Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) đã mạnh tay cắt giảm lãi suất, mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và ứng cứu các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đến nay đã dùng “hết sách” nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan. Phải chăng quyền lực của các NHTƯ đã giảm sút?
6 tuần 1 lần, những người quyền lực nhất trong nền kinh tế toàn cầu lại gặp nhau trên tầng 18 của một tòa nhà xấu xí gần trạm xe lửa ở thành phố Basel, Thụy Sĩ. Họ được xem là những người thao túng thế giới, cả trên thị trường và chính trường.
Cuộc họp quyền lực
Nhóm quyền lực bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Janet Yellen và người đồng nhiệm ở NHTƯ châu Âu (ECB), ông Mario Draghi, cùng 16 quan chức tiền tệ hàng đầu khác đến từ Bắc Kinh, Frankfurt (Đức), Paris và nhiều nơi khác. Họ bỏ ra gần 2 giờ để trao đổi quan điểm trong một buổi tranh luận do Thống đốc NHTƯ Mexico Agustín Carstens cầm trịch.
Không ai ghi lại biên bản nhưng các nhà quản lý tiền tệ thế giới có ảnh hưởng nhất cho biết cuộc họp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mở rộng kiến thức của họ. Những cuộc họp như vậy đã có từ rất lâu. Theo nhiều người, qua những cuộc họp này họ thiết đặt lãi suất và kiểm soát cung tiền, giám sát các chính phủ và ngân hàng. Thậm chí họ được công chúng xem như những siêu sao. Họ quyết định những gì xảy ra trên thị trường, chính trường và thao túng cả hành tinh.
TP Basel - nơi diễn ra những cuộc họp của các lãnh đạo NHTƯ. |
Nhưng kể từ khi nhiều NHTƯ giảm lãi suất gần bằng không, mua nợ và ứng cứu các ngân hàng, sự bất đồng ngấm ngầm len lỏi vào các cuộc bàn luận thường kỳ. Những cuộc thảo luận nội bộ của họ ít mang lại ấn tượng thành công. Các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tăng trưởng ì ạch; ngân hàng, hộ gia đình và các chính phủ vẫn ngập sâu trong nợ; các ngân hàng sử dụng chính sách tiền tệ không theo quy ước ngày một nhiều hơn.
Các chuyên gia tiền tệ từ những nền kinh tế mới nổi đã phàn nàn rằng các biện pháp của châu Âu và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh dòng tiền đầu cơ không mong muốn. Hay tại Hoa Kỳ, thành viên của Ban Thống đốc FED đang tranh cãi quanh việc có nên chấm dứt việc chi hàng ngàn tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ hay không. Tại Anh, NHTƯ khiến công chúng mơ hồ với những công bố trái ngược về các quyết định lãi suất tương lai.
Và ở EU, sự chia rẽ của các cơ quan giám sát tiền tệ của Hội đồng ECB khiến cuộc chiến đẩy lạm phát trở nên khó khăn. Tại cuộc họp gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington, các chuyên gia chính sách tài chính và nhà điều hành ngân hàng thúc giục các thống đốc NHTƯ tiếp tục duy trì chính sách tiền rẻ. Các chính sách được bàn đến là mua thêm trái phiếu, duy trì lãi suất thấp và những giao dịch của NHTƯ liên quan đến chứng khoán nợ thế chấp.
Chiến binh đơn độc
Nếu có một cao bồi trong hàng ngũ các nhà NHTƯ toàn cầu, thì đó là Richard Fisher, Chủ tịch FED chi nhánh Dallas. Thần tượng của Fisher là Paul Volcker, Chủ tịch FED từ những năm 1980, người đã tính cực trục xuất bóng ma lạm phát ra khỏi Hoa Kỳ. Ngược lại mong muốn của Tổng thống Jimmy Carter và phần đông công chúng, ông đẩy lãi suất cơ bản lên những mức cao kỷ lục.
Điều này dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế nặng, nhưng cũng chấm dứt tình trạng lạm phát 2 con số. Đối với Fisher, Volcker thuộc vào hàng ngũ “các vị thánh của chính sách tiền tệ”. Nhưng kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, kịch bản đối với các nhà NHTƯ không còn chứa những yếu tố như các bộ phim của phương Tây, mà giống loạt phim “Phòng cấp cứu” của Hoa Kỳ hơn.
Không ai nhận thức điều này rõ hơn Fisher, người đã có mặt trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt sau sự sụp đổ của Lehman, khi chính phủ đã phải ứng cứu các ngân hàng lớn và bảo vệ các khu vực tài chính khỏi sụp đổ. Lãi suất đã giảm xuống gần như bằng không và chính phủ đã mua trái phiếu kho bạc trên quy mô lớn.
Các nỗ lực cứu hộ cuối cùng đã thành công, nhưng bệnh nhân vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Nền kinh tế chỉ từ từ nhích lên và nhiều nhà máy vẫn không hoạt động hết công suất. Điều này khiến một số đồng nhiệm của Fisher trong Ban Thống đốc FED ủng hộ bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Fisher thì ngược lại, ông cảm thấy bối rối khi FED đã chi tới 18.000 tỷ USD - tương đương 1/4 tòa bộ nợ công Hoa Kỳ - để mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp nhưng hiệu quả quá ít ỏi. Đó là do phần lớn số tiền được bơm ra lĩnh vực tài chính không đến được khu vực tư nhân dưới dạng tín dụng cho vay như các nhà NHTƯ mong đợi.
Thay vào đó, nó chảy vào thị trường chứng khoán, nơi giá đã đạt những mức cao đáng lo ngại trong những tháng gần đây. Thị giá chứng khoán nay đã xấp xỉ những mức như trước ngày Thứ sáu Đen năm 1929 và vụ vỡ bong bóng dotcom 70 năm sau đó. Tuy nhiên, Fisher hiện như một “chiến binh đơn độc”.
(Còn tiếp)
Các lãnh đạo NHTƯ gần đây không tạo được ấn tượng đặc biệt. Họ thiên về khuynh hướng cho rằng mình đã làm đủ rồi và phân vân liệu hành động của họ bây giờ có thể hại nhiều hơn lợi. |