Chưa bỏ room, cấp theo "tình trạng sức khỏe"
Trả lời về câu hỏi đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực NH ngày 11-11 về lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, Thống đốc NHNN cho biết, sau phiên chất vấn năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62.
NHNN đã tổ chức các cuộc tọa đàm để phân tích, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các TCTD. Xét trong bối cảnh hiện nay, NHNN chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng.
“Với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống NH, nếu chúng ta không kiểm soát, để mỗi TCTD tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm như những năm trước đây thì cũng tiềm ẩn những rủi ro. Nhất là khi phân khúc của thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu về trung, dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu…vẫn còn chưa giải quyết được vấn đề về vốn dài hạn, thì việc bỏ hạn mức tín dụng là chưa thực hiện được”, Thống đốc cho biết.
Thống đốc cũng nêu rõ, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã linh hoạt hơn trong các giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng như: cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát NHNN; cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, bất động sản…).
Đến cuối năm 2023, NHNN đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả các TCTD với chỉ tiêu định hướng khoảng 15%.
Theo Thống đốc, NHNN thực hiện hai chức năng là điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, nhưng có một chức năng nữa đó là quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ NH.
Vì vậy, mục tiêu điều hành của NHNN vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống NH, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống NH là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết.
Bởi, nếu hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế, bởi tác động lan truyền của nó. Do vậy, NHNN căn cứ vào diễn biến thực tế; và trong nhiều năm qua, NHNN đã quyết định phải sử dụng công cụ là room tín dụng để hạn chế tín dụng.
“Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống NH rất nhiều, nên đã có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến hệ lụy và rủi ro đối với hệ thống NH, nhất là những NH yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn. NHNN đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành; khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các TCTD, NHNN đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các TCTD, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD. Cùng với đó, NHNN thường xuyên giám sát và cảnh báo những TCTD tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro”, Thống đốc chia sẻ.
Cho vay cũng đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền
Về dư nợ tín dụng đối với bất động sản khoảng 20-21% tổng dư nợ của nền kinh tế, Thống đốc cho biết, các TCTD cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của TCTD, tùy thuộc vào nguồn vốn của họ huy động.
“Hiện 80% tiền gửi ở Việt Nam là ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản cũng cần đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền; NHNN không có quy định cấm không cho vay bất động sản”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân đối cung - cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 33 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.
Theo đó, NHNN đã có giải pháp tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ. NHNN đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới.
Đồng thời NHNN cũng chỉ đạo các TCTD giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản. Liên quan đến các thông tư cho vay của Chính phủ hiện đã dừng và chưa thực hiện. Còn việc các TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN đã sửa đổi theo hướng đảm bảo thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản.
Liên quan đến tín dụng cho giao thông, BOT, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, đường cao tốc là lĩnh vực mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
“Và chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng km đường xây dựng so với thời gian trước đã tăng lên rất nhanh và nhiệm vụ cho giai đoạn tới đến năm 2030 để có được 5.000 km đường cao tốc là mục tiêu rất lớn. Đường cao tốc cần nguồn vốn vay dài hạn. Cho nên đòi hỏi phải đa dạng hóa các nguồn lực từ nhiều kênh”, Thống đốc NHNN nêu rõ.
Đối với hệ thống NH, NHNN đã đánh giá, theo dõi và trước đây cũng có các dự án về đường cao tốc, các NH đã tham gia vay vốn, tổng dư nợ các khoản cho vay các dự án đường cao tốc này khoảng trên dưới 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN nhận thấy, nợ xấu và nợ nhóm hai của các dự án này đang chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20%. Và nguyên nhân khác còn do tiền trả nợ làm đường cao tốc thường đến từ nguồn thu phí.
Vì vậy, nếu chính sách thu phí đường cao tốc thường xuyên thay đổi hay các phương án tài chính của các dự án xây dựng đường cao tốc thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các dự án này. Do đó, các TCTD khá thận trọng, còn khuôn khổ pháp lý hiện đã đầy đủ.
Bàn về giải pháp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với giải pháp về nguồn tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các TCTD phải tăng cường cho vay đồng tài trợ đối với những dự án lớn.
“Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và liên quan đến chống biến đổi khí hậu, việc huy động nguồn lực từ nước ngoài là cần thiết, đặc biệt đối với các dự án ODA trợ giúp phát triển chính thức như ADB, WB, quan trọng nhất là chúng ta cân đối vay bao nhiêu để đảm bảo cân đối của nền kinh tế cũng như đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Và thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để giải quyết các khó khăn khi triển khai các dự án này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.