(ĐTTCO) - TTCK chỉ có thể phát triển bền vững nếu những biến động phản ánh đúng giá trị thực của hàng hóa. Nguyên tắc cơ bản này một lần nữa được khẳng định trong phiên 17-3 rất giàu cảm xúc.
ETF đổi chiêu
Trong lịch sử của TTCK, những phiên quỹ ETF thay đổi danh mục thường để lại ấn tượng rất lớn, đến mức nhiều người phải thốt lên cụm từ “siêu kinh điển”, và phiên 17-3 một lần nữa thể hiện “chân giá trị” này.
Những môi giới dày dạn kinh nghiệm nhận xét diễn biến giá của ROS do NĐT giao dịch mà lại cứ như… robot, nghĩa là cứ lặp đi lặp lại 1 kiểu và giống nhau một cách kỳ lạ. Tính từ ngày 14-12 cho đến trước ngày 8-3, ROS không có một phiên giảm nào, đây có thể là hiện tượng kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử 17 năm của TTCK. |
Vừa bước vào đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ (14h30), một loạt lệnh ATC đã được đổ vào sàn HOSE, nhất là với những CP vốn hóa lớn khiến cho giá (tạm tính) giảm sàn. Đây không phải là điều bất ngờ, bởi tại thời điểm này các ETF sẽ quyết mua bằng mọi giá để đạt được khối lượng như đã dự tính, giá bao nhiêu thường chỉ là thứ yếu.
Nên theo chiều ngược lại, cũng sẽ có lực bán ra quyết liệt, nhất là khi đã đạt được mục đích. Nếu thời gian trước đó, ai dự báo CP nào sẽ được ETF mua vào có thể mua trước để tìm kiếm lợi nhuận, thì đây cũng là cơ hội chốt lời vì không chắc sau khi được ETF mua xong CP có còn tăng tiếp hay không.
Sau khi công bố thêm BID vào danh mục để rồi hủy kế hoạch với lý do tính toán nhầm lẫn vào năm 2015, ETF tiếp tục gây bất ngờ với việc đưa NVL, CP giao dịch chưa đủ 6 tháng trên sàn, vào danh mục. Và vào phiên 17-3, các ETF lại gây sốc khi không mua vào trên sàn mà lại giao dịch thỏa thuận.
Đơn cử ROS được FTSE Vietnam ETF đưa vào danh mục, thì trong phiên 17-3 cho thấy khối ngoại (có thể có FTSE Vietnam ETF trong đó) đã mua vào 3,1 triệu CP ROS và có đến 2,7 triệu CP đến từ kênh thỏa thuận. Tương tự, DXG đã được khối ngoại (trong đó cũng có ETF) mua vào 3,8 triệu CP thông qua phương thức thỏa thuận.
Hệ quả là khi không có lực mua khối lượng lớn đến từ ETF trên sàn, các CP này đã giảm mạnh, ROS giảm sàn từ 17.2 xuống còn 16.1, DXG từ 1.96 giảm xuống 1.88. Nhiều NĐT nắm giữ CP khi không thấy ETF đỡ cũng phải vội tìm đường thoát, tất nhiên áp lực nguồn cung sẽ rất lớn.
Có thể nói chiến thuật “ăn theo ETF” đang ngày một rủi ro hơn, khi chính các ETF cũng đang ra những chiêu độc lạ nhằm mục đích bảo vệ giá trị, nguồn vốn của mình. Những NĐT thích “đoán ý” ETF có lẽ nên chuyển sang đoán… chiêu ETF.
ROS: tăng mãi liệu có giảm mãi?
Giai đoạn gần nhất NĐT thấy ROS giảm sàn rơi vào khoảng tháng 11 và 12-2016, khi đó việc giảm sàn trong phiên nhưng cuối phiên tăng trở lại, thậm chí tăng gần với giá trần cứ lặp lại liên tục. Những môi giới dày dạn kinh nghiệm nhận xét diễn biến giá của ROS do NĐT giao dịch mà lại cứ như… robot, nghĩa là cứ lặp đi lặp lại 1 kiểu và giống nhau một cách kỳ lạ.
