MWG đã tiệm cận đáy?

(ĐTTCO) -Từ mức giá đỉnh hơn 13.0 hồi đầu năm, MWG (Thế giới di động) đã giảm giá mạnh xuống dưới 10.0 tháng trước và hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 10.5. Câu hỏi đặt ra liệu đây đã là mức giá đáy của MWG hay chưa?

Đi tìm kỳ vọng
Dù chỉ có giá hơn 10.0, nhưng đến thời điểm này vẫn có nhiều CTCK đưa ra kỳ vọng cho MWG lên đến 16.0-17.0. Điều này đang tạo cảm giác CP này đang có giá rất rẻ, và nếu mua bây giờ có thể ăn “bằng lần” trong tương lai. Chẳng hạn, nếu mua giá 10.0 khi CP tăng lên 15.0 sẽ lãi ngay 50%, còn nếu sử dụng margin với tỷ lệ 1:1, lãi sẽ lên đến 100%, tức “nhân đôi tài khoản”.
Nhưng đặt trong bối cảnh của TTCK hiện nay với diễn biến có phần thất thường, cộng với hoạt động của MWG đang gặp thách thức bởi chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), cũng cần phải xem lại. 
 Do quá thành công trong quá khứ, kỳ vọng dành cho MWG càng lúc càng lớn, tức phải cao hơn trong lịch sử. Do vậy dái nhìn của giới đầu tư dành cho BHX sẽ khắt khe và càng lâu thành công, sự nghi ngờ càng lớn. 
Sau khi đóng cửa ở mức giá 9.8 vào ngày 19-4, MWG đã nhanh chóng vượt lên ngưỡng 10.0 và giữ khá vững kể từ đó đến nay. Cộng với thông tin liên quan đến BHX tạm không như mong đợi, giảm mục tiêu cửa hàng từ 1.000 xuống 500 trong năm nay, phải đóng một số cửa hàng, đã tạo cảm giác cho NĐT rằng CP này đã tạo đáy.
Dường như những thông tin thiếu tích cực đã được phản ánh dần vào giá CP, đặc biệt MWG có tiếng là tổ chức họp các chuyên gia phân tích thường xuyên và cũng không ngại chia sẻ những khó khăn, thách thức của mình. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng khi đà giảm được chặn lại, có thể CP đã tạo đáy, nhưng cũng có thể chỉ đang tạm “hồi sức” trước khi… giảm tiếp.
Để chặn đà giảm, hoặc tạo ra đà tăng, những kỳ vọng cần phải xuất hiện đủ mạnh, riêng với trường hợp của MWG để CP “bốc đầu” như những năm trước cần rất nhiều thông tin có sức nặng. 
Nhưng nhìn tại thời điểm hiện tại MWG đang có gì? Dường như các chuyện liên quan đến nhà thuốc, thâu tóm Trần Anh có thể không được kể và kiểm nghiệm trong năm 2018, mà phần lớn vẫn tập trung ở BHX. Nhưng con đường của BHX chưa rõ ràng khi đã có những ý kiến chỉ ra rằng bán rau, bán thịt khác xa so với bán điện thoại, điện máy - những mảng làm nên tên tuổi cho MWG.

Những rủi ro tiềm ẩn
Từ điện thoại chuyển sang điện máy, MWG không gặp quá nhiều khó khăn khi các shop ĐMX mọc ra liên tục cộng với quảng cáo dội bom để phủ sóng thương hiệu. Thậm chí, khi chuyển qua thương mại điện tử như VuiVui.com, hệ thống của website này cũng chạy rất trơn tru. Nhưng riêng với BHX, tính đến thời điểm này các lo ngại và cả những rủi ro đã được chỉ ra rất nhiều.
Nói không quá, BHX là mảng khó nhất so với những mảng khác MWG đã tham gia và thành công. Đến thời điểm này, một loạt câu hỏi sẽ được đặt ra, liệu hạ chỉ tiêu phân nửa xuống 500 cửa hàng, MWG có khả năng hoàn thành, mà nếu hoàn thành được doanh thu liệu có như kỳ vọng? 
MWG đã tiệm cận đáy? ảnh 1
 Một điểm nữa cũng cần biết là trong quá trình phát triển của chuỗi Thế giới di động cũng như ĐMX, MWG cho thấy sự lớn mạnh, thậm chí càn quét thị phần của các đối thủ. Nhưng riêng với BHX không được như vậy, khi rất nhiều ông lớn trong nước, ngoài nước “thập diện mai phục” và không thiếu những lợi thế cạnh tranh với đơn vị này.  
Một điểm nữa cũng cần lưu ý là trong suốt một chặng đường giảm gần 30 “giá”, tức từ hơn 13.0 xuống hơn 10.0, phần lớn cung cầu được quyết định bởi dòng tiền nội, thậm chí là dòng tiền có tính thị trường, luân chuyển liên tục. Room sở hữu nước ngoài của MWG vẫn duy trì ở mức 49% không thay đổi trong thời gian này, đồng nghĩa với việc chưa có quỹ ngoại nào tiến hành bán ra.
Mặt khác, cũng do hết room nên dù muốn mua nhưng khối ngoại cũng chưa thể gom thêm được hàng. Khác với NĐT cá nhân, sức chịu đựng của NĐT tổ chức lớn hơn, và nếu MWG vẫn có thể tạo ra được những sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, việc giảm 20-30% trong vài tháng là bình thường. Đó chưa kể đến việc CP tăng giá vài năm giảm vài tháng cũng là hệ quả hợp lý. 
Tính đến thời điểm này, có thể nói thông tin phản ánh về MWG  khá đa dạng, tích cực và cả thiếu tích cực, nhưng “thế giới cung-cầu” chưa được đa dạng như vậy, vì phần lớn dòng tiền từ NĐT tổ chức vẫn còn án binh bất động. Vài tháng CP không tăng, để chờ MWG “thử và sai” nhưng nếu không kịp “đúng” trở lại, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Bởi đơn giản, CP không có lãi phải bán, mà ở đây nguồn cung từ NĐT tổ chức chắc chắn sẽ rất lớn. Chưa cần giá CP giảm, chỉ cần giá không thể tăng do thiếu sức bật trong thời gian dài, bất cứ NĐT nào cũng sẽ tính đến chuyện đảo danh mục, tức bán ra và đi tìm CP khác tiềm năng hơn.

Các tin khác