Thị trường chứng khoán đi qua một phần tư chặng đường của năm với sự tăng trưởng khá tốt dưới sự trợ lực của từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê từ Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh, riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 3.672 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VN-Index cũng có sự bứt phá với những phiên giao dịch vượt mốc 1.000 điểm tại thời điểm trung tuần tháng Ba và tăng gần 10% so với cuối năm 2018. Sang đến tháng Tư, thị trường có sự điều chỉnh và giằng co quanh khu vực 990 điểm của VN-Index.
Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán KIS, giai đoạn đầu quý 2, thị trường nối tiếp đà tăng trưởng của quý 1 với đợt đi lên “ngoạn mục” của nhóm ngành dầu khí.
“Tuy vậy đến giữa tháng Tư lại là thời điểm nhạy cảm với tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh từ các báo cáo tài chính quý, báo cáo kiểm toán năm 2018 của các doanh nghiệp niêm yết. Vì vậy, thị trường có sự phân hóa rõ rệt,” ông Tuyến nói.
Khác với những năm trước, quý 2 năm nay, ông Tuyến cho rằng, bên cạnh việc thị trường chờ đón báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sáng sủa thì những chính sách đáng lưu ý như Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp gần nhất - được cho là có tác động khá tốt đến sự phát triển của thị trường.
Thêm vào đó, những thông tin từ thị trường quốc tế, như đám phán thương mại Mỹ-Trung, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất, giá dầu tăng… đang là những nhân tố khá thuận lợi hỗ trợ nhà đầu tư ổn định tâm lý cũng như khả năng “giữ chân” dòng tiền của khối ngoại tiếp tục ở lại với thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, sự chỉ đạo của Chính phủ nhằm nâng cao tính minh bạch trên thị trường cùng với việc triển khai nhiều công cụ, sản phẩm, tăng quy mô thị trường, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn… nhằm sớm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên thành mới nổi trong năm 2020… cũng là những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường trong quý 2.
Về điều này, Báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt có phần thận trọng hơn. Theo nhóm tác giả, mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1 sẽ rơi vào tháng Năm và những tin tức từ các đại hội cổ đông thường chỉ ảnh hưởng đến từng cổ phiếu riêng lẻ. Bởi, diễn biến thị trường trong quá khứ, VN-Index thường tăng ở điểm vào đầu năm và sau đó vào giai đoạn ở các tháng Tư, tháng Năm.
Cụ thể, Báo cáo này dự báo: “Về cuối tháng tháng Tư, tâm lý của nhà đầu tư sẽ phản ứng với tin tức từ các cuộc họp đại hội cổ đông cũng như kết quả kinh doanh quý 1 của khối niêm yết. Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ trở nên thận trọng hơn trước những các yếu tố, bao gồm khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt cung tiền và những rủi ro về khả năng lạm phát gia tăng trong quý 2.”
Với góc nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế - tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những đóng góp của thị trường chứng khoán vào nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua vẫn khá khiêm tốn và như cầu vốn trên thị trường vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng. Mặc dù, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán thứ cấp đang diễn ra sôi động với giá chứng khoán tăng mạnh, song ông Hiếu nhấn mạnh: “Dòng tiền này chỉ chuyền tay nhau giữa nhà đầu tư. Bởi thực chất, dòng tiền từ thị trường sơ cấp chảy vào các công ty phát hành đi tới hệ thống sản xuất, kinh doanh là không nhiều.”
Là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trên thị trường tài chính quốc tế, những đánh giá của ông Hiếu mang tính khách quan và rất thẳng thắn. Theo ông, thị trường vốn hiện vẫn còn èo uột với sản phẩm trái phiếu Chính phủ và cổ phần của doanh nghiệp… Và, ‘con số’ là không đáng kể khi mà nền kinh tế tế từ đầu tư sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng, đòi hỏi một dòng vốn rất lớn và dài hạn.
“Thực tế, hệ thống ngân hàng thương mại đang phải huy động những đồng vốn ngắn hạn theo các tháng để phục vụ nhu cầu về vốn ‘khổng lồ’ với các hoạt động đầu tư dài hạn từ nền kinh tế. Điều này sẽ đẩy cả hệ thống tài chính rơi vào các vấn đề về thanh khoản, do đó Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh mạnh sự phát triển của trường chứng khoán,” ông Hiếu thúc giục.