Sau 1 năm 2015 ảm đạm, giá thép quay đầu tăng giá từ đầu năm 2016 giúp các DN trong ngành lãi lớn và đây cũng là ngành nổi bật nhất trong năm vừa qua. Quý I-2017, giá thép trên thế giới vẫn có những diễn biến tích cực và KQKD của các DN trong ngành tiếp tục khả quan, HPG công bố sơ bộ lãi 1.935 tỷ đồng, SMC lãi 105 tỷ đồng… Tuy nhiên, thép không còn duy trì vị trí độc tôn như cách đây 1 năm khi một loạt ngành khác cũng có KQKD khủng.
Đơn cử như ngành CK, SSI công bố lãi trước thuế quý I-2017 đạt 328,5 tỷ đồng, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời có quý thứ 13 liên tiếp giữ vị trí số 1 về thị phần tại HOSE với 14,12%. Trong BCTC riêng quý I-2017 của CTCK VNDirect, lợi nhuận ròng đạt gần 223 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ 2016. Quý I thường không phải là quý cao điểm của FPT nhưng tập đoàn công nghệ này cũng công bố lãi ròng 540 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 1 tuần qua, diễn biến của TTCK không thật sự thuận lợi nhưng VNM lại nằm trong số ít CP ngược dòng với số phiên tăng nhiều hơn phiên giảm. Tại ĐHCĐ của VNM được tổ chức cách đây khoảng chục ngày, dù chưa có con số cụ thể, nhưng Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đã báo tin vui cho cổ đông với doanh thu tăng trưởng 16% và lãi ròng tăng trưởng đến 34% so với cùng kỳ.
Cần nhấn mạnh, quý I là quý khởi động của năm mới, nếu kết quả hanh thông, kỳ vọng cả năm sẽ thuận lợi. Nhưng cũng còn đó 3 quý còn lại ẩn chứa nhiều bất ngờ, thách thức, cộng thêm một điều quan trọng là BCTC quý I sẽ không bị kiểm toán hoặc soát xét. Nhờ vậy, DN sẽ có một khoảng trống nhất định để cân nhắc trong việc hạch toán sao cho vừa tuân thủ các quy định, vừa đảm bảo lợi ích cổ đông, nhưng cũng chừa ra một số giải pháp cho các quý còn lại.
Vào năm ngoái, lãnh đạo một DN ngành vật liệu xây dựng cho biết lợi nhuận thực tế công ty đạt được trong quý I-2016 đã tương đương với lợi nhuận kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thị trường ẩn chứa rất nhiều biến động và không loại trừ khả năng thua lỗ trong những quý còn lại, vì vậy ban lãnh đạo công ty không dám mạnh dạn nâng chỉ liêu lợi nhuận lên cao. Một giải pháp được thực hiện là báo lãi quý I thấp hơn đôi chút, kèm theo khẳng định sẽ phấn đấu bằng mọi giá để đạt lợi nhuận cả năm ở mức tối đa và cam kết chia cổ tức ngay khi có thể thực hiện. Hay năm 2014, TTCK đã tăng tốt sau hơn 2 tháng đầu năm nhưng bắt đầu điều chỉnh vào nửa cuối tháng 3 cũng đã khiến cho một công ty xây dựng ban đầu định hạch toán lãi lớn đã phải lui về thế phòng thủ với lý do báo lãi cao chưa chắc có lợi cho cổ đông. Tất nhiên, các thủ thuật kế toán có thể thực hiện được việc này trong một chừng mực nhất định.
Toan tính và chỉ báo
Trở lại với quý I-2017, các lý do được đưa ra để lý giải cho con số lãi khủng rất hợp lý. Như ngành CK, với các phiên có thanh khoản trên 4.000 tỷ đồng/phiên diễn ra liên tục, việc các CTCK lãi lớn là điều ai cũng có thể dự đoán. Thậm chí, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI, còn cho biết công ty hiện vẫn đang hạch toán một cách thận trọng nên lợi nhuận có giảm đi đôi chút so với thực tế. Giá thép tăng khá tốt từ cuối 2016 đến đầu tháng 3 có thể theo dõi được, nên sự tích cực của lợi nhuận ngành thép cũng nằm trong dự báo.
Dường như các DN, đặc biệt là các DN lớn đã tự tin thực sự về khả năng vượt qua khó khăn trong nội tại DN nên đã có phần tự tin hơn trong công tác hạch toán KQKD quý I. Sự tự tin của các DN càng đáng được ghi nhận khi nền kinh tế 2017 được dự báo vẫn sẽ có những rủi ro ở một số góc độ. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC Nguyễn Ngọc Anh phân tích: “Ngành thép mặc dù thuận lợi nhưng mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn. Hiện nay để có lợi thế cạnh tranh trong mảng thép xây dựng, sản lượng phải đạt từ 1 triệu tấn/năm trở lên, còn ống thép phải đạt sản lượng 100.000 tấn/năm trở lên”.
Như vậy, ngoài sự tự tin về thực lực của mình, các DN vẫn kỳ vọng kinh tế dù có nhiều thách thức nhưng vẫn song hành với đó là các cơ hội. Thậm chí như FPT, sau một giai đoạn điều chỉnh về chiến lược hoạt động hiện nay đã thu được thành quả từ việc phát triển ra thị trường quốc tế. Kết thúc quý I-2017, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận 1.420 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, vẫn còn một nguyên nhân nữa tương đối tế nhị hơn, đó chính là khí thế tích cực của TTCK trong suốt cả quý I-2017 kéo dài đến tháng 4 này dù thị trường có điều chỉnh trong khoảng 10 phiên gần đây.
Là một công ty đại chúng, việc các DN niêm yết tìm cách hạch toán như thế nào để có lợi cho CP, có lợi cho cổ đông mà vẫn đảm bảo tính tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý cũng là bình thường. Năm 2016 DN làm ăn thuận lợi, đến ĐHCĐ hoặc mùa công bố BCTC quý I-2017 có lãi lớn là điều mà bất kỳ NĐT, cổ đông nào cũng mong muốn. Vì vậy, nếu thực sự DN có thực lực, tự tin chẳng lẽ lại tiếc gì trong việc đem lại niềm vui cho NĐT?
Một phần nào đó, mối quan hệ giữa TTCK và KQKD của DN là mối quan hệ tương hỗ, TTCK thuận lợi (biểu hiện cho nền kinh tế thuận lợi) nên DN ăn nên làm ra, DN ăn nên làm ra lại khiến TTCK tăng trưởng tích cực. Nói cách khác, nhìn vào KQKD của DN, cũng có thể thấy một chỉ báo cho thị trường.