông lớn ngành xăng dầu này.
Nhóm cuối cùng chính là những doanh nghiệp sau thời gian “tập dượt” trên UPCoM cũng có thể tính đến chuyện niêm yết tại HOSE. Dù ý định thế nào thì chỉ có doanh nghiệp và cổ đông quyết định và công bố, nhưng NĐT cũng đang chờ đợi những cái tên như ACV, Vietnam Airlines, QNS, Vissan, Vinatex… cũng sẽ sớm niêm yết để tạo ra nguồn cung hàng hóa hấp dẫn cho thị trường.