Việc DC, một công ty quản lý quỹ đã bám rễ tại TTCK Việt Nam vài chục năm qua, tiến hành đầu tư vào CTTC tại thị trường Myanmar đang mở ra khả năng sẽ có một làn sóng đầu tư CTTC tại thị trường đầy tiềm năng này.
Thích nhưng… khó nhích
Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, vốn chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là có quy trình thẩm định, kiểm soát rủi ro. Sự hợp tác của chúng tôi với DC cũng bắt nguồn từ việc chúng tôi thấy được những thành công của tập đoàn đầu tư này trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính tiêu dùng. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển tốt nếu các nguồn vốn được phân bổ một cách hợp lý và các định chế tài chính phát huy tối đa công suất của mình. TS. Sai Sam Htun, Chủ tịch Tập đoàn Loi Hein (Myanmar) |
Trao đổi với ĐTTC, tổng giám đốc một CTTC thuộc tốp đầu tại thị trường Việt Nam cho biết, công ty của ông và một số công ty bạn ít nhiều đều có ý định tham gia thị trường Myanmar. Theo ước tính của Quỹ Phát triển vốn Liên hiệp quốc (UNDCF), có trên 50% dân số (trong số gần 61 triệu người) tại Myanmar không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính trong những năm gần đây, và ước tính có khoảng 1 tỷ USD nhu cầu vay chưa được đáp ứng.
Ngoài ra, còn có 30% dân số tại đây tiếp cận với nguồn dịch vụ không được kiểm duyệt, tức chi phí vốn của nhóm này rất lớn. Khi nền kinh tế Myanmar được dự báo sẽ ngày càng phát triển, nhu cầu vốn vay rất lớn không chỉ cho sản xuất kinh doanh mà còn tiêu dùng, giáo dục… Và đây chính là những phân khúc đầy tiềm năng cho các CTTC.
Nhưng nhìn một cách tổng thể, từ ý muốn đến hành động của các CTTC hiện đang tồn tại những thách thức nhất định. Chẳng hạn, các ngân hàng (NH) Việt Nam khi tham gia thị trường tại Myanmar xuất phát điểm ban đầu chỉ là văn phòng hoặc sau này là chi nhánh, việc thành lập NH con 100% gặp những thách thức về giấy phép, thủ tục.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi nền kinh tế Myanmar vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình và khuôn khổ pháp lý đang được củng cố. Và thị trường đầy tiềm năng cũng đồng nghĩa với việc vẫn còn nhỏ, trong khi đầu tư ra nước ngoài luôn đòi hỏi chi phí, công sức cực kỳ lớn.
Thách thức của các NH cũng chính là thách thức của các CTTC. Hoạt động tài chính vi mô nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng đòi hỏi phải am hiểu thị trường và có những quy trình, nghiệp vụ đặc biệt và đặc thù. Được biết, có CTTC nước ngoài vốn rất thành công tại Việt Nam có ý định tham gia thị trường Myanmar nhưng đã gặp rất nhiều thách thức trong khâu giấy phép.
Mở đường tìm cơ hội
5 triệu USD của Ruby Hill là số tiền không quá lớn, nên có thể hiểu quy mô ban đầu của thị trường tài chính tiêu dùng Myanmar là nhỏ và đi kèm với nhiều thách thức. Một CTTC vi mô hay CTTC tiêu dùng chỉ có thể phát triển nếu hội tụ đủ các yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. HD SAISON với tuổi đời 10 năm, nhưng chỉ mới phát triển mạnh (tăng trưởng gấp 8 lần) trong 5 năm gần nhất là một minh chứng.
Ngoài hoạt động đã được tích lũy, chuẩn hóa, đội ngũ những người quản lý vừa thận trọng, linh hoạt, sự phát triển của HD SAISON còn song hành với sự phát triển của lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực điện máy, điện thoại.
Vì vậy, khả năng CTTC khi tham gia thị trường Myanmar ngoài những thách thức phải vượt qua về mặt thủ tục, còn phải tính đến việc tốn thêm một khoảng thời gian để “nằm vùng” nhằm quan sát, am hiểu tập quán tiêu dùng của thị trường mới. Nghĩa là khó khăn sẽ chồng chất khó khăn mà hiệu quả trong ngắn hạn chưa được rõ.
Khi ĐTTC đặt vấn đề DC chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính vi mô tại sao có thể mạnh dạn tham gia đầu tư tại một thị trường mới nổi, ông Dominic Scriven, CEO của DC, lập tức đính chính: Tập đoàn của ông đã có gần 1 thập niên tham gia thị trường này tại Campuchia, thông qua các thương vụ đầu tư.
Thực tế, việc DC hợp tác một tập đoàn địa phương như Loi Hein có thể là một bước đi khôn ngoan trong việc từng bước thâm nhập thị trường mới. Loi Hein được thành lập vào năm 1994 và hiện có doanh thu 100 triệu USD nhờ vào việc sở hữu cũng như bán các sản phẩm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Cách đây 2 năm, Loi Hein cũng đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, CK.
Cách làm này vừa giải quyết những vướng mắc về mặt thủ tục, đồng thời cả 2 bên đều có thể tận dụng những lợi thế của nhau. Nhưng việc hợp tác, liên danh chưa bao giờ là dễ dàng, ban đầu có thể kỳ vọng “hạnh phúc dưới một mái nhà”, nhưng một thời gian sau có thể dẫn đến chuyện bằng mặt không bằng lòng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng luôn đòi hỏi 2 yếu tố “cẩn trọng” và “mạnh bạo” song hành với nhau. Lúc này, nếu có quá nhiều quyết định (do có nhiều bên tham gia) có thể khiến công ty mất cơ hội hoặc thiếu đi sự quyết đoán.
Nếu vượt qua giai đoạn này, DC rõ ràng đang nắm trong tay một món hời, vì số vốn bỏ ra ban đầu khá ít, nhưng lại tham gia được một thị trường đầy tiềm năng, lúc này có thể tiếp tục đầu tư, hoặc cũng có thể bán lại cổ phần tại CTTC nếu muốn.