Cũng vì điều này không ít người cứ mua vào-bán ra ROS có lãi. Một số NĐT dày dạn kinh nghiệm cho rằng, về mặt cảm tính ROS lại tạo nên một sức hút… kỳ lạ. Nghĩa là ai chê cứ chê, nhưng CP vẫn tăng và hút khách. Mua CP phải có lãi, CP tăng thì mua, nhưng CP không thể tăng mãi và chỉ có thể bền vững dựa trên giá trị thực. Tính từ ngày 14-12 cho đến trước ngày 8-3, ROS không có một phiên giảm nào, đây có thể là hiện tượng kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử 17 năm của TTCK.
3 tháng không phải là khoảng thời gian đủ dài, nhưng việc không có một phiên giảm nào trong giai đoạn này cũng sẽ tạo ra tâm lý “tăng mãi” hoặc “cứ mua là thắng”. Rốt cuộc, ROS cứ như một… ngôi sao của thị phi, tin đồn cứ xuất hiện, scandal tai tiếng không thiếu nhưng vẫn nổi tiếng, giá vẫn cứ tăng vì có… sức hút.
Dữ liệu cho thấy sau phiên tăng trần từ 15.27 lên 16.33 vào ngày 6-3, ROS bắt đầu có dấu hiệu đuối sức khi giảm từ 16.8 xuống 16.7 vào ngày 8-3, và giảm 2 phiên liền vào ngày 16-3 và 17-3 (phiên 17-3 giảm sàn từ 17.2 xuống 16.1).
Trở lại với phiên giao dịch 17-3, cho tới trước khi bước vào đợt khớp lệnh định kỳ, ROS vẫn có những thời điểm tăng giá từ 17.21 lên 17.37. Về lý mà nói, 1 phiên sàn là bình thường đối với tất cả các CP trên sàn, cho dù CP tốt cách mấy vẫn có thể giảm sàn vì nhiều lý do. Nhưng một CP tăng mãi đột ngột giảm sàn cũng ẩn chứa nhiều thay đổi trong thời gian sắp tới, chẳng hạn, NĐT có thể hỏi rằng sau “tăng mãi” có… “giảm mãi” không.
Có những CP khi xuất hiện những phiên giảm sàn có thể trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các NĐT vì giá trở nên rẻ, cơ hội để mua vào. Nhưng cũng có những CP càng giảm, hấp lực (hay ma lực) lại cũng giảm theo, vì đơn giản NĐT mua vào vì thấy CP có khả năng tăng, giờ không tăng được nữa giá giảm, mà theo chiều hướng này giá lại càng giảm nhiều hơn. Không rõ ROS sẽ nằm trong trường hợp nào?
Tiền vẫn rất mạnh
ETF có thể khuynh đảo thị trường trong một số thời điểm, ROS cũng có thể là một CP có nhiều hấp lực, nhưng TTCK không chỉ có vậy. Điều này đã được thể hiện rất rõ thông qua dòng tiền nội khối vẫn có thể cân bằng được thị trường trong một ngày NĐTNN bán ròng.
Tại HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 283 tỷ đồng, trong khi tại HNX, hành động tương tự của khối này cũng diễn ra với giá trị bán ròng hơn 61 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng GTGD khớp lệnh tại HOSE và HNX trong phiên này cũng lên đến hơn 5.100 tỷ đồng, một con số cho thấy sức mua rất lớn.
Xét về mặt điểm số, phiên 17-3, VN Index giảm 4,38 điểm, tương ứng 0,61% vẫn chưa nói lên được nhiều điều. Số lượng CP tăng giảm trong phiên 17-3 tương đối cân bằng và chưa có chỉ báo cho thấy đây là một phiên xả hàng, đặc biệt là mốc 710 điểm của VN Index vẫn giữ khá vững.
Hiệu ứng ETF dự báo sẽ giảm trong tuần này, bởi sau một phiên giao dịch có tính lịch sử có lẽ thị trường sẽ bình lặng hơn đôi chút, nhưng những con sóng nhỏ vẫn chảy ở từng CP.
Câu chuyện của tuần này có lẽ nằm ở những kế hoạch tại đại hội cổ đông sắp diễn ra liên quan kết quả kinh doanh, cổ tức, hoạt động tăng vốn. Xen kẽ với đó là xu hướng dòng tiền sẽ dịch chuyển nhanh ở các nhóm ngành như bất động sản, CK. Nhiều khả năng vùng 710-720 sẽ tiếp tục được VN Index duy trì trong tuần tới.